Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Thu hút đầu tư vào nông nghiệp: Sắp có chính sách ưu đãi đột phá
Hà Tâm - 03/12/2016 12:30
 
Trước than thở của doanh nghiệp về các chính sách ưu đãi đầu tư nông nghiệp nằm trên giấy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cam kết, sắp tới, Chính phủ sẽ có chính sách đột phá và sát thực tiễn để thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Doanh nghiệp mòn mỏi chờ ưu đãi

Hàng loạt kiến nghị cụ thể của các doanh nghiệp đã được đưa ra tại tại Diễn đàn Đối thoại với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tổ chức sáng nay (3/12).

Vẫn thẳng thắn như thường lệ, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH cho biết, khi đầu tư xây dựng nhà máy sữa tại Nga, bà nhận thấy thị trường có sự mập mờ giữa sữa tươi và sữa bột pha nước (sữa hoàn nguyên) và ngay lập tức viết “tâm thư” kiến nghị và đến nay, TH đã nhận được câu trả lời: "Với sản phẩm sữa loại đặc biệt, doanh nghiệp sẽ được giảm thuế 3 rúp, với sữa loại 2, sẽ được giảm 2 rúp. Với một số loại máy móc nhập khẩu công nghệ cao, Chính phủ Nga cũng giảm thuế đến 50%. Từ đầu năm đến nay, TH đầu tư 100 triệu USD vào thị trường Nga thì đến giờ đã được trả lại 25 triệu USD các khoản ưu đãi".

Trong khi đó, trong nước, mặc dù bỏ rất nhiều vốn đầu tư  dự án nhà máy, trang trại bò sữa theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại nhất khu vự, song đến nay, bà vẫn chưa hề được nhận một đồng vốn ưu đãi nào. “Chúng tôi được khen ngợi nhiều, nhưng chính sách ưu đãi chưa hề được hưởng”, Chủ tịch TH  bà Hương nói.

Theo doanh nghiệp này, những năm gần đây, Chính phủ và Bộ NN&PTNT đưa ra rất nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển, song lại thiếu chính sách khuyến khích với các doanh nghiệp dẫn đầu. Nhất là những doanh nghiệp đã đầu tư công nghệ cao, theo chuỗi giá trị. Do đó, bà Thái Hương kiến nghị Bộ NN&PTNT cần lựa chọn các nhóm ngành hàng chủ lực và có chính sách ưu đãi riêng cho doanh nghiệp dẫn đầu, các doanh nghiệp đầu tư lớn vào nông nghiệp.   

Cũng kiến nghị với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT công ty Đồng Giao khẳng định, cho đến nay, ngành nông nghiệp hầu như là ngành xuất siêu nhiều nhất, mang lại giá trị “tinh” nhiều nhất, song chính sách hỗ trợ lại hầu như ít nhất. Chưa kể, các chính sách hiện nay còn nhiều bất cập: Muốn chuyển đổi 10ha đất lúa là phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, song nếu lấy hàng chục ha đất trồng rau quả để làm Khu công nghiệp thì lại dễ như trở bàn tay, nhiều khi khiến doanh nghiệp xoay không kịp. Do đó, cần quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến và không bị giới hạn bởi địa giới từng địa phương. Bên cạnh đó, phải có chính sách phát triển khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Hiện tại, mỗi 5 năm Việt Nam phải nhập khẩu rất lớn hạt giống, máy móc nông nghiệp… dù trong nước có nhiều nhà khoa học giỏi. Ngoài ra, lãi suất cho vay với lĩnh vực nông nghiệp cũng chỉ nên ở mức 5%/năm.

Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARP) cho biết, theo số liệu mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam hỗ trợ nông nghiệp chỉ chiếm 7% (chủ yếu qua khuyến nông, giảm một số loại phí), trong khi một số nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, mức hỗ trợ lên tới 55-60%.

Một khảo sát nhanh của IPSARP cho biết, các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện nay gặp rất nhiều vướng mắc về thị trường, đất đai, tín dụng, bảo hiểm, khoa học công nghệ…  

Đợi chính sách ưu đãi đột phá và sát thực tiễn

Một câu hỏi đau đáu được nhiều chuyên gia đặt ra: Tại sao Việt Nam có lợi thế nông nghiệp nhưng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp lại chỉ mới chiếm 1-2% tổng số doanh nghiệp của cả nước? Câu trả lời là có quá ít chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Nói đúng ra là có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, song đa phần chính sách này còn nằm trên giấy.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam nói: “Nông dân làm giàu ở những nơi tưởng như không thể: đó là trồng tiêu trên cây đước, ở vùng ngập mặn. Cái duy nhất mà nông dân và doanh nghiệp cần, chỉ là hai chữ: cơ chế”.

Trước những băn khoăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, Chính phủ rất mong muốn các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mộ cách bài bản, hình thành các chuỗi giá trị. Cho đến nay, quá trình tái cơ cấu tái cơ cấu ngành nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang nền sản xuất hàng hóa tập trung đã có những kết quả bước đầu. Nhiều ngành như sữa, thủy sản, chăn nuôi… đã tiệm cận công nghệ hàng đầu thế giới. Nhiều địa phương cũng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, lựa chọn được các sản phẩm chủ lực: Hà Giang phát triển dược liệu,vùng vải Lục Ngạn (Bắc Giang) mỗi năm thu về 5.000 tỷ đồng, vùng cam Cao Phong (Hòa Bình) thun nhập 700 triệu - 1 tỷ đồng/ha.

Đặc biệt, vài năm gần đây, số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp gia tăng, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như: TH, Dabaco, Vingroup, Hòa Phát…  Riêng năm 2016 có gần 1.500 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế, những mô hình nông nghiệp hiện đại, đi theo chuỗi giá trị còn ít. Trên diện rộng, nông nghiệp nói chung vẫn phát triển theo mô hình nhỏ lẻ, thiếu bền vững, thị trường bấp bênh. Và một trong nghững nguyên nhân là chính sách dù đưa ra nhiều nhưng vẫn còn thiếu, nhiều bất cập, nhiều cơ quan địa phương chưa vào cuộc quyết liệt với doanh nghiệp.

Bộ trưởng khẳng định, Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ NN&PTN cùng phối hợp các bộ ngành sửa đổi Nghị định 210/2013/NĐ-CP về thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Bộ trưởng cam kết, các chính sách thu hút đầu tư thời gian tới sẽ “đột phá” và “sát thực tiễn” để doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào nông nghiệp.  

Rà soát cơ chế để hút vốn đầu tư vào nông nghiệp
Diễn đàn “Phát triển Doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới” do Ban Kinh tế Trung...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư