Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Thu hồi dự án FDI: Không dễ đưa ra phán quyết
Nguyên Đức - 15/07/2015 07:51
 
Dù các địa phương tỏ ra kiên quyết trong việc thu hồi các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chậm tiến độ, nhưng thực tế, việc thu hồi các dự án này không đơn giản.

Được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong lặng lẽ, nhưng lại gây nhiều ì xèo khi thu hồi, đó là Dự án Phoenix của Công ty TNHH Dewan International (Hồng Kông), vốn đầu tư 1,25 tỷ USD. Được Khánh Hòa gật đầu thông qua từ tháng 8/2014, nhưng vì không góp vốn điều lệ công ty theo tiến độ góp vốn quy định tại giấy chứng nhận đầu tư, hai lần không thực hiện cam kết góp vốn của công ty vào các ngày 7/1 và 11/5, Dự án đã bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư vào đầu tháng 7 này.

Có thể thấy, Dự án Phoenix thuộc diện nhanh “được” thu hồi nhất - trong vòng gần 1 năm, kể từ khi có giấy chứng nhận đầu tư. Và đây là điều khiến không ít quan điểm cho rằng, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa có một quyết định khôn ngoan.

Quảng Ngãi đang lấn bấn với việc thu hồi Dự án Thép Guang Lian. Ảnh:Đức Thanh
Quảng Ngãi đang lấn bấn với việc thu hồi Dự án Thép Guang Lian. Ảnh:Đức Thanh

 

Cũng không bàn tới chuyện khôn ngoan hay không, nhưng thực tế, không phải địa phương nào cũng có được quyết định nhanh gọn và quyết liệt như Khánh Hòa. Thêm nữa, trong quyết định của mình, Khánh Hòa cũng cương quyết rằng, toàn bộ chi phí liên quan đến việc thực hiện các thủ tục đầu tư Dự án (nếu có), Dewan vẫn phải tự chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, tại Kiên Giang cũng có một dự án thuộc diện “để thì dở, mà thu hồi cũng không xong”. Đó là Dự án Bãi Dài Resort của nhà đầu tư Starbay Holdings Ltd., một công ty con của Tập đoàn Millennium (Hồng Kông), vốn đăng ký 1,6 tỷ USD.

Đã 7 năm trôi qua kể từ ngày nhận giấy chứng nhận đầu tư, Dự án vẫn án binh bất động. Nhiều lần cảnh báo thu hồi, song đến nay, dự án này vẫn dằng dai, khiến không ít người dân bức xúc.

Tháng 6 năm ngoái, Kiên Giang đã tỏ ra rất kiên quyết khi đưa ra rất nhiều điều kiện liên quan đến nộp tiền ký quỹ đầu tư, hoàn thành thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, lập phương án đền bù giải tỏa và hạn chót cho tất cả các phần việc này là tháng 12 năm ngoái. Song cho đến nay, vẫn không có thông tin liên quan đến dự án này.

Một thông tin khác. Trong báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) được công bố cách đây ít ngày về tình hình đầu tư của các quốc gia ASEAN vào Việt Nam, vẫn hiện diện Dự án Khu đô thị đại học quốc tế của Công ty TNHH MTV Đô thị đại học quốc tế Berjaya Việt Nam (Malaysia), với tư cách là dự án FDI điển hình, có quy mô lớn.

Với tổng vốn đăng ký 3,5 tỷ USD, đây thực sự là một dự án FDI quy mô lớn và đáng khuyến khích đầu tư. Nhưng thực tế, việc triển khai quá chậm đã khiến dư luận quan ngại. Được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2008, nhưng giờ đây, cả khu đô thị đại học quốc tế ấy vẫn trống không, cỏ dại mọc um tùm.

Cũng của nhà đầu tư Berjaya, các dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam (vốn đầu tư 930 triệu USD) tại TP.HCM và Dự án 2 tỷ USD ở Đồng Nai đang trong tình trạng tương tự. Nhưng rồi dù muốn thu hồi, dù nhiều lần cảnh báo, các dự án này vẫn tồn tại trên giấy và chình ình các bãi đất hoang.

Điều này hẳn nhiên khiến dư luận bức xúc, bởi đất đã thu hồi rồi bỏ hoang, quá hoang phí, trong khi dân không có đất để canh tác. Sao không thu hồi cho rồi! Đó là bình luận của không người trước thực tế nhiều dự án FDI chậm tiến độ.

Nhưng cái khó bó cái khôn. Chuyện thu hồi các dự án FDI chậm tiến độ không hề đơn giản. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một địa phương thừa nhận: thu hồi rồi thì biết giao cho nhà đầu tư nào? Đó đúng là một câu hỏi không dễ trả lời.

Không những thế, việc thu hồi các dự án FDI còn liên quan đến chính các ràng buộc mà địa phương cam kết với chủ đầu tư. Chẳng hạn, Dự án Khu du lịch Vĩnh Hội, vốn đầu tư 250 triệu USD ở Bình Định, được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2007 mà giờ vẫn chậm trễ triển khai và lãnh đạo tỉnh Bình Định đã nhiều lần có văn bản yêu cầu Ban quản lý Khu kinh tế Nhơn Hội làm thủ tục thu hồi Dự án.

Tuy nhiên, theo thông tin của Báo Đầu tư, Bình Định không dễ thu hồi dự án này. Một trong những nguyên nhân cơ bản là, theo cam kết, tỉnh phải bàn giao mặt bằng sạch để chủ đầu tư triển khai Dự án. Song tới thời điểm này, mới chỉ có 135 ha trong tổng số 235 ha diện tích đất của Dự án được giải tỏa, tạm bàn giao cho nhà đầu tư.

Căn cứ theo các quy định pháp luật hiện hành, nhiều khả năng, tỉnh Bình Định chỉ có thể thu hồi giấy chứng nhận đầu tư của Dự án, mà không thể thu hồi Dự án (bao gồm cả thu hồi đất). Nếu thu hồi, Bình Định có thể bị nhà đầu tư kiện ngược.

Tương tự, Quảng Ngãi cũng đang lấn bấn với Dự án Thép Guang Lian, vốn đầu tư 3 tỷ USD. Dù chủ đầu tư

E-United đã tuyên bố không thể thu xếp tài chính cho Dự án và cũng sẵn sàng chấp thuận việc bị thu hồi, nhưng thu hồi thế nào, xử lý hậu thu hồi đến đâu là một câu chuyện không đơn giản. Lý do là vì, chủ đầu tư đã bỏ khoảng 73 triệu USD để đầu tư vào Dự án, trong đó có phần ứng trước để giải phóng mặt bằng. Hậu thu hồi, Quảng Ngãi sẽ phải thu xếp tiền để hoàn trả phần vốn đầu tư của E-United. Không phải địa phương nào cũng may mắn như Khánh Hòa khi sớm quyết định thu hồi dự án của Dewan. Cũng không phải địa phương nào cũng có “cửa ra” như Vĩnh Phúc, vì sau khi thu hồi dự án của Foxconn, đã có nhà đầu tư khác thế chân.

Dù khó khăn, nhưng rõ ràng, cũng vẫn phải đặt ra câu hỏi rằng, tại sao các địa phương chưa thật cương quyết thu hồi các dự án chậm triển khai để dành cơ hội cho nhà đầu tư khác?

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư