Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga thiệt hại kinh tế nặng nề sau vụ bắn hạ máy bay
Minh Nga (vietnam+) - 25/11/2015 13:42
 
Theo nhận định của báo chí Mỹ, căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xung quanh vụ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga có nguy cơ sẽ gây hậu quả nặng nề lên nền kinh tế của cả hai nước.
TIN LIÊN QUAN
Máy bay chiến đấu của Nga bốc cháy sau khi bị bắn hạ gần khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria. (Nguồn: AFP/TTXVN)


Từ các nhà xuất khẩu khí đốt đến các hãng hàng không, các công ty của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều sẽ thiệt hại nặng nề nếu quan hệ hai nước trở nên xấu đi.

Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây rơi vào trạng thái trì trệ chủ yếu do nước này đang song song tiến hành hai cuộc chiến chống dân quân thuộc khu tự trị người Kurd và các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tuy nhiên, trái với nền kinh tế yếu kém, quan hệ thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga thời gian gần đây đã được thắt chặt, mặc dù hai bên lâu nay vẫn có những bất đồng xung quanh vấn đề Syria.

Hiện Nga là đối tác thương mại lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ với kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng vọt lên hơn 32,7 tỷ USD trong năm 2013, và Moskva dự kiến xây dựng và tài trợ toàn bộ kinh phí cho một nhà máy điện hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo số liệu do hãng tin Bloomberg tập hợp, Nga đã trở thành nước xuất khẩu lớn thứ hai sang Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2014, vượt cả Trung Quốc. Năm 2014, người Nga chiếm khoảng 12% số du khách đến Thổ Nhĩ Kỳ, xếp thứ hai sau Đức.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi đây là vụ "đâm lén sau lưng" và "sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng" cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, nếu quan hệ hai nước bị đóng băng hay bị cắt đứt, sẽ không nước nào được hưởng lợi. Thị trường chứng khoán của cả hai nước đều lao dốc sau khi có tin về vụ đụng độ.

Tại Quốc hội Nga đã xuất hiện nhiều tiếng nói yêu cầu Kremlin áp dụng các biện pháp kinh tế trả đũa.

Nghị sỹ Nga Nikolay Levichev yêu cầu Cơ quan Hàng không Liên bang xem xét lệnh cấm các chuyến bay tới Thổ Nhĩ Kỳ. Natali Tours, một trong những công ty lữ hành lớn nhất của Nga, cũng thông báo dừng bán các gói du lịch tới Thổ Nhĩ Kỳ, và không cho biết khi nào sẽ nối lại.

Phó Chủ tịch Hạ viện Nga Nikolai Levichev lấy lý do an ninh kêu gọi sơ tán khách du lịch Nga khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Tương tự, bất kỳ lệnh trừng phạt kinh tế nào nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ cũng gây phương hại không kém cho Nga. Tổng thống Putin và người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan đã nhất trí nâng kim ngạch thương mại hai nước từ mức khoảng 25 tỷ USD dự kiến đạt được trong năm nay lên 100 tỷ USD vào năm 2020.

Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành thị trường lớn thứ hai của các nhà xuất khẩu dầu khí của Nga và trong thế bị phương Tây "bao vây," Nga rất cần thị trường này.

Tầm quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong vai trò đối tác thương mại đã trở nên lớn hơn sau khi năm 2014, Nga ban hành lệnh cấm nhập thực phẩm từ những quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.

Nhập khẩu hàng hóa của Thổ Nhĩ Kỳ vào Nga từ tháng 1-9/2015 đã giảm 38,5% so với cùng kỳ năm ngoái, song con số này vẫn thấp hơn so với mức giảm 43,1% của nhập khẩu hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU)./.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư