Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Thời điểm để Việt Nam gia nhập Công ước 98 đã chín muồi
Kỳ Thành - 07/06/2019 19:25
 
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng nay (7/6) về việc Việt Nam gia nhập Công ước 98 của ILO.

Sáng 7/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Công ước số 98 đã được Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thông qua năm 1949, tính đến nay đã có 165 trên tổng số 187 quốc gia thành viên của ILO tham gia Công ước này. Công ước 98 có ba nội dung cơ bản gồm: Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động; Bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; Những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện, thiện chí.

Công ước 98 được gia nhập với danh nghĩa Nhà nước. Do việc gia nhập và thực hiện Công ước 98 đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 nên theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016, Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc gia nhập Công ước này. Công ước sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam sau 12 tháng kể từ khi văn kiện gia nhập của nước ta được đăng ký với Tổng giám đốc Văn phòng ILO. Công ước này có hiệu lực vô thời hạn, tuy nhiên sau khi gia nhập Việt Nam có thể rút khỏi Công ước khi kết thúc thời hạn 10 năm kể từ ngày Công ước có hiệu lực, bằng cách thông báo cáo với Tổng giám đốc Văn phòng ILO để đăng ký việc rút khỏi Công ước. Công ước 98 được áp dụng trên toàn lãnh thổ nước ta, song việc áp dụng Công ước cho lực lượng vũ trang và công chức sẽ do pháp luật Việt Nam quy định.

Khi tham gia Công ước số 98, nước ta sẽ phải hoàn thiện pháp luật và có những biện pháp phù hợp, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu đề ra về chống phân biệt đối xử, chống can thiệp thao túng đối với công đoàn, cũng như thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện một cách hiệu quả và thực chất. Sau khi gia nhập Công ước, Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ báo cáo định kỳ (3 năm một lần) hoặc báo cáo đột xuất về các biện pháp đã tiến hành để tạo hiệu lực cho các điều khoản của Công ước theo quy định tại Điều 22 Điều lệ của ILO.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình cao với sự cần thiết của việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể cũng như dự thảo Nghị quyết mà Chính phủ trình.

Các đại biểu cho rằng, đây là một bước thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership - CPTPP), tạo điều kiện thuận lợi cho việc tham gia Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam trong quan hệ đa phương và song phương.

Các đại biểu cho rằng, việc gia nhập Công ước số 98 cũng thể hiện Việt Nam là quốc gia thành viên có trách nhiệm và tích cực trong các cam kết quốc tế.

Về hồ sơ dự thảo Nghị quyết, các đại biểu đánh giá đã đầy đủ theo đúng quy định của Luật Điều ước Quốc tế; các nội dung trình Quốc hội đều phù hợp với Hiến pháp 2013; cơ bản phù hợp với pháp luật Việt Nam và đồng tình cho rằng các nội dung cần sửa đổi để đảm bảo tính phù hợp khi tham gia Công ước là Bộ Luật lao động, Luật Công đoàn.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (TP. Hà Nội), Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, trước tình hình mới, những năm gần đây Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, các cấp công đoàn đã tập trung đổi mới, quan tâm đến việc thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ cho người lao động. Trong đó, công tác đối thoại và thương lượng tập thể được đặc biệt quan tâm. Ngoài mô hình hiện tại, tức là chúng ta thương lượng tại doanh nghiệp thì thương lượng ở nhóm doanh nghiệp, thương lượng ở ngành đã được triển khai với rất nhiều mô hình và lợi ích của cả hai bên người lao động và người sử dụng lao động đều được đáp ứng.

Phát biểu tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong quá trình để tiến tới trình Quốc hội về việc phê chuẩn này, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Bộ Tư pháp và các cơ quan của Chính phủ đã phối hợp rất chặt chẽ với các tổ chức quốc tế liên quan để rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, rà soát những điều kiện tiêu chuẩn.

"Đến thời điểm này, việc chúng ta tham gia phê chuẩn là cần thiết, có thể khẳng định là đã chín muồi vấn đề này", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh và đánh giá, điều này hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và các quy định mà chúng ta cam kết.

Theo ông Dung, sau khi Quốc hội phê chuẩn, các đại biểu cũng muốn đẩy nhanh việc phê chuẩn hai công ước còn lại. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp đang tiếp tục rà soát nội dung còn lại.

Chúng ta sẽ sớm đẩy nhanh việc phê chuẩn Công ước số 105 về chống lao động cưỡng bức, dự kiến trình vào kỳ họp thứ nhất năm 2020, Công ước số 87 về việc thành lập tổ chức cần nghiên cứu kỹ lưỡng, nếu nhanh thì năm 2023 phê chuẩn, ông Dung cho hay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư