Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Thống đốc: Sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa quy định để "big 4" ngân hàng được chủ động tăng vốn
Thùy Liên - 04/11/2024 07:39
 
Sáng nay (4/11), Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank. Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo giải trình tiếp thu về ý kiến góp ý của các đại biểu quốc hội cũng như của cơ quan thẩm tra.

Cổ đông Mizuho nhất trí tăng vốn; làm rõ tác động của việc tăng vốn tới ngân sách

Trong báo cáo tiếp thu giải trình, liên quan tới đề nghị bổ sung ý kiến của cổ đông chiến lược Mizuho (nắm 15% vốn Vietcombank), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, Mizuho đã thống nhất thông qua nội dung về Phương án tăng vốn điều lệ từ lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại không làm thay đổi tỷ lệ sở hữu.

Về ý kiến của cơ quan thẩm tra yêu cầu bổ sung thông tin về thực trạng tỷ lệ an toàn vốn và quy mô vốn điều lệ của Vietcombank so với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và các ngân hàng trong khu vực, NHNN cho hay, tại ngày 31/12/2023 CAR riêng lẻ và hợp nhất của Vietcombank lần lượt là 11,05% và 11,39%. Tỷ lệ này cao hơn các ngân hàng thương mại nhà nước khác trong nhóm big 4 song thấp hơn nhiều ngân hàng TMCP tư nhân ở Việt Nam và thấp hơn nhiều so với các ngân hàng trong khu vực Châu Á và Đông Nam Á (CAR trung bình của các ngân hàng Indonesia là 23,27%, Thái Lan là 20,24%, Myanmar là 18,9%, Singapore là 17,1%, Australia là 16,6%...).

Với định hướng tiếp tục mở rộng quy mô tín dụng và hoạt động kinh doanh, tiến tới đáp ứng CAR theo Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và theo Basel III (CAR mục tiêu đến năm 2025 của VCB là 13%, năm 2026 là 13,5%) thì tỷ lệ CAR và vốn tự có của VCB vẫn cần tiếp tục được củng cố.  

Việc tăng vốn điều lệ cũng là cơ sở để Vietcombank mở rộng hoạt động tín dụng, đặc biệt trong việc thực hiện cho vay các lĩnh vực ưu tiên, các dự án quan trọng Quốc gia, từ đó hỗ trợ nền kinh tế của đất nước và hướng tới mục tiêu vươn ra khu vực và quốc tế, phấn đấu vươn ra khu vực nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á.

Về ý kiến làm rõ nhận định “nguồn vốn Vietcombank đề xuất để tăng vốn điều lệ không có tác động đến NSNN”, NHNN nêu rõ: Theo quy định tại Khoản 14 Điều 4 Luật NSNN năm 2025 “NSNN là toàn bộ các khoản thu, chi của nhà nước được dự toán và thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định...”.

Theo đó, phần thu từ cổ tức bằng tiền được chia của cổ đông nhà nước từ lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ hàng năm của doanh nghiệp được dự toán là một khoản thu NSNN. Cơ chế tài chính hiện hành của các TCTD cho phép NHTM nhà nước được giữ lại lợi nhuận (sau khi đã nộp thuế, trích lập các quỹ và chia cổ tức bằng tiền) để tăng vốn điều lệ thông qua hình thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Toàn bộ phần lợi nhuận còn lại này được quản lý, hạch toán theo dõi tại NHTM, không thuộc dự toán NSNN hàng năm. Do vậy, việc sử dụng nguồn lợi nhuận này để tăng vốn cho NHTM không có tác động đến dự toán thu, chi NSNN.

Thực tế, hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước tại Vietcombank là rất cao (ROE bình quân giai đoạn 2019-2023 của Vietcombank là 23%), việc tiếp tục đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt là để Vietcombank tiếp tục đầu tư, mở rộng hoạt động kinh doanh, tạo thêm nguồn thu NSNN trong tương lai (từ nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp và thu từ cổ tức bằng tiền mặt trên cơ sở lợi nhuận và hiệu quả cao hơn tạo ra trong các năm sau).

Sẽ nghiên cứu cơ chế tăng vốn dài hạn cho big 4 ngân hàng

Về ý kiến làm rõ về định hướng phát triển của các NHTM có vốn nhà nước cũng đề xuất tạo cơ chế để các ngân hàng này chủ động tăng vốn, Thống đốc cho hay: Theo Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đọan 2021-2025,  các NHTM Nhà nước tiếp tục đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, thị phần, khả năng điểu tiết thị trường; đi đầu trong việc triển khai và áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao và hội nhập quốc tế.

Mục tiêu cụ thể đặt ra là phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các NHTM đạt tối thiểu 10 - 11%; đến năm 2025, đạt tối thiểu 11 là 12% và hướng tới đáp ứng yêu cầu của Hiệp ước Basel III: “mức an toàn tối thiểu 13%".

Với vai trò là một trong những NHTM hàng đầu tại Việt Nam, Vietcombank hướng tới mục tiêu đáp ứng được yêu cầu vốn tối thiểu theo chuẩn mực Basel III, trong đó : CAR năm 2025 đạt 13% và năm 2026 đạt 13,5%.

Mức CAR mục tiêu 13,5% được xác định trên cơ sở đánh giá tỷ lệ 13% là mức tối thiểu để đáp ứng Basel III, tuy nhiên thực thể Vietcombank cần đảm bảo mức cao hơn 13% để hạn chế rủi ro CAR có thể thấp hơn 13% trong một số thời điểm. Ngoài ra Vietcombank là ngân hầng có tầm ảnh hưởng trong hệ thống ngân hàng Việt. Theo quy định của ủy ban Basel, các ngân hàng có tầm ảnh hưởng trên hệ thống sẽ phải duy trì mức CAR tối thiểu cao hơn 13%. Hiện các ngân hàng trong khu vực đã áp dụng Basel III và luôn duy trì CAR ở mức 16-20%.

Về đề xuất rà soát tổng thể nhu cầu vốn của các NHTM nhà nước và đề xuất cơ chế chung tạo điều kiện cho các NHTM nhà nước chủ động tăng vốn, NHNN cho rằng ý kiến này là rất quan trọng và có ý nghĩa. NHNN xin tiếp thu và sẽ phối hợp với các Bộ, ngành để rà soát, đánh giá nhu cầu vốn tổng thể cho các NHTM nhà nước và nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ trong quá trình sửa đổi các Luật, Nghị định có liên quan để tạo điều kiện cho các NHTM nhà nước được chủ động và linh hoạt hơn trong việc tăng vốn điều lệ, đảm bảo nhu cầu mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh và kipoj thời theo diễn biến nhanh, cạnh tranh của thị trường. Đồng thời, khuyến khích các ngân hàng này chủ động thực hiện các giải pháp tăng vốn bền vững khác như phát hành cổ phiếu riêng lẻ,...

Trong thời gian tới, NHNN sẽ phối hợp với các Bộ ngành liên quan để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại các NHTM nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank) từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2022, 2023 theo quy định.

Về lợi nhuận còn lại của Vietcombank năm 2022, 2023 (lần lượt là 21.680 tỷ đồng và 25.009 tỷ đồng), NHNN cho biết, căn cứ các quy định hiện hành, NHNN đang phối hợp với các Bộ ngành liên quan để thực hiện quy trình bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank theo đúng quy định.

Bất cập nếu năm nào big 4 ngân hàng cũng phải trình xin tăng vốn
Các đại biểu quốc hội bày tỏ nhất trí cao về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank trong phiên thảo luận tổ sáng nay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư