Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thủ tướng đồng ý xây cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận 17.150 tỷ đồng
Anh Minh - 17/10/2014 12:25
 
Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đồng ý về nguyên tắc của việc đầu tư đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức BOT.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Bế tắc PPP cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết
Hơn 32.000 tỷ xây cao tốc lên Đà Lạt
VEC thu xếp 125.000 tỷ cho 5 tuyến cao tốc
Phương án mới đầu tư cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Sẽ chào hàng 5 siêu dự án PPP giao thông

Cụ thể, tại công văn số 2035/TTg - KTN, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc việc đầu tư Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức hợp đồng BOT và phương án Nhà nước hỗ trợ đầu tư bằng quyền thu phí đường cao tốc Tp.HCM - Trung Lương.

   
  Sẽ sớm xây dựng đường cao tốc nối từ Trung Lương tới Mỹ Thuận theo hình thức BOT  

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải tính toán phân kỳ đầu tư, bảo đảm đáp ứng nhu cầu giao thông và khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư; đồng thời tiếp tục làm việc với nhà tài trợ để thu xếp nguồn vốn đầu tư, bao gồm cả đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 10720/BGTVT - ĐTCT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp nhận chủ trương phân kỳ đầu tư Dự án, trước mắt triển khai giai đoạn 1A, đầu tư đoạn Trung Lương - Mỹ thuận theo quy mô mặt cắt ngang gồm 2 làn xe rộng 3, 5m (2x3,5m) + 2 làn xe phụ rộng 2,75m (2x2,75m) và thực hiện đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.

Theo tính toán, tổng mức đầu tư giai đoạn 1A khoảng 17.150 tỷ đồng, trong đó GPMB thực hiện theo quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, kinh phí khoảng 2.435 tỷ đồng.

Nếu đầu tư theo hình thức BOT thông thường (chỉ thu phí đoạn tuyến thuộc Dự án) thì để đảm bảo khả thi cần có sự hỗ trợ của Nhà nước với kinh phí khoảng 8.110 tỷ đồng (trong 4 năm thi công). Trong tình hình ngân sách khó khăn như hiện nay, phương án hỗ trợ để đảm bảo tính khả thi Dự án từ ngân sách là không thể thu xếp được.

Chính vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đề nghị tổ chức thu phí trên đoạn tuyến thuộc Dự án với thời gian theo tính toán khoảng 20 năm, đồng thời giao cho nhà đầu tư quyền thu phí đoạn cao tốc Tp.HCM - Trung Lương trong khoảng 15 năm 4 tháng (bắt đầu từ năm 2019) để hoàn vốn.

Bộ này cũng đề xuất phương án làm việc với JICA, ADB để thu xếp vốn ODA nhằm sớm thực hiện giai đoạn 1B - mở rộng thành đường cao tốc 4 làn xe.

Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa, tiếp nối với đường cao tốc Tp.HCM - Trung Lương; điểm cuối tại phía Bắc cầu Mỹ Thuận, kết nối với đường dẫn lên cầu Mỹ Thuận hiện hữu. Tuyến nằm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang với tổng chiều dài 60,3 km, gồm 54,3 km tuyến cao tốc và 6 km tuyến nối với Quốc lộ 1.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư