Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tiêu điểm ngân hàng tuần qua
Thống đốc sắp trả lời chất vấn; Tràn lan bán trái phiếu chui, mời gọi hợp tác đầu tư
H.T - 05/06/2022 09:31
 
Mua bán trái phiếu doanh nghiệp chui, cơ chế cấp room tín dụng, siết cho vay bất động sản, Thống đốc sắp trả lời chất vấn... là những nội dung đáng chú ý trong lĩnh vực ngân hàng tuần qua.

Nở rộ hình thức hợp tác đầu tư, lãi suất cao ngất ngưởng

Những lời quảng cáo hấp dẫn của nhiều công ty bất động sản, công ty tư vấn đầu tư đã thu hút hàng ngàn khách hàng gửi tiền theo hình thức hợp tác kinh doanh, góp vốn đầu tư...

Chị T.H, nhân viên một công ty may mặc lớn tại Hà Nội cho hay, mới đây, chị được một nhân viên Công ty GCO Group có trụ sở tại Hà Nội chào mời góp vốn đầu tư vào Công ty theo hình thức hợp tác đầu tư, lợi nhuận lên đến 30%/năm.

“Nhân viên này nói rằng, hình thức đầu tư giống gửi tiết kiệm. Công ty sẽ trả lãi 18-30%/năm tùy thời gian hợp tác. Tháng 8/2022, Công ty sẽ phát hành cổ phiếu nội bộ, người góp vốn sẽ thành cổ đông Công ty. Nhưng khi tôi xem điều khoản hợp đồng thì không có gì đảm bảo cho số tiền góp vốn này. Hợp đồng hợp tác đầu tư cũng không nêu rõ là đầu tư vào mục đích, dự án gì”, chị Hoài cho biết.

Hơn nữa, dù kêu gọi hợp tác đầu tư, song các thông tin này không được công bố công khai trên trang web của Công ty. Tuy vậy, Công ty khẳng định có rất nhiều đối tác lớn như Google, Facebook, Tik Tok, Viettel, FPT, Vincom, Vietcombank, Techcombank…

Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư Mario Capital (Trần Duy Hưng, Hà Nội) cũng đang mời gọi khách hàng góp vốn để đầu tư vào các dự án bất động sản đất nền với lãi suất lên tới 24%/năm. Khách hàng khi góp vốn chỉ được rút trước hạn sau khi đã tham gia quá nửa thời hạn hợp đồng và nếu rút trước hạn sẽ bị phạt 6% giá trị hợp đồng. Trong hợp đồng hợp tác kinh doanh mà Mario Capital ký với nhà đầu tư, không có điều khoản nào bảo đảm cho an toàn của nhà đầu tư, cũng như không nêu rõ góp vốn cho dự án nào.

Một trường hợp kêu gọi góp vốn đầu tư khác mang bóng dáng đa cấp là Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại bất động sản Nhật Nam. Công ty này đang kêu gọi nhà đầu tư góp vốn với lãi suất cao ngất ngưởng: 68% trong 2 năm. Ngoài ra, nếu giới thiệu được thêm người tham gia góp vốn, khách hàng sẽ được hưởng 2% tổng giá trị hợp đồng của người đầu tư sau.

Theo quảng cáo của Nhật Nam, tài sản bảo đảm để trả vốn và lợi nhuận cho nhà đầu tư là chuỗi nhà hàng, khách sạn và rất nhiều bất động sản có vị trí đắc địa tại Hà Nội, Tây Ninh, Phú Quốc (Kiên Giang), Thanh Hóa, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)... Tuy nhiên, nhiều khách hàng cho biết, khi yêu cầu Công ty cung cấp địa chỉ cụ thể và giấy tờ pháp lý của các dự án này thì đều được Công ty từ chối.

Qua tìm hiểu thực tế và tham vấn ý kiến của luật sư, cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, bất động sản, chúng tôi nhận thấy, việc kêu gọi đầu tư thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh của Công ty Nhật Nam thực chất là một hình thức huy động vốn ẩn chứa nhiều điều bất thường, tiềm ẩn rủi ro lớn đối với nhà đầu tư…

Rất nhiều công ty huy động vốn với lãi suất cao dưới hình thức hợp tác đầu tư, đánh vào lòng tham của người dân. Mặc dù hình thức đầu tư không vi phạm quy định pháp luật, song nếu doanh nghiệp huy động vốn để hợp tác đầu tư mà không có hoạt động đầu tư như cam kết là gian dối, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp này, nhà đầu tư có quyền trình báo cơ quan công an để yêu cầu xác minh, làm rõ, bảo vệ quyền lợi của mình.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, theo quy định, hợp tác đầu tư - dù lãi suất có cao đến 100% hay 200%, thì cũng không vi phạm quy định pháp luật, nhưng với điều kiện là các công ty này phải huy động vốn để đầu tư vào các dự án thực.

“Trên thực tế, khó có dự án hay hoạt động sản xuất - kinh doanh nào mang lại lợi nhuận cao ngất ngưởng như thế. Rất nhiều hoạt động huy động vốn theo hình thức hợp tác kinh doanh, hợp tác đầu tư lãi suất cao có dấu hiệu kinh doanh đa cấp, chiếm đoạt tài sản. Nhà đầu tư phải cẩn thận với các lời mời chào hợp tác đầu tư với lãi suất ‘trên trời’, tìm hiểu kỹ về mô hình đầu tư có phải là hình thức đa cấp không, dự án đầu tư cụ thể là dự án nào, giấy tờ pháp lý có đầy đủ không”, luật sư Hùng cảnh báo.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng, quy định hiện hành không cấm hình thức hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, dù lợi nhuận lên đến hàng ngàn phần trăm. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần tỉnh táo vì lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro. Lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn.

“Lãi suất càng cao thì rủi ro càng lớn, lãi suất hàng trăm phần trăm/năm thì nguy cơ mất trắng cũng rất nhanh. Nhà đầu tư khi xuống tiền cần quan tâm đến uy tín của doanh nghiệp, của dự án…, chứ không nên chỉ nhìn vào lãi suất”, luật sư Trương Thanh Đức khuyến cáo.

NHNN chưa bao giờ có văn bản hay phát ngôn là siết hay thắt tín dụng vào bất động sản

Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước·là kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào một số lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro lớn trong lĩnh vực bất động sản có tính đầu cơ, lũng đoạn giá.

Việc một số ngân hàng thông báo tạm dừng giải ngân cho vay lĩnh vực bất động sản thời gian qua để loại bỏ nhà đầu tư phụ thuộc đòn bẩy tài chính và các nhóm đầu cơ, khiến nhiều người băn khoăn. Đã có không ít những ý kiến của các chuyên gia cho rằng, việc siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản sẽ gây ra những tác động lớn đối với thị trường.

Trước những ý kiến này, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Đầu tư tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều nay (4/6), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng, các chuyên gia có nhắc đến cụm từ “siết tín dụng”, “thắt tín dụng” vào bất động sản.

“Thực ra, Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ có văn bản hay phát ngôn nào nói là siết hay thắt. Đó là những động từ rất mạnh với bất động sản”, ông Tú khẳng định.

Theo Phó thống đốc, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước từ trước đến nay là kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào một số lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro lớn trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán.

Cụ thể, trong lĩnh vực bất động sản, cơ quan quản lý kiểm soát tín dụng chặt chẽ vào những dự án phân khúc cao cấp, resort, khu nghỉ dưỡng, dự án có tính chất đầu cơ, “thậm chí có tính chất lũng đoạn giá”. “Đây là quan điểm, tinh thần chỉ đạo xuyên suốt từ trước đến nay và tiếp tục được thực hiện trong 2022 và các năm tiếp theo”, ông Tú khẳng định.

Trong khi đó, vốn tín dụng được tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích tập trung vào phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Trong Nghị định 31 của Thủ tướng Chính phủ cũng như Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này đã có hướng dẫn hỗ trợ 2% lãi suất dành cho các đối tượng thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ…

“Như vậy không phải là tất cả lĩnh vực bất động sản đều bị kiểm soát chặt chẽ”, ông Tú phân tích.

f
Phó thống đốc Đào Minh Tú.

Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, tổng dư nợ lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 19,16% tổng dư nợ nền kinh tế. Tính đến giữa tháng 4/2022, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản là 2.288 nghìn tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021 và tăng nhanh hơn so với cùng kỳ năm 2021

Trong tổng dư nợ bất động sản thì dư nợ tín dụng đầu tư vào lĩnh vực mà chúng tôi muốn kiểm soát chặt chiếm 1/3, tức 700-800 nghìn tỷ đồng. Đối với tín dụng vào các dự án được tạo điều kiện, khuyến khích, các ngân hàng thương mại vẫn cho vay bình thường, dư nợ khoảng 1.500 nghìn tỷ đồng, chiếm 2/3 tổng dư nợ tín dụng bất động sản.

Nhấn mạnh một lần nữa quan điểm chỉ đạo, điều hành của NHNN xuyên suốt thời gian qua và trong thời gian tới là không phải tất cả lĩnh vực bất động sản đều bị kiểm soát chặt, Phó Thống đốc khẳng định, không có chuyện cung bất động sản bị thiếu do kiểm soát chặt tín dụng.

Tâm điểm chất vấn: Tài chính, ngân hàng đã nóng càng thêm nóng

Càng gần phiên chất vấn đầu tiên ở Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, những vấn đề lớn của nền kinh tế cần có giải pháp mạnh liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ càng nóng.

Trưa ngày 1/6, khi phiên thảo luận toàn thể đầu tiên của Quốc hội về kinh tế, xã hội, ngân sách vừa kết thúc, với sự sốt ruột của không ít đại biểu trước những “căn bệnh” của bất động sản, nợ xấu, chứng khoán, đặc biệt là sự chậm trễ của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi phiếu đề nghị các vị đại biểu chọn nhóm vấn đề chất vấn.

Không nằm ngoài nội dung đã được Báo Đầu tư thông tin trong số ra gần nhất, 5 nhóm vấn đề xin ý kiến thuộc các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thông tin - truyền thông, giao thông - vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Theo đó, với lĩnh vực tài chính, nội dung đầu tiên được dự kiến chất vấn là tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; công tác quản lý giá, mua sắm công và kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội.

Nội dung tiếp theo là thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng sẽ trả lời về hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường; giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn, bền vững trong thời gian tới. Các biện pháp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.

Đứng đầu trong các nội dung được xác định cần chất vấn thuộc lĩnh vực ngân hàng là tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước; việc phối hợp chính sách tài khóa và kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước còn phải trả lời về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu; cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại; việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Thực trạng và giải pháp phòng, chống tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng cũng là những nội dung được chọn để chất vấn người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước.

Việc lựa chọn những vấn đề trên được nhiều đại biểu đồng tình, bởi ngay từ những phát biểu đầu tiên của phiên thảo luận đầu tiên về kinh tế, xã hội, đã có những đại biểu chỉ chọn một trong số các vấn đề trên để phản biện, để truy vấn trách nhiệm.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, một phần đáng kể của dòng tiền “dễ dãi” trong 2 năm duy trì chính sách “tiền rẻ” đã và đang tìm tới các kênh đầu cơ vào nhóm tài sản rủi ro, không được khuyến khích, khiến nguy cơ “bong bóng” ở một số lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp “ba không” và nhiều tài sản tài chính khác… cần phải được quan tâm. Vậy nợ xấu ngân hàng trong các lĩnh vực rủi ro thực sự đứng ở mức bao nhiêu và sẽ còn gia tăng cỡ nào trong thời gian tới? Câu hỏi này, thực chất cũng là câu chất vấn.

Với đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam), việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản không chỉ là con số ngàn tỷ đồng thu về ngân sách. Mà đáng quan tâm hơn, khi kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, người dân chịu mức thuế cao hơn, theo giá thị trường, nhưng khi bị thu hồi đất, đền bù thì áp theo giá nhà nước, dẫn đến những bất bình đẳng trong mối quan hệ này.

Giữa hai kỳ họp Quốc hội, đất nước gượng dậy sau sự tàn phá của Covid-19, lĩnh vực nào cũng có vấn đề cần được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội. Những ngày đầu tiên của năm 2022, Quốc hội đã lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức kỳ họp bất thường để quyết định một việc cũng chưa từng có tiền lệ tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, với gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội có quy mô đến 347.000 tỷ đồng. Nhưng đến Kỳ họp thứ ba này, vẫn chưa có đồng nào được giải ngân. Theo nhiều đại biểu Quốc hội, vấn đề đầu tiên cần được chất vấn là giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Mà “từ khóa” ở đây là tài khóa - tiền tệ, bởi thế, việc chọn cả Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng trả lời chất vấn tại kỳ họp này là hợp lý. Trong trường hợp chỉ có một vị được chọn, thì vị còn lại cũng phải sẵn sàng “chia lửa”, bởi sự phối hợp đồng bộ chính sách tài khoá, tiền tệ là cực kỳ quan trọng trong bối cảnh hiện nay, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội), Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Không chỉ Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang có nhiều vấn đề cần làm rõ, mà trong thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15, vai trò của ngân hàng cũng rất quan trọng. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, trong Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, chính sách tiền tệ rất quan trọng với các doanh nghiệp.

“Chính sách hỗ trợ ngân hàng rất nhiều, trong khi các doanh nghiệp tiếp cận vổn rất khó, chứ không phải dễ. Đây là điều tôi nghe thực tế, chứ không phải trên hồ sơ giấy tờ. Lãi suất đi vay rất cao. Trong khi thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, thì có những ngân hàng lợi nhuận sau thuế rất lớn và chia cổ tức rất nhiều. Vậy làm sao để ngân hàng được hưởng chính sách thí điểm, thì cũng phải chia sẻ với nền kinh tế, đó cũng là vấn đề cần chất vấn”, đại biểu Trịnh Xuân An nêu quan điểm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngay khi nhận được phiếu xin ý kiến, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam), Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, thứ tự ưu tiên lựa chọn lĩnh vực chất vấn của ông: số 1 là tài chính, số 2 là ngân hàng.

“Tôi được biết, nhiều đại biểu Quốc hội muốn thông qua chất vấn người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước để làm rõ nhiều vấn đề cụ thể trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu. Rồi việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp”, đại biểu Trần Văn Khải giải thích lý do chọn nhóm vấn đề chất vấn.

Tháng 5/2022: Doanh nghiệp bất động sản rón rén phát hành trái phiếu trở lại
Có tới 80% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong tháng 5 thuộc về nhóm ngân hàng, một vài doanh nghiệp bất động sản bắt đầu phát hành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư