Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng từ triển khai Chính phủ điện tử
Lê Quân - 08/01/2021 11:43
 
Ngoài tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng chi phí, triển khai Cổng dịch vụ công Quốc gia giúp công khai, minh bạch giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường giám sát, đánh giá của người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đồng chủ trì Hội thảo.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đồng chủ trì Hội thảo.

Những kết quả trên được đưa ra tại Hội thảo trực tuyến "Chia sẻ kinh nghiệm và chính sách mới của Nhật Bản nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số" diễn ra vào sáng 8/1 tại Hà Nội. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đồng chủ trì hội thảo. Từ đầu cầu Hà Nội, hội thảo được kết nối trực tuyến với nhiều điểm cầu tại Nhật Bản và các tỉnh, thành phố Việt Nam.

Phát triển Chính phủ điện tử gần đây đạt được những kết quả đáng chú ý. Liên quan đến việc triển khai Trục liên thông văn bản Quốc gia, đã có 100% bộ ngành, địa phương kết nối hệ thống này. Tính đến ngày 25/12/2020, đã có tổng số trên 3,7 triệu văn bản điện tử trao đổi, gửi nhận trên Trục liên thông văn bản Quốc gia kể từ khi khai trương vào ngày 12/3/2019.

Việc triển khai Trục liên thông văn bản Quốc gia mang lại lợi ích thiết thực, giúp thay đổi lề lối làm việc trong các cơ quan nhà nước; chuyển đổi từ phương thức xử lý, nhận, gửi văn bản truyền thống sang môi trường điện tử; giúp giảm chi phí bưu chính, giảm thời gian tiếp nhận, xử lý văn bản; tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nhờ đó, chi phí tiết kiệm từ khi sử dụng Trục liên thông văn bản Quốc gia lên tới 1.200 tỷ đồng/năm.

Một trong những sản phẩm quan trọng khác trong phát triển Chính phủ điện tử được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý là Cổng dịch vụ công Quốc gia được khai trương vào ngày 9/12/2019. "Qua hơn 1 năm hoạt động, đã có 2.762 dịch vụ công trực tuyến trong tổng thể hơn 6.790 dịch vụ công, tương đương trên 39% dịch vụ công đã được đưa lên Cổng dịch vụ công Quốc gia, với lượng truy cập lên tới 102 triệu và kết nối với các cơ quan dịch vụ công trên cả nước", ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Triển khai Cổng dịch vụ công Quốc gia giúp công khai minh bạch thông tin giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường khả năng giám sát, đánh giá của người dân và doanh nghiệp; nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước; và cung cấp các nền tảng dùng chung như xác thực, định danh, thanh toán trực tuyến, chứng thực điện tử. Đặc biệt, chi phí tiết kiệm được khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến (tại thời điểm tích hợp, cung cấp dịch vụ công thứ 2.700) đạt trên 8.000 tỷ đồng/năm.

Ông Yamada Takio, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, đánh giá Chính phủ Việt Nam có nhiều nỗ lực hiệu quả trong kiểm soát tốt sự lây lan của dịch Covid-19 và đã được thế giới đánh giá cao. Một trong những nỗ lực đó là việc Việt Nam đã nhanh chóng triển khai ứng dụng NCOVI để sớm xác định những người tiếp xúc gần người nhiễm bệnh.

"Phía Chính phủ Nhật Bản đang và sẽ hỗ trợ trong khả năng có thể để đáp ứng nguyện vọng của Chính phủ Việt Nam. Vào tháng 8/2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cùng với Văn phòng Nội các Nhật Bản đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Buổi hội thảo hôm nay được tổ chức trên cơ sở thực hiện biên bản ghi nhớ này nhằm chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm mà Nhật Bản đã tích lũy trong triển khai Chính phủ điện tử từ trước đến nay", Đại sứ Nhật Bản nói.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, qua trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm như ngày hôm nay, Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước đi vững chắc trong triển khai Chính phủ điện tử, góp phần vào sự phát triển của đất nước, sự phồn vinh của dân tộc và quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam - Nhật Bản.

Từ chính sách và kinh nghiệm của Nhật Bản, các bộ, ngành, địa phương cùng trao đổi, nghiên cứu và ứng dụng phù hợp với tình hình thực tế của bộ, cơ quan, địa phương mình.

Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Chính phủ xác định phát triển chính phủ điện tử là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới và là dư địa để phát triển kinh tế, nền tảng cơ bản để thực hiện khát vọng hội nhập quốc tế của Việt Nam, với quan điểm xuyên suốt là xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch, đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm và sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử.

Đẩy mạnh xử lý, hồ sơ công việc trên môi trường mạng, tăng cường kết nối, liên thông giữa các cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp và các doanh nghiệp, trong đó tập trung triển khai nhân rộng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc tại các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.

Ngoài ra, triển khai hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Bên cạnh đó, tập trung triển khai các hệ thống thông tin phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương và các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Công bố 5 nền tảng Cloud đáp ứng tiêu chuẩn phục vụ Chính phủ điện tử
Viettel, VNG, CMC, VNPT và VCCorp được Bộ Thông tin và Truyền thông trao chứng nhận đáp ứng các tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật phục vụ Chính phủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư