Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thừa Thiên Huế đồng hành cùng doanh nghiệp để phát huy lợi thế
Ngọc Tân - 27/08/2018 21:35
 
Thừa Thiên Huế vừa chính thức công bố những chính sách hỗ trợ mới dành cho doanh nghiệp và nhà đầu tư, cho thấy những nỗ lực, quyết tâm rất lớn của chính quyền tỉnh trong đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
TIN LIÊN QUAN

Kêu gọi sự chung tay của doanh nghiệp

Ông Phan Ngọc Thọ, tân Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế mới đây chia sẻ, Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế khác biệt để phát triển kinh tế, nhưng do nhiều nguyên nhân, nên những lợi thế này vẫn chưa được khai thác, phát huy để tạo nên lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy đầu tư, phát triển kinh tế.

.
.

“Để thay đổi một cách căn bản vấn đề và phát huy được lợi thế của địa phương, cần có sự chung sức, phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư”, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết sẽ tạo ra những đột phá trong tư duy quản lý và phát triển trên địa bàn tỉnh; tạo mọi điều kiện thông thoáng, minh bạch, tập trung nguồn lực xây dựng cơ bản hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; hỗ trợ tối đa thủ tục hành chính để các nhà đầu tư và doanh nghiệp có thể đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, vừa tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, vừa góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển.

“Tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn nhận được sự chung tay đóng góp về cả tư duy, tinh thần và vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư vào các chính sách, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, giúp các chính sách, định hướng phát triển của tỉnh được ban hành có tính hiệu quả, khả thi, đồng thuận cao”, ông Phan Ngọc Thọ nói.

Hiện thực hóa cam kết

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp, Thừa Thiên Huế chọn “Năm Doanh nghiệp” làm chủ đề của năm. Với chủ đề này, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang tiếp tục thực hiện cam kết bằng những hành động cụ thể. Trong đó, tỉnh quyết liệt chỉ đạo, tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là trong các lĩnh vực: thuế, hải quan, đất đai, xây dựng và đăng ký kinh doanh.

Tỉnh Thừa Thiên Huế mong muốn nhận được sự chung tay đóng góp về cả tư duy, tinh thần và vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

Tỉnh cũng tập trung rà soát, bổ sung, thực hiện cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ nhà đầu tư và doanh nghiệp; hoàn thiện hạ tầng đến các vùng trọng điểm kêu gọi đầu tư như các khu công nghiệp, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, vùng ven biển đầm phá, TP. Huế, Khu du lịch sinh thái Bạch Mã...

Cũng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, điểm đáng chú ý trong năm nay là Thừa Thiên Huế sẽ đưa vào triển khai Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của các sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) trên địa bàn tỉnh. Bộ chỉ số DDCI được xây dựng trên cơ sở ý kiến đánh giá, phản hồi của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh về chất lượng điều hành của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện.

Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cuộc khảo sát sẽ được tổ chức định kỳ hàng năm và chính thức bắt đầu vào tháng 8/2018. Kết quả DDCI là cơ sở để UBND tỉnh đánh giá công tác thi đua, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các sở, ban, ngành, địa phương và được công bố vào ngày gặp mặt doanh nghiệp đầu năm của tỉnh.

Mới đây nhất, ngày 13/8, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã chủ trì buổi Đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn và tổ chức Họp báo Công bố những hỗ trợ của tỉnh dành cho doanh nghiệp.

Tại buổi họp báo, Chủ tịch Phan Ngọc Thọ đã công bố những chính sách, chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp mới được tỉnh ban hành trong năm 2018, gồm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xã hội hóa, bên cạnh những chính sách đã được ban hành trước đó như: hỗ trợ các công trình kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào; hỗ trợ giải phóng mặt bằng và rà phá bom, mìn, vật nổ; hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp...

“Mong rằng với những nỗ lực trên, Thừa Thiên Huế sẽ được doanh nghiệp ghi nhận và tham gia tích cực, từ đó chính quyền và doanh nghiệp có tiếng nói chung trong công cuộc phát triển, đưa tỉnh Thừa Thiên Huế lớn mạnh và phát triển xứng đáng với tiềm năng và vị trí của tỉnh”, ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư