Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Thu hút FDI đảo chiều ngoạn mục
Nguyên Đức - 28/08/2015 08:46
 
Đã có một sự đảo chiều ngoạn mục trong kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm. Theo số liệu báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/8/2015, cả nước có 1.219 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 7,87 tỷ USD, tăng hơn 8,7% so với cùng kỳ năm 2014.

Ngoài ra, còn có 389 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,46 tỷ USD, tăng 82,8% so với cùng kỳ năm 2014.

Như vậy, tính chung trong 8 tháng năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 13,33 tỷ USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2014.

.
Tính chung trong 8 tháng năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 13,33 tỷ USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2014

 

Có được sự đảo chiều ngoạn mục này là do trong tháng 8, Bắc Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Samsung Display, với tổng vốn đăng ký tăng thêm lên tới 3 tỷ USD. Samsung Display đã đầu tư 1 tỷ USD vào Bắc Ninh trong năm ngoái và nay, tăng thêm 3 tỷ USD để mở rộng nhà máy chuyên sản xuất các loại màn hình thế hệ mới, như OLED, AMOLED... dùng cho các thiết bị di động.

Sự tăng mạnh trở lại của dòng vốn FDI trong tháng 8, dù trước hết phần lớn là nhờ dự án 3 tỷ USD của Samsung, song vẫn được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho là một dấu hiệu tích cực. Cộng thêm việc vốn FDI giải ngân tiếp tục xu hướng tích cực (đạt 8,5 tỷ USD, tăng 7,6% với cùng kỳ năm 2014), thì việc số dự án cấp mới và tăng vốn tăng cao cho thấy, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã có những dấu hiệu cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư đã dần tăng lên.

Thực tế, dù những năm gần đây, vốn FDI vào Việt Nam tăng - giảm khá thất thường, song điều đó không có nghĩa nhà đầu tư nước ngoài thiếu tin tưởng vào Việt Nam.

“Vài năm gần đây, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tăng vọt là vì có nhiều dự án tỷ USD của các nhà đầu tư lớn như Samsung. Nhưng đâu phải lúc nào nhà đầu tư cũng sẵn sàng cho các dự án tỷ USD như vậy”, một chuyên gia trong lĩnh vực FDI lý giải và cho rằng, sự sụt giảm của dòng vốn FDI trong năm nay một phần xuất phát từ việc thiếu vắng các dự án lớn trong lĩnh vực bất động sản mà những năm qua liên tiếp đổ vào Việt Nam.

“Điều quan trọng là vốn giải ngân, chứ không phải là vốn đăng ký”, GS-TSKH Nguyễn Mại đã nhiều lần khẳng định điều này. Và nếu nhìn trên khía cạnh đó, FDI vào Việt Nam vẫn là tích cực, khi vốn giải ngân nhiều năm gần đây ổn định và có chiều hướng gia tăng.

Sự sụt giảm vốn FDI đăng ký có thể chỉ mang tính thời điểm. Và thực tế, ngay sau khi có dự án 3 tỷ USD của Samsung Display trong tháng này, cũng như Dự án Thành phố Đế vương 1,2 tỷ USD của liên doanh giữa Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phước, Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái với nhà đầu tư Denver Power Ltd (Anh) trong tháng trước, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đã đảo chiều.

Thêm vào đó, một điều có thể khẳng định, Việt Nam vẫn luôn được các nhà đầu tư lựa chọn là địa điểm sản xuất. Sự xuất hiện của Samsung, với tổng vốn đầu tư lên tới 14,2 tỷ USD, hay sự có mặt của LG, Misrosoft, cũng như cam kết đầu tư 500 triệu USD vào Việt Nam mới đây của Jabil (Mỹ) đã góp phần quan trọng để khẳng định điều này.

Hơn nữa, một kết quả khảo sát vừa được công ty tư vấn bất động sản hàng đầu thế giới Cushman &Wakefield công bố hồi trung tuần tháng 8 cho thấy, Việt Nam tiếp tục có bước tiến và trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho ngành sản xuất, sau khi nhảy một bậc so với năm 2014 để leo lên vị trí đứng đầu Bảng xếp hạng “Chỉ số phát triển của các quốc gia mới nổi trong ngành sản xuất” (Growth Index).

Theo kết quả khảo sát của Cushman &Wakefield, Trung Quốc, công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới, đang ngày trở nên kém cạnh tranh hơn, do giá lao động ngày càng tăng cao. Điều này đã gián tiếp làm tăng sức hấp dẫn của các quốc gia như Malaysia và Việt Nam.

Cả Malaysia và Việt Nam được đánh giá tương đồng nhau trong Bảng xếp hạng Growth Index. Theo Cushman & Wakefield, tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ tại Việt Nam tiếp tục đem lại nhiều cơ hội cho những nhà bán lẻ và các nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh.

“Bảng xếp hạng thể hiện rõ lợi thế của Việt Nam xét trên phương diện chi phí cạnh tranh. Việt Nam đã bắt đầu được hưởng lợi từ việc chi phí sản xuất tại Trung Quốc ngày càng tăng. Trong tương lai, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kỳ vọng sẽ không chỉ làm tăng tính cạnh tranh khi các loại thuế được giảm, mà còn đưa ra được các tiêu chuẩn giúp cải thiện việc đánh giá chuỗi cung ứng, tạo ra khuôn khổ tốt hơn cho các vấn đề như sở hữu trí tuệ và nguồn nhân lực, làm tăng sức hấp dẫn cho Việt Nam”, ông Alex Crane, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam bình luận.

Cũng theo Cushman & Wakefield, để trở thành “cứ điểm” của các nhà sản xuất toàn cầu, các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam, phải tích hợp được chuỗi sản xuất đồng bộ từ đầu vào, công nghiệp phụ trợ lẫn kết nối với khách hàng.

Hà Nội sẽ tập trung thu hút đầu tư vào 3 lĩnh vực đột phá
Sáng nay (24/8), UBND TP. Hà Nội đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư thành phố Hà Nội năm 2015 nhằm giới thiệu các dự án thu hút đầu tư trên các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư