Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam xuất hiện dấu hiệu tăng trưởng chậm lại
Hồng Sơn - Lê Toàn - 06/05/2019 22:40
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tổ chức ngày 6/5 tại Đồng Nai.

.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cùng tham dự Hội nghị.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố là: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An và Tiền Giang.

Năm 2018, tổng GRDP của toàn vùng đạt khoảng 2,517 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 45,42% GDP của cả nước và chiếm 50,9% GRDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm. Quy mô GRDP của 4 tỉnh, thành phố là: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu chiếm 87,64% GRDP của vùng, trong đó riêng TP.HCM đóng góp khoảng 49,5% GRDP vùng và gần 23% giá trị GDP của cả nước.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm thời kỳ 2016-2018 của vùng đạt khoảng 6,72%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 5.474 USD/người (năm 2018), gấp 2,12 lần so với bình quân của cả nước…

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò và vị thế quan trọng của Vùng KTTĐ phía Nam đối với nền kinh tế, xã hội của cả nước.

Đây là vùng phát triển năng động nhất của cả nước. Những con số như đóng góp như GDP, thu ngân sách, giải quyết công ăn việc làm, thu nhập bình quân đầu người… cho thấy vị trí quan trọng của vùng kinh tế động lực của cả nước.

Thủ tướng cho rằng, sự năng động của Vùng KTTĐ phía Nam còn thể hiện ở đội ngũ cán bộ giàu sáng tạo, năng động, nhiệt tình. Đây cũng là nơi khởi nguồn cho những đột phá trong phát triển, trong thực hiện chính quyền điện tử, xây dựng trung tâm hành chính công…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, Vùng KTTĐ phía Nam đã xuất hiện những vấn đề rất đáng quan tâm. Đó là, dấu hiệu tăng trưởng chậm lại; cơ chế chính sách phát triển vùng chưa hoàn thiện, chưa có tính đột phá, thậm chí còn nhiều khó khăn; liên kết giữa các địa phương, liên kết vùng vẫn còn manh mún, mạnh ai nấy làm…

Các chỉ số PAPI, PCI của các địa phương trong vùng chưa cao, mặc dù đây là vùng kinh tế động lực của cả nước. Cơ chế tổ chức điều hành vùng vẫn còn nhiều bất cập, chưa khoa học hợp lý…

Trong phương hướng phát triển thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ phía Nam tiếp tục giữ vai trò là đầu tàu dẫn dắt, phát triển mạnh và bền vững; tiếp tục đổi mới sáng tạo, cần có tầm nhìn xa hơn, tận dụng cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thủ tướng cho rằng, cần có cơ chế chính sách đặc thù để tạo bước phát triển mạnh mẽ cho toàn vùng; phối hợp tốt hơn nữa hoạt động điều phối vùng giữa các bộ, ngành và địa phương. Cùng với đó, cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; chú ý đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, nâng cao giá trị gia tăng…

Trao đổi tại hội nghị, TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, 5 năm trở lại đây vùng KTTĐ phía Nam đang phát triển chậm lại do vướng mắc nhiều vấn đề. Vùng chưa có thể chế phát triển theo pháp lý, phải có phân cấp quyền . Lập tổ tư vấn phát triển vùng là cần thiết. Cần có lực lượng kết nối vùng của doanh nghiệp.  

Đề xuất các giải pháp để phát triển vùng KTTĐ phía Nam, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. HCM kiến nghị Bộ GTVT quan tâm đầu tư các tuyến giao thông như mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 1K, kéo dài tuyến đường sắt đô thị đến TP. Biên Hòa (Đồng Nai), đường vành đai 3, đường cao tốc TP HCM – Chơn Thành…

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái đưa ra kiến nghị Chính phủ cần ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng liên kết vùng đặc biệt là các tuyến cao tốc, hệ thống đường vành đai TP. HCM, hệ thống cảng – logictics, tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho các địa phương…

Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC nêu băn khoăn về việc những định hướng lớn, quy hoạch đã rất  rõ nét, những cơ hội và thách thức đã tỏ tường, nhưng tại sao nhiều dự án của Vùng vẫn chưa thể triển khai hiệu quả? Tại sao những điểm cốt lõi và vô cùng bức thiết như cảng biển, sân bay, tuyến đường kết nối… vẫn chưa thể tiến hành nhanh chóng?

Đại diện Becamex IDC đề xuất cơ chế phát huy nguồn lực doanh nghiệp để xây dựng hạ tầng cho Vùng KTTĐ phía Nam, trong đó tiên quyết là hệ thống giao thông logistics gắn với phát triển công nghiệp - đô thị.

Theo ông Hùng, đây là một phương thức được nhiều nước áp dụng rất hiệu quả khi triển khai các dự án hạ tầng lớn: Chính quyền huy động và phân phối cho từng tập đoàn lo tài chính, lo xây dựng, lo vận hành, lo giao thông…

“Nếu Chính phủ chủ trương kêu gọi nguồn lực doanh nghiệp đầu tư vào sân bay quốc tế Long Thành thì chắc chắn sẽ tạo được sức hút lớn, thúc đẩy dự án nhanh chóng và hiệu quả”, ông Hùng bày tỏ.

TP.HCM đang xây dựng đội ngũ cán bộ có “tâm” và có “tầm”
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết: “Việc thông qua các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù; việc triển...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư