Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
“Thỉnh vong”, “giải oan gia trái chủ” là không đúng tinh thần của Phật giáo
Kỳ Thành - 21/10/2019 15:48
 
Các hoạt động “thỉnh vong”, “giải oan gia trái chủ” gắn với một số biểu hiện “hù dọa” là không đúng tinh thần cứu khổ cứu nạn của Phật giáo. Việc buộc phải “trả nợ cho vong” bằng tiền thông qua hình thức công đức vào chùa hoặc làm công quả lao động là trái với thuần phong, mỹ tục.

Theo Báo cáo số 14 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam về Kết quả giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ sau kỳ họp thứ 7 đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, tính đến hết tháng 9/2019, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội đã hoàn thành thực hiện 11 nội dung giám sát theo kế hoạch; tổ chức được tổng số 15 cuộc giám sát tại 13 địa phương, đơn vị.

Đáng chú ý, Ban Thường trực đã chủ động tổ chức giám sát nội dung phát sinh về việc thực hiện pháp luật trong vụ “thỉnh vong”, “giải oan gia trái chủ” tại chùa Ba Vàng, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh thông qua hình thức nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan có thẩm quyền liên quan, nhằm đảm bảo thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân, phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường đoàn kết các tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chùa Ba Vàng (Ảnh: VnExpress)
Chùa Ba Vàng (Ảnh: VnExpress)

Ban Thường trực cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo đã chủ động vào cuộc khi sự việc được các cơ quan truyền thông đăng tin, đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời, đúng pháp luật, không để vụ việc kéo dài, ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo.

Tuy nhiên, Ban Thường trực cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực, việc thực hiện pháp luật của các cơ quan chức năng trong vụ “thỉnh vong”, “giải oan gia trái chủ” tại chùa Ba Vàng, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh vẫn còn một số hạn chế, như đưa tin chưa có định hướng ở giai đoạn đầu của các cơ quan truyền thông đã gây xôn xao dư luận và nhiễu thông tin, ảnh hưởng tới hình ảnh tốt đẹp và lòng tin của Nhân dân đối với Phật giáo…; Công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo có sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng, địa phương nên để vụ việc kéo dài; Sự nắm bắt dư luận xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội để phản ánh với lãnh đạo Đảng, Nhà nước còn chậm…

Báo cáo khẳng định, các hoạt động “thỉnh vong”, “giải oan gia trái chủ” gắn với một số biểu hiện “hù dọa” là không đúng tinh thần cứu khổ cứu nạn của Phật giáo. Việc buộc phải “trả nợ cho vong” bằng tiền thông qua hình thức công đức vào chùa hoặc làm công quả lao động là trái với thuần phong, mỹ tục, đạo đức, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, trái với Điều 5, Điều 9 của Luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của Nhân dân về tôn giáo, tín ngưỡng, nâng cao cảnh giác đối với các hoạt động mê tín dị đoan, lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng để trục lợi.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo chủ động, tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp để có những phương án xử lý phù hợp đối với những vụ việc có liên quan đến tôn giáo theo tinh thần “phòng bệnh hơn chữa bệnh”…

Dừng hoạt động các trang thông tin trái phép của chùa Ba Vàng
Liên quan đến vụ truyền bá “thỉnh vong báo oán” tại chùa Ba Vàng, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh hôm nay (25/3) cho biết, Sở đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư