Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Thứ trưởng Bộ Công Thương: Đến năm 2020, hàng Việt Nam sẽ phủ sóng châu Âu, Bắc Mỹ
Đức Duy (Vietnam+) - 02/01/2016 14:10
 
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, phấn đấu đến năm 2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa Ảnh: Đức Duy/Vietnam+
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa Ảnh: Đức Duy/Vietnam+

Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã trải qua hơn 6 năm thực hiện tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp. Thông qua chương trình, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng mạng lưới phân phối giúp người tiêu dùng mua sắm được hàng hóa đảm bảo chất lượng.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, đây là cơ sở để tăng cường sự nhận diện của hàng Việt tại thị trường nội địa. Và để tạo sức lan tỏa lớn hơn, Chính phủ đã thông qua đề án đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài, hướng đến năm 2020, hàng Việt được hiện diện trong các kênh phân phối của châu Âu và nhiều nước châu Á.

Để tìm hiểu rõ hơn về hiệu quả của chương trình hàng Việt Nam cũng như những khó trong thời gian qua, thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã có một số trao đổi với PV về những chính sách mà Bộ Công Thương đang triển khai.

Thứ trưởng đánh giá như thế nào về "sức khỏe" của doanh nghiệp Việt và sức cạnh tranh của hàng hoá nội khi nhiều loại thuế nhập khẩu sẽ giảm theo lộ trình?

Quá trình hội nhập và phát triển của Việt Nam trong nhiều năm qua được thực hiện theo định hướng chung có tính chiến lược và dài hạn, trong đó việc tham gia ký kết các hiệp định song phương và đa phương được đàm phán, thực hiện theo một lộ trình phù hợp nhằm bảo đảm yêu cầu, mục tiêu chung là để nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững.

Tôi cho rằng, các doanh nghiệp cần hết sức chủ động tìm hiểu, nắm bắt những nội dung cam kết hội nhập, mở cửa thị trường trong lĩnh vực liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của mình để có sự chủ động trong việc nắm bắt thời cơ, hạn chế những tác động, áp lực cạnh tranh từ quá trình này đem lại, qua đó xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh một cách hợp lý.

Trong quá trình này, yếu tố chất lượng nguồn nhân lực và công nghệ sẽ là then chốt, bảo đảm cho sự phát triển, cạnh tranh thành công của mỗi doanh nghiệp.

Mới đây nhất, trong phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi gặp mặt với các doanh nghiệp tham gia diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN, Thủ tướng đã nhấn mạnh, Đảng và Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để mọi người dân kinh doanh, làm ăn, cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam hội nhập thành công.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội thì còn nhiều thách thức, cụ thể là sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu, trong khi đó mục tiêu của 5 năm tới là phải phát triển nhanh hơn và bền vững hơn.

Thủ tướng đã đưa ra Thông điệp “Doanh nghiệp phải là người đi đầu trong hội nhập thông qua việc tăng cường quản trị hiệu quả, đổi mới công nghệ để hạ giá thành, còn nhà nước chỉ có thể mở thêm thị trường, hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”.

Với nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) vừa ký kết, Thứ trưởng đánh giá ra sao về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ và nhà nước cần có những chính sách gì để thúc đẩy sự hội nhập thành công?

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa: Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã đi đúng chiến lược và mục tiêu đặt ra. Thời gian qua, Việt Nam đã ký nhiều Hiệp định Thương mại tự do, quá trình hội nhập đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, đáp ứng mong mỏi của hàng hóa trong nước và hàng hóa quốc tế.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng hoàn thiện hơn các cơ chế chính sách để doanh nghiệp có thể tận dụng tốt hơn những cơ hội từ hội nhập.

Có thể thấy, thời gian qua, doanh nghiệp đã cố gắng nỗ lực rất nhiều. Hàng hóa Việt Nam đã được người tiêu dùng ưa chuộng. Chất lượng và giá cả cạnh tranh hơn nhiều. Tôi lấy ví dụ như hàng dệt may, da giày, túi xách hiện đang đứng thứ 4 thế giới, còn hàng nông sản, thực phẩm cũng có chỗ đứng vững chắc trên nhiều hệ thống phân phối nước ngoài.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc hội nhập ngày càng sâu, các FTA thế hệ mới cũng đòi hòi cao hơn nhiều do vậy doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh để đáp ứng các nhu cầu của người tiêu dùng.

Và để nâng cao năng lực cạnh tranh, đòi hỏi nhiều yếu tố. trong đó yếu tố về nhân lực, quản lý, công nghệ, yếu tố về xây dựng thương hiệu hiệu, hình ảnh... doanh nghiệp phải cố gắng hơn.

Về phía nhà nước, theo tôi cần hoàn thiện hơn nữa cơ chế chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh hơn nữa trong cạnh tranh bình đẳng. Các hỗ trợ cho các doanh nghiệp thời gian tới không phải bằng tiền mà cần phải có thị trường minh bạch hơn nữa, hỗ trợ doanh nghiệp bằng cơ chế.

Để làm được việc này, Chính phủ cũng thông qua đề án đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài, hướng đến năm 2020, hàng Việt được hiện diện trong các kênh phân phối của châu Âu và các nước châu Á.

Có ý kiến cho rằng, tại thị trường nội địa chúng ta đang thiếu các quy chuẩn đối với hàng hoá nội, dẫn đến thiệt thòi cho người tiêu dùng và khó cạnh tranh với hàng ngoại ngay trên sân nhà, thứ trưởng đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Về cơ bản, Việt Nam đã có đầy đủ các quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa và tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Đơn cử, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Đo lường; Luật An toàn Thực phẩm; Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Nghị định của Chính phủ về nhãn hàng hóa và Nghị định số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn,….

Trên cơ sở các văn bản trên, các Bộ, ngành đã ban hành nhất chính sách để chất lượng hàng hóa trong nước để hỗ trợ hàng hóa được sản xuất trong nước cũng như hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam phải đảm bảo chất lượng theo quy định qua đó khuyến khích tổ chức, cá nhân xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn tiên tiến cho sản phẩm, hàng hóa và công tác quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cũng đã xây dựng chương trình quốc gia nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Từ đó làm cơ sở để đầu tư, phát triển hệ thống thử nghiệm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh và quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Để đảm bảo hàng hóa được sản xuất cũng như hàng hóa nhập khẩu tuân thủ những quy định của pháp luật về chất lượng hàng hóa, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường các địa phương tăng cường công tác chống buôn lậu, kiểm tra kiểm soát thị trường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2015 và đây là cơ sở để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng hóa.

Có thể thấy, tình trạng hàng giả, hàng nhái đang diễn biến phức tạp, nhất là tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Vậy lãnh đạo Bộ Công Thương đã có giải pháp gì thưa thứ trưởng?

Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa: Theo báo cáo nhanh, tính đến thời điểm này, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý trên 100.740 vụ vi phạm (tăng 7.462 vụ, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2014), thu nộp ngân sách gần 420 tỷ đồng (tăng 23,7 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2014).

Bên cạnh việc kiểm soát thị trường, để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa, từ năm 2014, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2014.

Thực hiện đề án này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam” trên các kênh truyền thông cũng như Chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc năm 2016 và Tổ chức các hội nghị kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối, trong đó chú trọng tổ chức các hội nghị cấp vùng.

Trong năm 2015, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ ban ngành, địa phương có liên quan để xây dựng và trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020, trong đó có giải pháp phát triển thương mại hàng hóa sản xuất trong nước, hàng đặc sản miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh - quốc phòng miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á, tại các quốc gia ký Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với những giải pháp trên sẽ là động lực giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Xin cảm ơn thứ trưởng.

Xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ đạt 28,5 tỷ USD
() Năm 2014, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 28,5 tỷ USD, tăng 19,6% so năm 2013.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư