Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 16 tháng 04 năm 2024,
Thủ tướng phát lệnh thông xe cầu Cổ Chiên
Hồng Sơn - Phú Khởi - 16/05/2015 15:42
 
Sáng nay, 16/5, tại tỉnh Bến Tre, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức cắt băng thông xe cầu Cổ Chiên (Quốc lộ 60 thuộc 2 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh). Dự án cầu Cổ Chiên có 2 dự án thành phần với tổng mức đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, thời gian thi công cầu là 21 tháng.

Phát biểu tại lễ thông xe, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã biểu dương các địa phương, nhà đầu tư, đơn vị thi công…đã khắc phục những khó khăn cả chủ quan và khách quan, đẩy nhanh tiến độ thi công, để kịp đưa cầu Cổ Chiên hoàn thành, đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ảnh: Hồng Sơn
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cắt băng thông xe cầu Cổ Chiên. Ảnh: Hồng Sơn

 

“Đầu tư xây dựng hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là yếu tố mang tính đột phá để phát triển kinh tế, xã hội”, Thủ tướng nói và đánh giá việc thông xe cầu Cổ Chiên là điều kiện rất quan trọng để 2 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và cả vùng duyên hải phía đông Đồng bằng sông Cửu Long phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân.

Những năm gần đây, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có 2 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh có tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 9%/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, theo Thủ tướng kết quả này chưa tương xứng với tiềm năng của 2 địa phương này. Có nhiều việc chưa làm được, trong đó việc thu hút nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước còn hạn chế, chưa có nhiều dự án công nghiệp quy mô lớn, có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao…

Thủ tướng đề nghị các địa phương cần làm tốt hơn và phải có những giải pháp cụ thể trong việc huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội; đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao; đẩy mạnh việc đầu tư, xây dựng các hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ…

Trên tuyến Quốc lộ 60 hiện còn cầu Đại Ngãi chưa được xây dựng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và tỉnh Sóc Trăng cần bàn bạc, thống nhất để có thể sớm khởi công. Cùng với đó, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để rà soát quy hoạch, tập trung các nguồn lực để đầu tư các công trình trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ các công trình quan trọng, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế, xã hội.

Ông Nguyễn Trung Khánh, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) cho biết, cầu Cổ Chiên (vượt sông Cổ Chiên) trên Quốc lộ 60, cách bến phà hiện hữu khoảng 3,6 km về phía hạ lưu, thuộc địa phận huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre và huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Dự án bao gồm, Dự án thành phần 1 (cầu Cổ Chiên) được xây dựng vĩnh cửu bằng BTCT và BTCT dự ứng lực có tổng chiều dài 1.599m, đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT, tổng mức đầu tư 2.308 tỷ đồng (vốn BOT là 1.244 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước là 1.044 tỷ đồng). Dự án thành phần 2 (đường dẫn vào cầu) có quy mô cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, tổng mức đầu tư khoảng 997 tỷ đồng.

Dự án thành phần 1 được khởi công ngày 2/8/2013, thời gian thi công dự kiến là 24 tháng. Đến nay, việc thi công cầu Cổ Chiên hoàn thành vượt kế hoạch 3 tháng. Dự án thành phần 2 cũng được hoàn thành thông xe đồng bộ với Dự án thành phần 1.

Ban quản lý dự án 7 là đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với phần vốn BOT và đại diện chủ đầu tư phần vốn ngân sách Nhà nước. Nhà đầu tư Dự án thành phần 1 là liên danh Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc và Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 – công ty cổ phần. Đây cũng là 2 nhà thầu thi công Dự án thành phần 1 và tham gia thi công cùng một số nhà thầu khác trong Dự án thành phần 2.

Cầu Cổ Chiên là một trong bốn cầu lớn trên Quốc lộ 60 (gồm cầu Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên, Đại Ngãi), là một trong những điểm kết nối quan trọng giữa Quốc lộ 60 với các tuyến quốc lộ thuộc hành lang duyên hải phía đông Đồng bằng sông Cửu Long (bao gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng). Quốc lộ 60 dài gần 127 km, là quốc lộ nằm trong chiến lược phát triển một hành lang giao thông các tỉnh ven biển miền Tây Nam Bộ, nằm trong Quy hoạch phát triển giao thông đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25/2/2013.

Việc thông xe cầu Cổ Chiên không những có tác động tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của 2 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà còn có ý nghĩa quan trọng trong hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư