Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Thời hốt bạc nhờ livestream bán hàng
Tú Ân - 05/06/2021 11:03
 
Livestream đang có bước chuyển để trở thành một kênh bán hàng online trị giá hàng tỷ USD, đặc biệt trong thời dịch bệnh.
Livestream đang trở thành một làn sóng mới tại Việt Nam.

Từ livestream “giải trí trẻ trâu”

Ngày 31/5, tại vòng chung kết giải Esports mang tên Free Fire World Series 2021 Singapore đã đạt kỷ lục với 5,4 triệu lượt người theo dõi trực tiếp vào cùng một thời điểm (không bao gồm Trung Quốc). Trong đó, luồng trực tiếp của Việt Nam cũng ghi nhận con số 384.000 người xem livestream cùng một thời điểm, vượt qua chính kỷ lục 306.000 người vừa lập trước đó không lâu tại Chung kết Yomost Đấu trường sinh tồn mùa Xuân 2021.

Trước đó, năm 2020, game thủ Nam Blue (tên thật là Phan Thành Nam) trong phiên livestream chơi game PUBG Mobile trên fanpage của Streamer này đã thu hút 137.000 khán giả theo dõi trực tiếp. Kỷ lục cũ được ghi nhận là của game thủ “Chim sẻ đi nắng” - Nguyễn Đức Bình. Năm 2019, “Chim sẻ đi nắng” đã hút được 126.617 người xem cùng thời điểm trong phiên livestream thi đấu cùng đối thủ ở game Đế chế (AOE).

Livestream đang trở thành một làn sóng mới tại Việt Nam. Hiện nay, dự kiến mỗi ngày bình quân tại Việt Nam đang có khoảng từ 70.000 đến 80.000 phiên livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội và khoảng 2.000 - 3.000 phiên livestream bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee live, Tiki Live, Lazada… Mỗi tháng có khoảng 2,5 triệu phiên bán hàng trên livestream, với sự tham gia của hơn 50.000  nhà bán hàng.

Tới đây, những ngôi sao làng giải trí kiếm tiền 3 tỷ đồng/năm từ livestream bán hàng như diễn viên hài Lê Dương Bảo Lâm, hay chốt mỗi phiên bán hàng 12.000 đơn hàng như ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng sẽ không còn là chuyện lạ khi công chúng Việt Nam đã quen dần với hình thức này.

Đến ngành công nghiệp hàng tỷ USD

Livestream bán hàng online khởi nguồn từ Trung Quốc năm 2016 và nhanh chóng trở thành một kênh bán hàng hữu hiệu, đồng hành cùng thương mại điện tử. Hãng KPMG dự báo, thị trường thương mại điện tử livestream của Trung Quốc dự kiến tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt khoảng 302 tỷ USD vào năm 2021 với tỷ lệ người dùng trên tổng số dân là 14,3%. Trong khi đó, tại Việt Nam, livestream dù nhiều tiềm năng nhưng còn khá sơ khai và chưa chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Tập đoàn NextTech cho biết, hiện livestream bán hàng vẫn chưa chiếm nổi 1% dung lượng thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Nhìn sang thị trường Trung Quốc, đến cuối năm 2020, đã có khoảng 600 triệu người mua hàng thông qua hình thức bán hàng livestream và có tới hơn 200 triệu người đã từng lên mạng livestream bán hàng. Thậm chí ở nước này, livestream đã trở thành một trào lưu mới, lãnh đạo quốc gia cũng khuyến khích việc livestream để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Các tỷ phú như Jack Ma, CEO Xiaomi cũng lên mạng livestream bán hàng, thậm chí nông dân cũng lên mạng livestream bán nông sản.

“Livestream có những ưu điểm vượt trội so với phương thức bán hàng online đăng hình ảnh, tin bài về mặt hàng. Livestream mang lại tính cộng đồng, giải trí, sự tương tác phản hồi ngay lập tức giữa người bán hàng và khách hàng. Đặc biệt là livestream có cảm giác tin tưởng, tương tác cao hơn rất nhiều so với phương thức truyền thống khác. Tôi cho rằng, livestream sẽ là tương lai của ngành thương mại điện tử tại Việt Nam. Thậm chí, nó sẽ lấn lướt, vượt mặt thương mại điện tử truyền thống”, ông Bình nhận xét.

Theo ông Phạm Ngọc Duy Liêm, đồng sáng lập GoStream, có 3 yếu tố để bán hàng qua livestream tại Việt Nam trở thành ngành công nghiệp.

Thứ nhất, là hàng hóa. Cần có các hàng hóa dồi dào, chất lượng tốt và giá cả cạnh tranh đưa lên bán trên các nền tảng livestream. Điều này Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng.

Thứ hai, là các livestreamer. Cần phải có nhiều ngôi sao livestream bán hàng, biết kết hợp nhuần nhuyễn giữa giải trí và bán hàng. Ngành công nghiệp livestream bán hàng tại Việt Nam hiện chưa có ngôi sao, nên việc các doanh nghiệp, tổ chức đang tham gia vào việc xây dựng nên một hệ thống các livestreamer sẽ ươm mầm để tạo ra những ngôi sao, khi đó mới khẳng định livestream bán hàng là một ngành công nghiệp với đầy đủ tính chất và giá trị.

Thứ ba, là kỹ thuật. Để triển khai được livestream bán hàng đòi hỏi có 2 yếu tố là các nền tảng xem livestream và có khả năng phục vụ hàng chục triệu người xem đồng thời và cần có các phần mềm phát livestream mà có sự tương tác vượt trội chứ không phải đơn thuần là đưa camera ra trước mặt. Riêng yếu tố thứ nhất, nền tảng xem livestream thì Youtube và Facebook đang thống trị và hoàn toàn có thể đáp ứng. Với yếu tố thứ hai, từ một vài năm qua, các doanh nghiệp công nghệ Việt cũng đã bắt đầu tham gia vào thị trường tiềm năng và rất mới này.

Livestream không còn là địa bàn độc quyền, nhỏ lẻ nữa, mà các thương hiệu lớn, lừng lẫy đã nắm bắt và bước vào cuộc đua tranh. Lazada có hẳn một kênh livestream riêng được biết với tên gọi LazLive, hiện có hơn 150 thương hiệu nổi tiếng đang hoạt động. Shopee cũng tổ chức những buổi livestream định kỳ cho người xem săn xu, săn sale vào các khung giờ cố định, mạnh tay mời cả Ronaldo giao lưu trên sóng trực tiếp. Bộ đôi Tiki và Sendo cũng không thua kém khi tổ chức các gameshow livestream, bao tay mời các streamer trong giới game đến để cạnh tranh.

Dự báo, giai đoạn 2021-2025 sẽ bùng nổ livestream bán hàng tại Việt Nam. Đặc biệt với sự ra đời của mạng 5G, hạ tầng hoàn toàn có thể đáp ứng. Điều thị trường Việt Nam cần lúc này là kiến thức, kỹ năng của đội ngũ livestream chuyên nghiệp là có thể bắt nhịp cùng thế giới, thậm chí còn là đòn bẩy cho nền kinh tế nội địa, tránh sự phụ thuộc vào nước ngoài.
Sàn thương mại điện tử: Hốt bạc từ “bão” livestream
Sau sự trỗi dậy của hình thức livestream (quay video phát trực tiếp trên các kênh mạng xã hội) ở Trung Quốc, các sàn thương mại điện tử quốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư