Thứ Năm, Ngày 24 tháng 07 năm 2025,
Thúc đẩy đàm phán loạt FTA mới với Trung Đông, châu Phi
Thế Hải - 23/07/2025 16:30
 
Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới với các thị trường tiềm năng như Trung Đông, châu Phi, Mỹ La tinh, Trung Á, Ấn Độ, Brazil...
Việt Nam hiện đã ký kết 17 FTA, đang thúc đẩy đàm phán loạt FTA với các thị trường mới.
Việt Nam hiện đã ký kết 17 FTA, đang thúc đẩy đàm phán loạt FTA với các thị trường mới.

Việt Nam cần thúc đẩy để sớm kết thúc đàm phán FTA với khối thị trường chung Nam Mỹ - Mercosur, FTA song phương với Brazil; thúc đẩy ký Hiệp định thương mại gạo với 5 nước (Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Brazil).

Cùng với đó là cố gắng khởi động đàm phán FTA với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Bangladesh, thỏa thuận thương mại ưu đãi với Pakistan...; thúc đẩy các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc, Trung Á.

Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi chủ trì Hội nghị với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2025, tạo đà tăng trưởng hai con số giai đoạn tiếp theo.

Với 17 FTA Việt Nam đã ký kết với trên 60 nền kinh tế toàn cầu đã thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động ngoại thương của nước ta trong những năm qua, đặc biệt các FTA hỗ trợ đáng kể trong những thời điểm kinh tế, thương mại toàn cầu không mấy thuận lợi.

Theo Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, nhờ khai thác hiệu quả 17 FTA đã mở rộng quy mô xuất khẩu, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

6 tháng đầu năm 2025 hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tiếp tục được duy trì sự tăng trưởng tích cực, với kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 432 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,63 tỷ USD.

"Xuất khẩu sang các thị trường có FTA và các đối tác lớn như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều đạt mức tăng trưởng cao", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn, kinh tế Việt Nam đã và đang đối mặt với khó khăn khi tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, thuế quan đối ứng làm ảnh hưởng lớn đến thị trường tài chính, thương mại quốc tế, làm suy giảm khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, Bộ trưởng Công thương nói đang ưu tiên tập trung thực hiện nhiệm vụ đàm phán Thỏa thuận thương mại đối ứng với Mỹ, hướng tới quan hệ thương mại cân bằng và bền vững.

Cùng với đó, Bộ Công thương đã hỗ trợ các ngành hàng tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu, xử lý hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, xung đột trong quan hệ kinh tế thương mại, qua đó góp phần ổn định, mở rộng thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng, đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.

Đồng thời, theo dõi sát tình hình triển khai, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam để chủ động có biện pháp ứng phó từ sớm, từ xa. Triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp.

Thông tin thêm về đàm phán các FTA ở thời điểm hiện tại, người đứng đầu Bộ Công thương cho hay, đang thúc đẩy đàm phán các Hiệp định thương mại tự do mới, trong đó có FTA với khối Hiệp hội thương mại tự do châu Âu - EFTA, với 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein; FTA với châu Mỹ La tinh là FTA Việt Nam - Mercosur; FTA với các nước Hội đồng hợp tác vùng Vịnh - GCC, Ấn Độ, Pakistan; FTA với Ai Cập, Liên minh Thuế quan Nam châu Phi - SACU.

Bộ trưởng cũng cho biết, vừa qua, Bộ Công thương đã tích cực trao đổi, đàm phán để tiến tới ký kết Hiệp định thương mại gạo cấp Chính phủ với 5 đối tác Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore và Brazil.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư