Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 01 năm 2025,
Thúc đẩy chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi
Linh Nguyễn - 31/12/2024 15:43
 
Ngày 31/12, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thủy sản và Thú y Hà Nội tổ chức khảo sát, làm việc với một số cơ sở chăn nuôi và sản xuất con giống trên địa bàn huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây.

Chuyến công tác nhằm đánh giá hiện trạng chăn nuôi, đồng thời định hướng phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Đoàn công tác đã ghé thăm trang trại chăn nuôi bò thuộc Công ty Cổ phần Thương mại, Du lịch và Chuyển giao công nghệ nông, lâm nghiệp Minh Long (Công ty Minh Long) tại thôn Việt Long, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì. Theo bà Trần Thị Liên, Giám đốc công ty, trang trại hiện quản lý hơn 400 con bò giống và bò thịt. Quy trình chăn nuôi tại đây được vận hành khép kín, từ việc trồng cỏ, ngô làm thức ăn đến quản lý dịch bệnh và giám sát chất lượng.

Công ty Minh Long đặc biệt chú trọng đến việc chuyển đổi mô hình từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi an toàn, bền vững. Hằng năm, công ty thu mua từ 3.000 - 5.000 cuộn rơm làm thức ăn dự trữ cho mùa đông, đảm bảo nguồn cung ổn định cho đàn bò. Nhờ quy trình chặt chẽ, bò giống từ Công ty Minh Long hiện đã có mặt tại 63 tỉnh, thành trên cả nước, được khách hàng tín nhiệm.

Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội kiểm tra thực tế chuồng trại chăn nuôi gà của Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm.

Tại thôn La Gián, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, đoàn công tác đã làm việc với Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm thuộc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico). Đây là đơn vị tiên phong trong nghiên cứu, chọn tạo và phát triển giống gà Mía - giống gà đặc sản mang giá trị văn hóa và kinh tế cao.

Ông Nguyễn Duy Vụ, Giám đốc xí nghiệp cho biết, đơn vị hiện duy trì quy mô chăn nuôi khoảng 10 vạn con gà Mía sinh sản, cung cấp hơn 1 triệu con giống bố mẹ 1 ngày tuổi và 3 triệu con gà thương phẩm mỗi năm. Các sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu tại các vùng trọng điểm chăn nuôi của Hà Nội như Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ, Quốc Oai, và các địa phương lân cận.

Đáng chú ý, xí nghiệp đang thực hiện Dự án “Hoàn thiện quy trình nhân giống và phát triển giống gà Mía có gen sinh trưởng nhanh trên địa bàn Hà Nội” giai đoạn 2023 - 2026, do Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội giao. Dự án tập trung ứng dụng công nghệ cao như thụ tinh nhân tạo và chọn tạo dòng giống, mở ra triển vọng tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

“Trong tương lai, chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng tháp giống gà Mía với từng dòng chuyên biệt như dòng trống, dòng mái, và gà lai Lương Phượng. Quy mô sản xuất sẽ đạt khoảng 1,5 triệu con gà giống bố mẹ và 4,5 triệu con gà thương phẩm mỗi năm,” ông Vụ chia sẻ.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, cùng với sự vào cuộc của các khuyến nông viên, Thành phố đã quy hoạch vùng chuyên canh tập trung với các trang trại quy mô lớn, có 162 chăn nuôi trọng điểm, 60 xã nuôi gia cầm... Đến nay, đã có trên 6.300 trang trại quy mô lớn, chăn nuôi của thành phố hà Nội đang hướng đến chăn nuôi lớn an toàn sinh học, công nghệ cao gắn với sơ chế, chế biến nhằm cung cấp các sản phẩm an toàn cho người dân Thủ đô. 

Hà Nội cũng khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nhà máy sơ chế, chế biến, sản xuất công nghệ cao hướng hữu cơ thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững, Hà Nội định hướng giảm dần chăn nuôi trong khu dân cư, chuyển sang các vùng tập trung xa khu dân cư, phù hợp với quy hoạch kinh tế - xã hội từng địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Đại cho biết, thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, giảm chăn nuôi trong khu dân cư, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản tập trung, xa khu dân cư gắn với quy hoạch kinh tế - xã hội của từng địa phương. Mục tiêu không chỉ là đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn hướng tới trở thành trung tâm cung cấp con giống uy tín cho các tỉnh, thành trên cả nước.

Tháo gỡ khó khăn về chính sách đất đai cho phát triển nông nghiệp
Tại Hội nghị Đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024, nhiều kiến nghị, đề xuất thực chất đã được nêu ra xoay quanh việc tháo gỡ khó khăn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư