Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thiếu điện là trở ngại lớn với nhà đầu tư nước ngoài
Bùi Nhung - 21/03/2024 08:51
 
Doanh nghiệp Hàn Quốc tin tưởng vào triển vọng tại Việt Nam trong hiện tại, nhưng quan ngại khi nhắc đến câu chuyện tương lai khi Việt Nam đi qua thời điểm dân số vàng và vấn đề thiếu điện không được xử lý sớm.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam trao đổi bên lề Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2024.

Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

Ông đánh giá thế nào về triển vọng dòng vốn đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam trong năm 2024?

Chúng tôi cho rằng, kinh tế toàn cầu đang phục hồi tốt và doanh nghiệp Hàn Quốc tự tin mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Nhưng những thương vụ đầu tư mới sẽ tương đối hạn chế, hầu hết các doanh nghiệp Hàn Quốc đủ sức ra nước ngoài đã có mặt ở Việt Nam rồi. Điều quan trọng là sao để giữ chân các doanh nghiệp đó, khiến họ vẫn tự tin tiếp tục mở rộng hoạt động tại đây. Do đó, Việt Nam phải tiếp tục cung cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài.

Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng, cơ cấu dân số tốt nhất và đẹp nhất. Nhưng thời kỳ này không tồn tại mãi, chỉ giới hạn 10-15 năm nữa. Sau này, lưng người còng rồi mà kinh tế chưa phát triển, thì nếu các nhà đầu tư nước ngoài rút hết, chỉ còn lại doanh nghiệp trong nước, sẽ rất nguy hiểm cho Việt Nam.

Bây giờ là thời điểm quan trọng cho tương lai, nếu không cố gắng hơn nữa thì 10 năm sau rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng khá lo lắng cho tương lai Việt Nam. 10-15 năm nữa, chúng tôi chưa chắc Việt Nam có hấp dẫn, còn trẻ, năng động và nhiều tiềm năng như bây giờ không. Nếu Việt Nam không giải quyết nhanh khó khăn, vướng mắc bây giờ, thì sau nay rất khó để tiếp tục giữ chân các nhà đầu tư.

Để giải quyết nỗi lo cho doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng khi nhìn về tương lai, theo ông, vấn đề cấp bách nhất hiện nay đối với Việt Nam là gì?

Cấp bách nhất hiện nay vẫn là cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nguồn điện. Khi Bộ Công thương Hàn Quốc lập kế hoạch phát triển công nghiệp, họ đã lập kế hoạch phát triển điện trước. Không có điện thì không có công nghiệp. Sản xuất thép, sản xuất chất bán dẫn, màn hình, pin…, tất cả đều sử dụng điện, nên Hàn Quốc cần đảm bảo nguồn điện khổng lồ.

Trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 7/2023, nhiều khu vực ở miền Bắc Việt Nam (Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Phú Thọ, Vĩnh Phúc...) xảy ra tình trạng bị cắt điện do thiếu điện. Một số khu công nghiệp cũng tiến hành cắt điện có báo trước, với tần suất khoảng 1-2 lần/tuần.

Chính phủ Việt Nam cũng nhận thức được rằng, thiếu điện là yếu tố gây trở ngại lớn cho thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao năng lực cạnh tranh sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Đã có nhiều nỗ lực nhằm đề ra các giải pháp, nhưng đây là vấn đề khó có thể giải quyết được trong thời gian ngắn.

Với các doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp công nghệ cao như bán dẫn, hiện tượng thiếu điện của Việt Nam là một trong những yếu tố lớn khiến họ chần chừ trong việc đưa ra quyết định đầu tư. Các công ty Hàn Quốc hiện rất quan tâm đến các ngành sử dụng nhiều công nghệ, phù hợp với xu hướng thân thiện môi trường như điện mặt trời áp mái, nhưng vẫn đang ngần ngại.

Lập trường của các doanh nghiệp toàn cầu khác trong lĩnh vực công nghiệp mà Chính phủ Việt Nam mong muốn thu hút đầu tư cũng tương tự.

Vậy các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể làm gì để hỗ trợ Việt Nam giải quyết bài toán cấp bách về điện không?

Như chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, chúng tôi có đầu tư cảng điện khí LNG tại Việt Nam. Trong tương lai, nếu Việt Nam chấp nhận, chúng tôi sẵn sàng đầu tư phát triển điện hạt nhân. Về điện hạt nhân, chúng tôi là số 1. Hàn Quốc đang quản lý, vận hành và xuất khẩu nhiều nhá máy điện hạt nhân trên khắp thế giới. Khi nào Việt Nam chấp nhận làm điện hạt nhan, chúng tôi sẵn sàng đầu tư, hợp tác để cùng Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Ngoài vấn đề thiếu điện, cũng không thể không nhắc đến sự chậm trễ của doanh nghiệp trong nước khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, thưa ông?

Hiện rất ít doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng tôi có những tập đoàn lớn tầm cỡ thế giới như Samsung, LG…, nhưng không nhiều công ty Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của chúng tôi, đó là việc đáng tiếc.

Samsung vào Việt Nam năm 2008, sản xuất điện thoại 16 năm rồi. Trong từng đó thời gian mà chưa có số lượng doanh nghiệp đáng kể như doanh nghiệp hỗ trợ Hàn Quốc tham gia chuỗi. Việt Nam vẫn cứ làm những dịch vụ đơn giản như bao bì, thức ăn, chứ không phải làm những công nghệ cao, linh kiện quan trọng.

Chúng tôi mong đợi và sẵn sàng tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi. Nếu chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài như nhau, chúng tôi sẽ ưu tiên mua từ doanh nghiệp Việt Nam, nhưng vẫn rất khó tìm.

Diễn đàn VBF 2024: Doanh nghiệp FDI phải tiên phong, dẫn dắt thực hiện tăng trưởng xanh
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các doanh nghiệp FDI phải đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt, đồng hành cùng doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư