Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Thống nhất trình Dự án Luật quy hoạch tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV
Hữu Tuấn - 06/10/2016 20:12
 
Chiều ngày 6/10, tại kỳ họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc cách đây ít phút, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, đã thống nhất việc trình dự án Luật Quy hoạch ra Quốc hội.

Trước đó, Dự án Luật quy hoạch đã được Chính phủ xem xét, cho ý kiến tại 3 phiên họp Chính phủ và Thường trực Chính phủ cho ý kiến tại 3 cuộc họp. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016, Chính phủ đã thông qua dự án Luật quy hoạch trình Quốc hội. 

Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của UBTV Quốc hội về Dự án Luật Quy hoạch.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đối với ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội về bố cục, phạm vi điều chỉnh, hệ thống quy hoạch và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, Chính phủ đã chỉnh lý dự thảo Luật theo phương án 2.

Theo phương án này, về bố cục của Luật quy hoạch: Gộp Chương II với Chương III thành Chương II về lập quy hoạch; gộp Chương VII về kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm vào Chương V về quản lý thực hiện quy hoạch.

Tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh của Luật quy hoạch được xây dựng theo hướng vừa là luật khung để điều chỉnh quy trình, trình tự, thủ tục về: Lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch; vừa là luật nội dung để quy định các loại quy hoạch, quy định quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động quy hoạch theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012.

Đồng thời, quy định rõ hệ thống quy hoạch theo cấp độ từ cao xuống thấp gồm: Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, nông thôn (thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn), trong đó điều chỉnh, bổ sung như sau:

Đối với quy hoạch ngành quốc gia sẽ căn cứ điều kiện kinh tế-xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ rà soát danh mục các ngành quốc gia lập quy hoạch tại Phụ lục 1 của Luật và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung theo thủ tục rút gọn tại Điều 12; quy định mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, trật tự quy hoạch nào có trước, quy hoạch nào sau và quy hoạch nào quyết định, chi phối quy hoạch nào tại Điều 13.

Điều 20, Điều 21 và Điều 22 của dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng quy định nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia chỉ bao gồm các vấn đề chiến lược về phân bố, tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, hạ tầng trọng yếu… có vai trò quan trọng quốc gia, liên kết vùng và quốc tế; cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trên toàn bộ không gian lãnh thổ; quy định rõ Chính phủ quy định chi tiết việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đọc báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến của UBTV Quốc hội về Dự án Luật Quy hoạch.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đọc báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến của UBTV Quốc hội về Dự án Luật Quy hoạch.


Giải trình ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội về đề nghị xem xét thẩm quyền của Quốc hội trong việc quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ xin được bảo lưu với lý do như sau: Quy hoạch tổng thể quốc gia là công cụ giúp Chính phủ trong việc chỉ đạo, điều hành về điều phối, phân bổ nguồn lực của quốc gia một cách hiệu quả trên cơ sở tôn trọng quy luật kinh tế thị trường.

"Việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và sự tham gia ý kiến, phản biện của xã hội nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch và tạo ra lợi ích cao nhất cho đất nước trong phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường. Vì vậy, Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ vừa đảm bảo tính linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đồng thời phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ khi quyết định các vấn đề về kinh tế-xã hội được quy định trong Luật tổ chức Chính phủ năm 2015", Bộ trưởng cho biết.

Đối với ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội về lộ trình thực hiện và xử lý ranh giới giữa các luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, hầu hết các quy hoạch hiện nay được lập cho thời kỳ quy hoạch là 10 năm (2011-2020) nên đến năm 2020 nếu không tiếp tục lập thì sẽ hết hiệu lực. Do đó, việc ban hành Luật quy hoạch với hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 sẽ có lộ trình khoảng thời gian 2 năm để chuẩn bị lập các quy hoạch mới cho thời kỳ 2021 - 2030 là phù hợp. Ngoài ra, dự thảo Luật tạo ra khung pháp lý để tiến hành tổ chức lập quy hoạch theo phương pháp mới, cùng với việc quy định rõ nguyên tắc chuyển tiếp các quy hoạch tại Điều 66 sẽ đảm bảo tính chủ động, sự thống nhất và xóa bỏ khoảng trống trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội của các cấp, các ngành.

Bộ trưởng cũng giải thích việc xử lý ranh giới giữa Luật quy hoạch với 95 luật, pháp lệnh quy định về quy hoạch hiện nay được quy định theo hướng: Đối với 51 luật, pháp lệnh chỉ quy định chung về quản lý quy hoạch, không quy định cụ thể về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và Luật quy hoạch đô thị 2009 đang quy định về quy hoạch đô thị sẽ không phải sửa đổi.

"Còn đối với 43 luật, pháp lệnh quy định về loại quy hoạch, trách nhiệm lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đang xung đột, chồng chéo với nhau và xung đột với Luật quy hoạch, đặc biệt là các luật, pháp lệnh quy định về các quy hoạch sản phẩm cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một số điều, khoản quy định về quy hoạch để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch. Việc sửa đổi, bãi bỏ các điều, khoản dựa trên nguyên tắc hạn chế tối đa các xung đột, chồng chéo; đồng thời đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam và không tạo khoảng trống pháp lý cho đến khi Luật quy hoạch có hiệu lực", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, Luật Quy hoạch được cơ quan chủ trì xây dựng chuẩn bị công phu, tuân thủ các quy định, trình tự của pháp luật.

Đại diện Ủy ban Pháp luật, đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu ý kiến về một số điểm, như ranh giới giữa Luật Quy hoạch và các luật chuyên ngành khác, nội dung nào cần chỉnh sửa, cần thống nhất. Việc sửa đổi 43 Luật có liên quan, hết sức cân nhắc vì sẽ liên quan đến nhiều luật. Nhiều Luật sẽ không còn như Quy hoạch đóng tàu, quy hoạch cấp huyện...nếu bỏ thì sẽ ảnh hưởng như thế nào cần làm rõ và đề nghị Ban soạn thảo có thêm giải trình.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bày tỏ sự nhất trí với Dự án Luật Quy hoạch và nêu ý kiến,  quy hoạch ngành trong Luật Quy hoạch vẫn thiếu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là  đa ngành, tương đối độc lập, 5-6 ngành quan trọng nhưng chỉ có 3 ngành có trong Luật Quy hoạch. Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung vào quy hoạch trồng trọt  - chăn nuôi, phát triển thủy sản, ngành muối.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nói: "Chưa có luật nào 1 điều luật sửa 43 Luật khác, rất khó khăn, tôi chia sẻ với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng".

Còn Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì khẳng định, Quy hoạch là vấn đề rất lớn của quốc gia. Về nguyên tắc, Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét  là về cơ bản Chính phủ đã thống nhất đồng ý. 

Phó chủ tịch đề nghị trình dự án Luật Quy hoạch ra kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV vào cuối tháng 10/2016 để Quốc hội xem xét, thảo luận, cho ý kiến. Cùng với đó, Chính phủ phải chuẩn bị văn bản giải trình các vấn đề nêu trên, trả lời các câu hỏi, băn khoăn, vướng mắc của các Bộ ngành có liên quan.

Luật Quy hoạch sẽ
Luật Quy hoạch sẽ giúp đất nước tiết kiệm nguồn lực rất lớn.



Giải trình thêm ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, quá trình xây dựng Dự án Luật Quy hoạch, Ban soạn thảo đã làm việc đi với từng Bộ, ngành. Nhưng không phải ý kiến nào cũng được tiếp thu. Chính phủ cũng đã ủy quyền cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, soạn thảo Luật Quy hoạch, trình lên Quốc hội xem xét.

Chúng ta có cả ngàn bản quy hoạch, các quy hoạch lại được quy định rải rác tại 95 luật, pháp lệnh, trong đó riêng quy định trực tiếp về quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm được quy định tại 73 luật, pháp lệnh. Chỉ cần nhìn vào số lượng quy hoạch lên tới hàng ngàn, văn bản pháp luật có quy định về quy hoạch lên tới cả trăm lại được ban hành ở nhiều thời điểm khác nhau, có thể thấy, công tác quy hoạch đã bộc lộ nhiều bất cập, vừa thừa, vừa thiếu, chồng chéo, mâu thuẫn, chất lượng thấp, không gắn với nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực thực hiện và thiếu tính khả thi.

"Quan điểm của Chính phủ là không chấp nhận việc quy hoạch chồng chéo, lãng phí như thế này được. Nếu vẫn giữ nguyên trạng thế này đất nước sẽ khó phát triển. Nếu anh có quy hoạch 100ha để nuôi tôm nhưng thị trường không bán được thì 10ha cũng không làm được, hãy để thị trường tự quyết định. Câu chuyện xin-cho tồn tại ở hầu hết các quy hoạch sản phẩm. Chính phủ nhiệm kỳ trước và nhiệm kỳ này đều nhất trí cao việc bỏ các quy hoạch lãng phí như vậy”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết.

Kết luận cuộc họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, thay đổi tư duy là rất khó, đồng thời thay đổi phải có tính kế thừa.

Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển kết luận sẽ đưa  Luật Quy hoạch ra xin ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV.

"Phải nghiên cứu để không có khoảng trống pháp lý sau khi ban hành luật, phải chú ý đến tinh thần của Hiến pháp, đến thẩm quyền của Quốc hội đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia", Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý.

“Dự kiến khi trình dự án Luật Quy hoạch, kỳ họp tới sẽ rất sôi động!", Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận xét.

Dự án Luật quy hoạch đã được Chính phủ xem xét, cho ý kiến tại 3 phiên họp Chính phủ[1]Thường trực Chính phủ cho ý kiến tại 3 cuộc họp[2]. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016, Chính phủ đã thông qua dự án Luật quy hoạch trình Quốc hội. 



[1] Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 7 năm 2015; phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 năm 2015 và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7 năm 2016.

[2] Cuộc họp ngày 25/02/2015; ngày 20/7/2015 và ngày 09/9/2015.

Sớm chấm dứt quy hoạch tùy tiện, ngẫu hứng
Dự thảo Luật Quy hoạch đã thành hình hài sau khi trải qua trên 30 cuộc hội thảo, lấy ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia kinh tế. Điều đáng nói...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư