Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Thời gian nhận giá ưu đãi tính bằng ngày, chủ đầu tư điện gió lo lắng
Hoài Thu - 15/10/2021 10:56
 
Covid-19 khiến nhiều dự án điện gió chậm tiến độ so với dự tính. Thế nhưng, các thủ tục cuối cùng để được công nhận ngày vận hành thương mại (COD) cũng khiến nhiều nhà đầu tư đau đầu.

Chưa qua “ải” Covid-19, đã lo lắng vì hàng dài thủ tục

Ngày 7/10, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) phát công văn tới chủ đầu tư các dự án điện gió, lưu ý về điều kiện để được công nhận COD đối với trụ điện gió. Theo đó, một trong những căn cứ chấp thuận hoàn thành hạng mục công trình là văn bản “chấp thuận nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy”.

Tại khoản 1, Điều 15, Nghị định 136/2020/NĐ-CP liên quan đến thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy có quy định, chủ đầu tư phải đề nghị cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã thẩm duyệt thiết kế trước đó đến kiểm tra kết quả nghiệm thu nêu trên và cấp văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy trước khi đưa công trình vào sử dụng; nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy gồm nghiệm thu từng phần, từng giai đoạn, từng hạng mục, từng hệ thống và nghiệm thu bàn giao…

Suất đầu tư dự án điện gió khá cao, với 1 MW điện gió cần đầu tư khoảng 2 triệu USD

Văn bản này là một trong các cơ sở để cơ quan chuyên môn về xây dựng trong lĩnh vực điện lực thuộc Bộ Công thương hoặc UBND cấp tỉnh xem xét và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu, đưa công trình điện gió vào sử dụng theo đúng, đủ quy định của pháp luật trước ngày 1/11/2021.

Văn bản “chấp thuận nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy” chỉ là một trong hàng loạt thủ tục mà nhà đầu tư điện gió phải hoàn thành để được đưa dự án vào vận hành hưởng giá ưu đãi gần 2.000 đồng/kWh.

Việc lùi thời hạn giá FIT cho nhà đầu tư cũng nên xem xét, nhằm xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, để các doanh nghiệp nhà nước đỡ phải thu xếp vốn cho phát triển nguồn điện.

- TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam

Cả tháng nay, ông N.T, Chủ tịch HĐQT một tập đoàn lớn thường xuyên có mặt ở khu vực dự án điện gió ở Hướng Hóa (Quảng Trị). Ông T. hồi hộp đếm ngược từng ngày để dự án kịp COD.

Ông T. chia sẻ: “Các trụ tua-bin của dự án chúng tôi chuẩn bị cho tiến hành chạy tin cậy 72 giờ. Chúng tôi đang cùng các chuyên gia nước ngoài chỉnh lại các thông số của máy theo phần mềm. Từ ngày 15/10, chúng tôi bắt đầu cho chạy thử. Đến ngày 18/10, khi có các thông số thì chuyển đến công ty mua bán điện.

“Nhiều thủ tục kinh khủng. Việc thử nghiệm với dự án điện gió không giống như điện mặt trời. Có gió mới làm được, không có gió không làm được. Có thử nghiệm yêu cầu nhà máy phải phát tối đa công suất tác dụng (tối thiểu 70% công suất định mức), nên khi nào gió yếu thì không thực hiện được. Chúng tôi rất nỗ lực, nhưng thử nghiệm lại phụ thuộc vào điều kiện thời tiết”, ông T. cho biết.

Ông T. mong muốn các bộ phận của công ty mua bán điện, của Sở Công thương tạo điều kiện cho các nhà đầu tư để sớm được công nhận COD, thậm chí có thể làm thêm giờ, làm ca đêm để hỗ trợ nhà đầu tư. Trong quy trình công nhận COD, nếu nhà đầu tư thiếu sót gì thì hướng dẫn ngay, tránh việc đơn vị đủ điều kiện mà vẫn bị lỡ hẹn ngày vận hành thương mại.

“Giờ đây, phải đến khi có văn bản chấp thuận đưa phần công trình vào sử dụng thì chúng tôi mới yên tâm được, vì từ giờ đến lúc đó, không biết sẽ như thế nào”, ông T. âu lo.

Trong kiến nghị lùi thời hạn áp dụng giá FIT cho các dự án điện gió, TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam cũng bày tỏ băn khoăn về việc nghiệm thu vận hành thương mại tiềm ẩn nhiều trở ngại. Bởi lẽ, hàng loạt dự án cùng thực hiện công việc này vào tháng 9 và 10/2021, trong khi các địa phương quy định rất chặt chẽ về cách ly người từ nơi khác đến. Do vậy, EVN sẽ khó bố trí đủ lực lượng để hoàn thành công việc này.

Huy động sức của nhà đầu tư cho năng lượng sạch

“Nếu không được lùi thời hạn thì trong số hàng trăm dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN sẽ có rất nhiều dự án gặp khó. Trước hết là vấn đề vốn, bởi vì suất đầu tư dự án điện gió khá cao. Suất đầu tư 1 MW điện gió khoảng 2 triệu USD. Nếu không lùi thời hạn giá FIT, các dự án sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tài chính cũng như giá bán điện sau khi hết hạn giá FIT. Đến lúc này, phương án giá điện gió cho những dự án không kịp tiến độ vẫn chưa có, nên các nhà đầu tư sẽ đối mặt nhiều rủi ro”, TS. Mai Duy Thiện chia sẻ.

Lãnh đạo một tập đoàn lớn có hàng loạt dự án điện gió đang triển khai chia sẻ: “Ngày phát hành COD là ngày đầy đủ hồ sơ nghiệm thu của trụ và có biên bản kiểm tra của hội đồng kiểm tra nghiệm thu”.

Đến lúc này, doanh nghiệp vẫn mong Chính phủ, Bộ Công thương xem xét lùi thời hạn áp dụng giá FIT cho dự án điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện (PPA), có hợp đồng mua thiết bị. Bởi lẽ, Covid-19 làm các nhà đầu tư điêu đứng. Các nhà sản xuất bị chậm cung ứng hàng do các chuỗi cung cấp vật tư bị gián đoạn; chuyên gia nước ngoài không sang Việt Nam được; tàu vận tải bị khủng hoảng; việc thực hiện giãn cách khiến nhiều dự án hầu như phải dừng lại vì không cho người vào làm tại địa phương. Vận tải khó khăn, cảng biển phong tỏa khiến hàng hóa không được thông quan. Nghiệm thu phòng cháy chữa cháy mất nhiều thời gian vì họ không nhận hồ sơ kể cả hồ sơ gửi bưu điện không bố trí người đi nghiệm thu.

“Với tình hình như vậy, làm sao các nhà đầu tư xoay xở được. Lùi thời hạn giá FIT cho nhà đầu tư cũng là cách để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển. Muốn đất nước giàu mạnh thì doanh nghiệp phải biết làm giàu và phát triển, nên Chính phủ cho họ cơ chế và cơ hội là điều cần thiết”, lãnh đạo doanh nghiệp này bộc bạch.

TS. Mai Duy Thiện cho rằng, ở góc độ huy động vốn đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân, vai trò của các nhà đầu tư tư nhân đã thể hiện rất rõ trong thời gian qua. Nếu để doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào phát triển nguồn điện thì không biết đến bao giờ chúng ta mới có được lượng điện năng lượng tái tạo lớn như thời gian qua.

Tiến độ gặp khó, nhà đầu tư điện gió tiếp tục đề nghị gia hạn giá FIT
Do Covid-19, nên nhiều dự án điện gió gặp khó trong việc chạy đua tiến độ để kịp công nhận vận hành thương mại (COD) trước ngày 1/11/2021 và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư