Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
Thu hút đầu tư vào Khu kinh tế ven biển miền Trung vẫn còn nhiều rào cản
Hoàng Anh - 29/11/2023 11:42
 
Các khu kinh tế ven biển đã có những đóng góp lớn cho tăng trưởng của các tỉnh miền Trung, tuy nhiên vẫn còn không ít hạn chế trong thu hút đầu tư.

Ngày 29/11, Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ tổ chức Hội thảo khoa học “Đầu tư vào các khu kinh tế ven biển miền Trung”.

Theo báo cáo, Việt Nam đã chủ trương thành lập các khu kinh tế ven biển với cơ chế chính sách ưu đãi “vượt trội” nhằm tạo đột phá trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài.

Kể từ thời điểm thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai – khu kinh tế ven biển đầu tiên của cả nước vào năm 2003, đến nay, Việt Nam có 19 khu kinh tế ven biển được thành lập. Trong đó, khu vực miền Trung có đến 11 khu kinh tế ven biển, chiếm gần 60% tổng số khu kinh tế ven biển của Việt Nam.

Thống kê cho thấy, các khu kinh tế ven biển đã thu hút 254 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 42 tỷ USD và 1.079 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 805,2 nghìn tỷ đồng.

Nhìn chung, các khu kinh tế ven biển bước đầu đã có những đóng góp quan trọng trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ tổ chức Hội thảo khoa học “Đầu tư vào các khu kinh tế ven biển miền Trung”.
Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ tổ chức Hội thảo khoa học “Đầu tư vào các khu kinh tế ven biển miền Trung”.

Theo PGS.TS Bùi Quang Bình, các khu kinh tế ven biển đã và đang trở thành nơi thí điểm vận dụng sáng kiến về cơ chế chính sách phát triển cho các địa phương; quy mô hoạt động kinh tế của các khu kinh tế ven biển lớn mạnh và đang khẳng định vị trí trong nền kinh tế của vùng.

Ngoài ra, các khu kinh tế ven biển đã và đang trở thành trung tâm quy tụ, tập trung nguồn lực và các yếu tố sản xuất của các địa phương như vốn đầu tư bao gồm cả FDI; số lượng lao động có tay nghề; trung tâm và động lực cho các địa phương.

Một số ngành kinh tế biển được Việt Nam xác định ưu tiên đã đạt được sự phát triển khá ấn tượng, đóng góp lớn vào nền kinh tế, như: Du lịch biển, đảo; Công nghiệp chế biến dầu khí, công nghiệp ô tô, luyện kim, khai thác và chế biến hải sản; Cảng biển và logistics… Các khu kinh tế ven biển đã và đang đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế của các địa phương và toàn vùng.  

Khu kinh tế mở Chu Lai – khu kinh tế ven biển đầu tiên của cả nước.
Khu kinh tế mở Chu Lai – khu kinh tế ven biển đầu tiên của cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, hoạt động thu hút đầu tư của các khu kinh tế ven biển Việt Nam và khu vực miền Trung nói riêng còn những tồn tại, hạn chế.

Theo TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ, Khung thể chế và mô hình phát triển khu kinh tế ven biển còn chưa hoàn thiện; Cơ sở hạ tầng bên trong và bên ngoài khu kinh tế vẫn chưa được đầu tư đồng bộ, hiện đại, tính kết nối giữa các khu kinh tế ven biển với các trung tâm kinh tế vùng còn nhiều hạn chế.

Cũng theo TS. Hoàng Hồng Hiệp, dù là mô hình “khu trong khu”, song các khu kinh tế nặng về thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp, lĩnh vực dịch vụ và đô thị hóa còn chậm phát triển; Các dự án đầu tư vào các KKT ven biển miền Trung chủ yếu là các ngành công nghiệp nhẹ, thâm dụng lao động như dệt may, da giày, lắp ráp hàng điện tử; thiếu các dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp/dịch vụ sử dụng công nghệ cao.

Ngoài ra, cơ chế chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư vào các khu kinh tế ven biển còn thiếu đột phá. Các khu kinh tế ven biển khu vực miền Trung còn gặp khó khăn trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Hầu hết các dự án đầu tư vào các khu kinh tế ven biển chủ yếu là các dự án kinh tế, thiếu các dự án trong lĩnh vực xã hội như giáo dục đào tạo, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhà ở cho công nhân…

Một số khu kinh tế ven biển khu vực miền Trung đang trong tình trạng “khát đầu tư” nên còn có tư duy thu hút đầu tư bằng mọi giá mà không quan tâm nhiều đến yếu tố môi trường và môi sinh cho cư dân địa phương. Đặc biệt, nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế là “điểm đen” về ô nhiễm môi trường.

TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ phát biểu tại Hội thảo.
TS. Hoàng Hồng Hiệp, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ phát biểu tại Hội thảo.

“Việc phát triển các khu kinh tế ven biển nói chung và hoạt động thu hút đầu tư vào các khu kinh tế ven biển miền Trung nói riêng cần thiết phải được xem xét, đánh giá lại một cách đầy đủ, thấu đáo, cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn, dựa trên các nguyên tắc phát triển bền vững. Để từ đó có thể đưa ra giải pháp để phát huy hơn nữa giá trị của các khu kinh tế ven biển”, TS. Hoàng Hồng Hiệp phát biểu.

Hội thảo “Đầu tư vào các khu kinh tế ven biển miền Trung” được Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ tổ chức nhằm tạo diễn đàn khoa học để các học giả, nhà quản lý trao đổi các vấn đề lý luận, thực tiễn và đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu kinh tế ven biển khu vực miền Trung trong bối cảnh mới, bao gồm các sáng kiến thu hút đầu tư vào các khu kinh tế ven biển đặt trong tầm nhìn vùng, mối liên kết vùng.

Hải Phòng nghiên cứu thành lập khu kinh tế ven biển mới, rộng 20.000 ha
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, tổng diện tích dự kiến của Khu kinh tế (KKT) ven biển phía Nam Hải Phòng là khoảng 20.000 ha, tại các quận,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư