Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Võ Thành Thống: Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 sẽ là cầu nối giữa các nhà đầu tư trong nước và quốc tế
Hà Nguyễn - Hồ Hạ - 23/07/2019 10:26
 
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao Ban tổ chức Diễn đàn M&A 2019 đã chọn chủ đề của Diễn đàn thường niên M&A Việt Nam năm nay là “Thay đổi để bứt phá” và tin tưởng rằng Diễn đàn sẽ là cầu nối giữa các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”.

Đó là nhận đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống tại chương trình Họp báo Diễn đàn Mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam lần thứ 11 - năm 2019  với chủ đề “Thay đổi để bứt phá” do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM Việt Nam tổ chức, sáng 23/7.

Thị trường M&A Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới

Phát biểu tại chương trình Họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống Thay mặt Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, Diễn đàn M&A Việt Nam do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM Việt Nam tổ chức ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là diễn đàn thường niên về M&A được đánh giá là có uy tín hàng đầu tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho rằng, Diễn đàn M&A sẽ là cầu nối giữa các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho rằng, Diễn đàn M&A sẽ là cầu nối giữa các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ảnh: Hồ Hạ.

“Trong 10 năm qua, Diễn đàn không chỉ đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và kết nối đầu tư giữa các đối tác trong nước và nước ngoài, mà còn đưa ra kiến nghị hữu ích cho các cơ quan quản lý Nhà nước nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách về M&A”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống nói.

Theo Thứ trưởng Võ Thành Thống, sau một thập niên tăng trưởng mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch và tổng giá trị thương vụ đạt gần 50 tỷ USD, thị trường M&A Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội mới.

Cơ hội mới này đến trước tiên từ các yếu tố tích cực của nền kinh tế trong năm 2019, như kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, cũng như cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng GDP ước đạt 6,76%. Con số này tuy thấp hơn tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm trước, nhưng cao hơn mức tăng trưởng của 6 tháng các năm từ 2011-2017. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều yếu tố bất định, tăng trưởng GDP của nhiều nền kinh tế có dấu hiệu giảm tốc, thì đây vẫn là một mức tăng trưởng khá. Việt Nam vẫn thuộc top đầu các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2019.

Không chỉ là tăng trưởng GDP, nền kinh tế Việt Nam đã duy trì và tiếp nối được đà tăng trưởng và phát triển tích cực của năm 2018, đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Kinh tế vĩ mô duy trì được sự ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, thu hút đầu tư nước ngoài tích cực, số lượng doanh nghiệp mới được thành lập tiếp tục gia tăng, tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước…

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam vẫn đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Năm nay là năm đầu tiên, Nghị quyết số 02 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 được ban hành đồng thời với Nghị quyết số 01/NQ-CP về các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô. Đây là một nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa then chốt tác động đến hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, cũng như góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư theo hình thức M&A.

Bên cạnh đó, việc Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 và Hiệp định FTA, IPA Việt Nam - EU (EVFTA) vừa được ký kết cũng đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư nước ngoài.

Cùng với các hiệp định này, việc Việt Nam đã và sẽ tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do với Hàn Quốc, với Liên minh thuế quan Á - Âu, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và NewZealand... cũng sẽ tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu và thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, thúc đẩy hoạt động M&A tăng trưởng đột phá.

Sẽ ban hành một nghị quyết riêng về thu hút đầu tư nước ngoài

Để thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong đó có đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, kiên quyết cổ phần hóa, bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả.

+ Ảnh Thứ trưởng và box: “Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều yếu tố bất định, tăng trưởng GDP của nhiều nền kinh tế có dấu hiệu giảm tốc, thì đây vẫn là một mức tăng trưởng khá. Việt Nam vẫn thuộc top đầu các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2019”. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống thông tin, Bộ Chính trị sẽ lần đầu tiên ban hành một nghị quyết riêng về thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới.

Bên cạnh đó, xác định khu vực tư nhân là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân tham gia vào quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thông qua việc góp vốn, mua cổ phần; cũng như thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân...

Để tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân cả trong và ngoài nước phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì xây dựng, dự kiến trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP)…

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030”, thường được gọi tắt là Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài thế hệ mới.

Căn cứ trên đề án này, Bộ Chính trị sẽ lần đầu tiên ban hành một nghị quyết riêng về thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới.

Ngoài việc đưa ra các định hướng chiến lược mới trong thu hút đầu tư nước ngoài, theo hướng ưu tiên thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chuyển từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ sử dụng làm thước đo chủ yếu, quan trọng nhất đi cùng với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…, thì chủ trương của Chính phủ Việt Nam là tới đây, sẽ áp dụng các hình thức đầu tư mới, đầu tư xuyên biên giới không góp vốn (NEM), mở rộng phương thức mua bán và sáp nhập (M&A).

Tất cả những yếu tố trên đang mở ra những cơ hội rộng mở để thị trường M&A Việt Nam có bước đột phá.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho hay, tại Diễn đàn M&A lần thứ 10 năm 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, trên thế giới, M&A là hoạt động bình thường và diễn ra bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào; nhưng với nền kinh tế Việt Nam, là hoạt động vô cùng quan trọng, mở ra cơ hội thu hút vốn FDI, FII, tạo điều kiện cho hoạt động doanh nghiệp và góp phần vào quá trình tái cơ cấu của nền kinh tế, của doanh nghiệp Việt Nam.

Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực, như: vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng... Đây sẽ là cơ hội lớn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao Ban tổ chức Diễn đàn M&A 2019 đã chọn chủ đề của Diễn đàn thường niên M&A Việt Nam năm nay là “Thay đổi để bứt phá” và tin tưởng rằng Diễn đàn năm nay sẽ tập trung đánh giá, phân tích và tìm ra các giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động M&A, đảm bảo cho thị trường M&A phát triển thuận lợi, mặt khác hạn chế được những tác động tiêu cực, bất lợi từ các thương vụ M&A. Diễn đàn cũng sẽ là cầu nối giữa các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo điều kiện thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống nhận định.

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 11 – năm 2019:

 - Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 11 – năm 2019 do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba, ngày 6/8/2019.

- Với chủ đề “Thay đổi để bứt phá/Going for breakthrough”, Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 sẽ bàn thảo các cơ hội M&A trong kỷ nguyên mới, những thay đổi cần có để thị trường M&A Việt Nam thực sự bứt phá, đem lại lợi ích cho các thành viên tham gia.

- Diễn đàn có các hoạt động chính: Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế; Vinh danh Thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2018 – 2019; Tiệc tối kết nối đầu tư; Phát hành Đặc san Toàn cảnh thị trường M&A 2019 (tiếng Việt – Anh); Khoá đào tạo quốc tế Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá.

Mua bán sáp nhập (M&A) ngân hàng: Nhiều thương vụ bạc tỷ đang âm thầm đàm phán
Hàng chục ngàn tỷ đồng dự kiến sẽ được nhà đầu tư nước ngoài rót vào các ngân hàng Việt trong giai đoạn 2019-2020. Việc đàm phán nhiều...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư