Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 21 tháng 02 năm 2025,
Thủ đoạn buôn lậu hàng trăm kilogram vàng qua biên giới
Huệ Nguyễn - 18/02/2025 09:04
 
Nguyễn Thị Hóa được xác định là chủ mưu, cầm đầu đường dây tổ chức buôn lậu 310 kg vàng qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, để cung cấp cho nhiều tiệm vàng trên địa bàn TP. Hà Nội.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án “buôn lậu” và “trốn thuế”, xảy ra tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị), Công ty cổ phần Đầu tư Vàng Phú Quý và các đơn vị liên quan. Cơ quan điều tra đã đề nghị truy tố 23 bị can về tội “buôn lậu”, trong đó, Nguyễn Thị Hóa và em chồng là Nguyễn Thị Gái (cùng trú tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) được xác định là chủ mưu, cầm đầu đường dây.

Có 7 bị can là chủ các tiệm vàng tại TP. Hà Nội có vai trò tiêu thụ số vàng buôn lậu trong đường dây này, gồm: Trần Anh Sơn, quản lý tiệm vàng Minh Hưng; Nguyễn Thị Vân, quản lý tiệm vàng Kim Linh; Đặng Văn Định, chủ tiệm vàng Minh Phúc; Trần Công Quán, chủ tiệm vàng Nhật Vượng; Đàm Anh Tuấn, chủ tiệm vàng Tuấn Quang; Nguyễn Khắc Bồng và Lê Minh Tuân, chủ tiệm vàng Tuân Đức.

Hai bị can khác là Lê Xuân Tùng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Vàng Phú Quý (Công ty Vàng Phú Quý) và kế toán doanh nghiệp này là Lê Thúy Quỳnh bị đề nghị truy tố tội “trốn thuế”.

Lợi dụng chính sách để vận chuyển vàng qua biên giới

Theo kết luận điều tra, đầu năm 2022, do có nhu cầu mua vàng nguyên liệu để chế tác, kinh doanh và biết Nguyễn Thị Hóa có thể cung cấp vàng nguyên liệu dạng thỏi từ Lào, nên một số tiệm vàng ở TP. Hà Nội đã liên hệ, đặt mua.

Nguyễn Thị Hóa cùng Nguyễn Thị Gái đã thiết lập, điều hành đường dây buôn lậu vàng, với nhiều đối tượng tham gia theo từng công đoạn, được tổ chức chặt chẽ từ khâu mua, vận chuyển đến tiêu thụ. Sau khi các tiệm vàng đặt hàng, Hóa liên hệ với đối tượng tên Thoong Nhã (ở Viêng Chăn, Lào) để đặt mua vàng, đồng thời thống nhất phương thức giao nhận hàng.

Từ đầu năm 2022 đến tháng 5/2023, Thoong Nhã thuê các đối tượng người Lào lái xe ô tô biển số Lào, vận chuyển vàng vào Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo và giao hàng tại khu vực nhà của Hóa ở thị trấn Lao Bảo, mỗi lần 5 - 10 kg vàng. Nhóm giao hàng nhận lại tiền thanh toán, mang về Lào cho Thoong Nhã. Tuy nhiên, đến nay, cơ quan điều tra chưa xác định được cụ thể số lượng vàng lậu được giao theo cách này.

Từ sau tháng 5/2023, Thoong Nhã không tổ chức vận chuyển vàng, nên Hóa tự tổ chức nhận vàng từ Thoong Nhã tại Viêng Chăn rồi đưa về Việt Nam. Phương thức được các đối tượng thống nhất là Hóa gửi tiền USD sang Lào trước, cho một đối tượng tên È, ở khu vực gần biên giới. Tiếp đó, một số người trong gia đình Hóa sẽ đi xe máy sang Lào, nhận USD từ È, rồi bắt xe khách đến nhà Thoong Nhã tại Viêng Chăn để thanh toán tiền mua vàng.

Lợi dụng chính sách là cư dân biên giới, chỉ cần sử dụng thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân là có thể đi qua cửa khẩu, Hóa đã chỉ đạo người nhà mang vàng về Việt Nam, trả công 5 triệu đồng/chuyến.

Cụ thể, những người vận chuyển vàng đi xe máy hoặc xe đạp điện đi qua cửa khẩu Lao Bảo sang Lào, nhận vàng thỏi được bọc trong túi nilon màu đen, sau đó buộc vàng vào bụng hoặc cất giấu ở trong thắt lưng quần. Các đối tượng này mua kèm một số loại hàng hóa như sữa, nước lọc, mì tôm, lạp xưởng... để mang về, tránh bị lực lượng bộ đội biên phòng nghi vấn, kiểm tra khi đi qua cửa khẩu. Mỗi lần đi lại qua cửa khẩu, mỗi đối tượng sẽ mang một thỏi vàng nặng 1 kg.

Với phương thức, thủ đoạn trên, các đối tượng đã vận chuyển tổng cộng 310 kg vàng từ Lào về Việt Nam.

Sử dụng nhiều phần mềm theo dõi kinh doanh để trốn thuế

Quá trình mở rộng điều tra mở rộng vụ án, cơ quan điều tra xác định, các bị can Lê Xuân Tùng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Vàng Phú Quý và Lê Thúy Quỳnh, kế toán công ty này đã có hành vi lập nhiều hệ thống sổ sách kế toán, trốn đóng hơn 6 tỷ đồng tiền thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, để quản lý việc mua bán vàng và hạch toán kế toán, Công ty Vàng Phú Quý sử dụng 4 phần mềm, trong đó phần mềm ERP và Jewelry quản lý mua bán hàng ngày. Bên cạnh đó, từ năm 2019 đến tháng 6/2021, Tùng chỉ đạo kế toán cập nhật một phần dữ liệu từ 2 phần mềm trên để nhập vào phần mềm kế toán Misa hoặc Fast để phục vụ việc báo cáo, kê khai thuế, hạch toán các hoạt động mua bán có hóa đơn, chứng từ.

Trong năm 2021, Công ty Vàng Phú Quý có doanh thu bán ra hơn 1.860 tỷ đồng, doanh thu mua vào là hơn 1.815 tỷ đồng, đã nộp thuế GTGT hơn 4 tỷ đồng; trong đó lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp là hơn 31 tỷ đồng, số thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp là hơn 6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kết quả trích xuất dữ liệu phần mềm ERP và Jewelry cho thấy, năm 2021, Công ty Vàng Phú Quý có doanh thu bán ra là hơn 3.951 tỷ đồng, doanh thu mua vào là hơn 3.884 tỷ đồng, phải nộp thuế GTGT hơn 6,7 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp là hơn 50 tỷ đồng, số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp là hơn 10 tỷ đồng.

Theo giám định viên Cục Thuế TP. Hà Nội, Công ty Vàng Phú Quý đã có hành vi bán hàng nhưng không xuất hóa đơn, không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp là vi phạm Luật Quản lý thuế. Doanh nghiệp này kê khai không trung thực, bán hàng không xuất hóa đơn, không kê khai thuế GTGT hàng hóa bán ra, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước năm 2021 là hơn 2 tỷ đồng.

Ngoài ra, hành vi để ngoài sổ sách kế toán đối với doanh thu, chi phí khi hạch toán kế toán để xác định thuế thu nhập doanh nghiệp, đã gây thiệt hại hơn 3,9 tỷ đồng, tổng cộng là hơn 6 tỷ đồng.

Lãi suất buôn lậu vàng không kém buôn ma túy
Buôn lậu vàng vẫn diễn ra, lúc âm thầm lúc dữ dội. Và đây mới là điều đáng ngạc nhiên, lãi suất buôn lậu vàng không kém buôn ma túy qua biên...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư