Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 11 tháng 02 năm 2025,
Thủ tục đầu tư luồng xanh đã có nghị định hướng dẫn chi tiết
Khánh Linh - 11/02/2025 17:49
 
Nghị định 19/2025/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Đầu tư về thủ tục đầu tư đặc biệt đã được Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, ký ban hành ngày 10/2/2025 và có hiệu lực kể từ ngày này.
Nhà đầu tư chọn thủ tục luồng xanh sẽ nộp 1 bộ hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Cơ quan này sẽ xem xét, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Thủ tục luồng xanh gồm hồ sơ và cam kết của nhà đầu tư

Theo đó, lĩnh vực áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 36a của Luật Đầu tư. Riêng dự án đầu tư tại khu công nghệ cao phải đáp ứng các nguyên tắc, tiêu chí đối với dự án thực hiện hoạt động công nghệ cao theo Luật Công nghệ cao và quy định của Chính phủ về khu công nghệ cao. 

Để thực hiện đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo “luồng xanh”, ngoài hồ hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư phải có văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư.

Đây là điểm khác so với các thủ tục đăng ký đầu tư bình thường. Nghị định 19/2025/NĐ-CP ghi rõ, cam kết phải có đủ các nội dung  sau.

Một là, các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy;

Hai là, đánh giá sơ bộ sự phù hợp của dự án với điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định tại điểm a khoản này;

Ba là, cam kết về việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định tại điểm a khoản này, không thực hiện các hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và chịu hoàn toàn trách nhiệm trong trường hợp không thực hiện đúng nội dung cam kết.

Theo Nghị định 19 vừa được ký ban hành, nhà đầu tư nộp 1 bộ hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Cơ quan này sẽ xem xét, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư kèm theo cam kết của nhà đầu tư được gửi đồng thời cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về quản lý trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy tại địa phương.

Liên quan đến nội dung đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch quy định tại điểm b khoản 3 Điều 36a của Luật Đầu tư mà nhiều doanh nghiệp, ban quản lý quan tâm, Nghị định 19 hướng dẫn cụ thể là đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch phân khu khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và khu thương mại tự do.

Trường hợp dự án được đề xuất tại khu vực không phải lập quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch phân khu phải điều chỉnh và chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch chung thành phố; thị xã; thị trấn; đô thị mới; huyện hoặc xã được phê duyệt trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này;

Với trường hợp dự án được đề xuất thực hiện tại khu chức năng trong khu kinh tế thì đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch chung khu kinh tế hoặc quy hoạch chung thành phố, thị xã được phê duyệt trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này;

Đối với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại tự do và khu chức năng trong khu kinh tế có quy hoạch phân khu có hiệu lực theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn thì đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch phân khu.

Đối với dự án có đề nghị Nhà nước cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì đánh giá khả năng đáp ứng điều kiện cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; sự phù hợp của nhu cầu sử dụng đất với mục tiêu, quy mô, vốn đầu tư, địa điểm, tiến độ thực hiện dự án.

Nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thực hiện theo quy định tại Điều 40 của Luật Đầu tư, trong đó bao gồm nội dung cam kết của nhà đầu tư.

Về thủ tục bảo đảm thực hiện dự án đầu tư, Nghị định 19 hướng dẫn, nhà đầu tư thực hiện ký quỹ hoặc nộp cam kết bảo lãnh của tổ chức tín dụng về nghĩa vụ ký quỹ sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và trước khi tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (đối với trường hợp nhà đầu tư không tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) hoặc trước thời điểm ban hành quyết định cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất (đối với trường hợp nhà đầu tư đã tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) hoặc trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (đối với trường hợp khu đất thực hiện dự án đã được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thu hồi đất).

Nghị định cũng quy định việc hoàn trả nghĩa vụ bảo đảm thực hiện dự án được thực hiện.

Với các dự án này, hồ sơ điều chỉnh dự án đầu tư cũng được đơn giản, nhưng với điều kiện đảm bảo mục tiêu của dự án đầu tư sau khi điều chỉnh phải thuộc lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 36a của Luật Đầu tư. Nếu không, sẽ phải thực hiện theo quy định tương ứng của Luật Đầu tư và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, trong đó hồ sơ điều chỉnh bao gồm cam kết đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy. 

Trách nhiệm của nhà đầu tư

Nghị định 19/2025/NĐ-CP quy định nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện dự án theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, các cam kết về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy và chịu trách nhiệm về việc không thực hiện đúng cam kết của mình.

Trường hợp dự án không đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã cam kết thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét xử phạt vi phạm hành chính, ngừng, chấm dứt hoạt động hoặc thực hiện các hình thức xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Dự án đầu tư thuộc đối tượng thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường khi đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 36a của Luật Đầu tư thì nhà đầu tư không phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Trường hợp dự án thuộc đối tượng phải cấp Giấy phép môi trường, nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp Giấy phép môi trường trước khi khởi công xây dựng tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường tương ứng với trường hợp dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép môi trường thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường áp dụng tương ứng đối với dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.

Đối với dự án thuộc trường hợp phải đăng ký môi trường, nhà đầu tư thực hiện đăng ký môi trường theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường.

Với các dự án chuyển tiếp, Nghị định 19 quy định rõ, nếu hồ sơ hợp lệ của các dự án đầu tư trong các lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 36a Luật Đầu tư đã được Ban Quản lý tiếp nhận trước ngày 15/1/2025 nhưng chưa trả kết quả thì được thực hiện như sau có thể tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.

Trong trường hợp nhà đầu tư đề xuất lựa chọn áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt, nhà đầu tư nộp bổ sung các cam kết theo quy định tại Nghị định 19.

Dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, quy hoạch chi tiết, cấp Giấy phép xây dựng và các văn bản phê duyệt, chấp thuận, cho phép trong lĩnh vực xây dựng, phòng cháy, chữa cháy trước ngày Luật số 57 có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo các văn bản hoặc Giấy phép đã cấp.

Thủ tục đầu tư đặc biệt: “Luồng xanh” phải thật “xanh”
Vẫn chưa hết lấn cấn trong tư duy khi thực hiện cơ chế hậu kiểm, thay vì tiền kiểm trong thủ tục đầu tư đặc biệt.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư