Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 05 tháng 09 năm 2024,
Thủ tướng Chính phủ: Bảo đảm "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp"
Hưng Anh - 04/09/2024 20:14
 
Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2024-2025, trong đó nhấn mạnh “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp”.

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Hôm nay 4/9, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 31/CT-TTg về việc tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024 - 2025.

Trong đó, nhấn mạnh phương châm: "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm; Thầy cô giáo là động lực; Nhà trường làm bệ đỡ; Gia đình là điểm tựa; Xã hội là nền tảng".

Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024 - 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách trình các cấp thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền để tạo hành lang pháp lý cho việc nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, đào tạo, nhất là chất lượng giáo viên ở tất cả các cơ sở giáo dục, đào tạo, cả công lập và ngoài công lập.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngành giáo dục "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm; Thầy cô giáo là động lực; Nhà trường làm bệ đỡ; Gia đình là điểm tựa; Xã hội là nền tảng".

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, giáo dục khuyết tật; điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học; thu gọn các điểm trường lẻ, bảo đảm nguyên tắc thuận lợi nhất cho trẻ em, học sinh và người dân; phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương.

Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về lựa chọn, cung ứng, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương theo đúng quy định, bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời số lượng sách giáo khoa cho năm học mới 2024 - 2025; có phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh diện chính sách, diện hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng yếu thế, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tăng cường đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo theo Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng các điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, giảm áp lực, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh.

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT phải rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm gắn với nâng cao chất lượng; đẩy mạnh tự chủ đại học, nhất là tự chủ về tài chính; thực hiện tự chủ theo hướng thực chất gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch; chuẩn bị tốt cho công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2025; tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đại học; đẩy mạnh mô hình đào tạo không vì lợi nhuận bậc đại học; tăng cường phát triển các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Triển khai hiệu quả các đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nguồn nhân lực về vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây.

Bộ cần Chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên, nhất là phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong học sinh, sinh viên, bảo đảm an ninh, an toàn trường học.

Tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ và các địa phương rà soát số lượng biên chế giáo viên để đề xuất Trung ương bổ sung biên chế ngành Giáo dục, nhất là giáo viên mầm non năm học 2024 - 2025 theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18.7.2022 của Bộ Chính trị; chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong việc tuyển dụng biên chế giáo viên được cấp có thẩm quyền giao và có giải pháp phù hợp, hiệu quả khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tăng cường chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ GD&ĐT kiểm tra, đôn đốc địa phương thực hiện tuyển dụng giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp" nhưng phải phù hợp thực tiễn địa phương và hiệu quả trong việc bố trí. 

Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn ngân sách Trung ương chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo, nhất là kinh phí hỗ trợ các địa phương thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025, bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học, tăng cường cơ sở vật chất

Đối với các Uỷ ban, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục rà soát, tổ chức, sắp xếp cơ sở giáo dục, điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học.

Thu gọn các điểm trường lẻ, bảo đảm nguyên tắc thuận lợi nhất cho trẻ em, học sinh và người dân; phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương, bảo đảm thuận lợi, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em, học sinh học 2 buổi/ngày; dành quỹ đất xây dựng các cơ sở giáo dục khi quy hoạch khu đô thị mới.

Chú trọng phát triển các cơ sở giáo dục mầm non công lập và ngoài công lập ở khu vực đông dân cư, khu công nghiệp; tăng số trường bán trú và nội trú, tạo thuận lợi hơn cho học sinh và phụ huynh học sinh nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục thường xuyên, tạo sự chuyển biến rõ nét về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, phổ thông. Rà soát, sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục trên địa bàn để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong Chỉ thị phải bảo đảm "có học sinh phải có giáo viên đứng lớp".

Thực hiện tuyển dụng giáo viên theo số biên chế được cấp có thẩm quyền giao, trường hợp chưa tuyển đủ giáo viên thì bố trí nguồn lực để hợp đồng theo Nghị đinh số 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ; nghiên cứu cơ chế, chính sách để thủ hút giáo viên đến công tác và gắn bó lâu dài tại địa phương. 

Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục mầm non và Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phân bổ nguồn lực, thực hiện hiệu quả các tiểu dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến giáo dục, đào tạo; bảo đảm định mức kinh phí chi thường xuyên theo quy định để các cơ sở giáo dục thực hiện hoạt động dạy và học.

Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư.

Tăng cường trách nhiệm quản lí nhà nước về lựa chọn, cung ứng, sử dụng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục của địa phương theo đúng quy định, bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời số lượng sách giáo khoa cho năm học mới 2024 - 2025.

Xây dựng phương án hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh diện chính sách, diện hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng yếu thế, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục việc thực hiện về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu đầu năm học bảo đảm đúng quy định.

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và các cơ quan chức năng tại địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả thiên tai, dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm; tăng cường bảo đảm an toàn trường học; bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt và học tập cho trẻ em, học sinh nội trú, bán trú.

Tăng cường triển khai hiệu quả, mạnh mẽ hơn nữa chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trên địa bàn; chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra các nội dung quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo trong phạm vi thẩm quyền, trách nhiệm, bảo đảm yêu cầu, hiệu lực, hiệu quả.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư