Thứ Năm, Ngày 24 tháng 04 năm 2025,
Thu hồi triệt để các dự án treo trong năm 2025
Nguyễn Lê - 24/04/2025 09:45
 
Năm 2024, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực.
.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2024 của Chính phủ.

Năm 2025, thu hồi triệt để các dự án treo và đẩy nhanh việc thu hồi các tài sản, đất đai nhà nước bị thất thoát, vi phạm theo các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Đây là một trong các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được nêu tại báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2024 của Chính phủ, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp sáng 24/4.

Kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả,

Báo cáo tóm tắt nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng khái quát, năm 2024, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (đạt và vượt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra).

Kết quả này đã tạo nền tảng, tạo đà, khí thế mới, tâm thế mới, tạo hy vọng, tạo động lực mạnh mẽ để đất nước ta bước vào năm 2025 với niềm tin hoàn thành và đạt kết quả cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu của cả giai đoạn 2020 - 2025, hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc, theo đánh giá của Chính phủ. 

Một số kết quả cụ thể được Bộ trưởng nêu, như thu ngân sách nhà nước năm 2024 thực hiện đạt 2,043 triệu tỷ đồng, tăng 342,7 nghìn tỷ đồng (+20,1%) so dự toán và báo cáo Quốc hội. Chi ngân sách nhà nước năm 2024 ước đạt 1,83 triệu tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán. Công tác điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2024 được thực hiện chủ động, chặt chẽ theo dự toán, đảm bảo triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2024 theo báo cáo của bộ, ngành, địa phương là 64.014 tỷ đồng.

Nợ công/GDP đến cuối năm 2024 ước thực hiện 34,7%, nợ Chính phủ/GDP ước thực hiện 32,2%, nợ nước ngoài của quốc gia/GDP ước thực hiện 31,8%, trong phạm vi Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đã được Quốc hội đề ra, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ xác định siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước gắn với huy động các nguồn lực xã hội và sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Quản lý chặt chẽ việc huy động và quản lý, sử dụng các khoản vốn vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước. Thường xuyên rà soát, theo dõi, đánh giá kỹ việc phát hành trái phiếu Chính phủ gắn với nhu cầu chi đầu tư phát triển, trả nợ gốc của ngân sách bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tập trung vào việc sắp xếp, xử lý tài sản, đặc biệt là nhà, đất gắn với việc sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy.

Đẩy mạnh phân bổ, triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tập trung rà soát, kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả, dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách, ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững.

Hoàn thành sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy theo đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao khả năng tự lực, tự cường, trách nhiệm quản trị địa phương.

Một số giải pháp khác cũng được nêu tại báo cáo là ưu tiên nguồn lực, trí lực, chuẩn bị nhân lực, tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thu hồi triệt để các dự án treo và đẩy nhanh việc thu hồi các tài sản, đất đai nhà nước bị thất thoát, vi phạm theo các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo.

Đẩy mạnh xử lý tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai

Thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính nhận xét, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Chính phủ xác định công tác phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ cấp bách, ưu tiên; ban hành nhiều văn bản để thực hiện kế hoạch thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tập trung chỉ đạo rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm giải quyết các điểm nghẽn gây lãng phí nguồn lực của nền kinh tế.

Chính sách tài khóa, tiền tệ năm 2024 được điều hành chủ động, linh hoạt. Nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quán triệt và thực hiện tốt từ khâu lập dự toán đến phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Công tác điều hành chi ngân sách Nhà nước cơ bản chặt chẽ, hiệu quả; thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên và các khoản chi chưa thực sự cần thiết.

Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra. 

Kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công được tăng cường, gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Thực hiện điều chuyển số vốn chưa được phân bổ, vốn của các dự án chậm giải ngân sang các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án có khả năng giải ngân tốt hơn và còn thiếu vốn, góp phần quan trọng vào kết quả tích cực trong giải ngân vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính Lê Quang Mạnh phản ánh, Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng, còn tồn tại tình trạng một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; chưa phân cấp kiểm tra hiện trạng nhà, đất; việc lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chậm.

Việc xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai không đạt tiến độ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng lãng phí, vi phạm trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất: đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng; đất của các nông, lâm trường để hoang hóa sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… còn diễn ra ở nhiều nơi.

Việc rà soát, sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, tạo lập cơ chế phù hợp để doanh nghiệp nhà nước hoạt động có hiệu quả chậm được hoàn thiện. Tình hình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa chuyển biến tích cực. Công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn trong khi các doanh nghiệp này đang quản lý diện tích rừng lớn, hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực của nhà nước.

Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính kiến nghị đẩy mạnh công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất; rà soát, chuyển giao các cơ sở nhà, đất kém hiệu quả do các cơ quan Trung ương quản lý về cho địa phương phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; quản lý chặt chẽ, có phương án xử lý tình trạng để hoang hóa, lãng phí nhà ở công vụ, công trình phúc lợi công cộng; có kế hoạch tổng thể về quản lý, sử dụng hiệu quả trụ sở làm việc sau tinh gọn tổ chức bộ máy để bố trí cho các công trình phúc lợi công cộng, cơ sở khám, chữa bệnh, trạm y tế xã, phường tại một số địa phương hoặc có phương án khai thác, sử dụng hiệu quả, kịp thời.

Đẩy mạnh xử lý tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường, các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, ông Mạnh nêu kiến nghị tiếp theo. 

Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2024 của Chính phủ sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 tới đây.

Một số bộ, địa phương tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng ngân sách
Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 trong quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, vốn nhà nước theo báo cáo của các bộ,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư