Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 02 tháng 07 năm 2024,
Thúc đẩy liên kết vùng: “Cú hích” tăng trưởng kinh tế
Hà Nguyễn - 19/06/2024 08:05
 
Dù các địa phương riêng lẻ vẫn đang tăng trưởng tích cực, nhưng để tạo được bước đột phá, phải thúc đẩy liên kết vùng.
Sự xuất hiện của hàng loạt nhà sản xuất lớn là một trong những nguyên nhân khiến Bắc Giang tăng trưởng bứt phá. Trong ảnh: Nhà máy Samkwang tại thị xã Việt Yên, Bắc Giang

Mảnh ghép sáng màu của bức tranh kinh tế

Dù số liệu thống kê cuối cùng về tăng trưởng GDP của cả nước vẫn chưa thể sớm được “chốt sổ”, nhưng bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm bắt đầu được hé lộ. Trong bức tranh ấy, các mảnh ghép - kinh tế của 63 địa phương - đã cho thấy những gam màu sáng. Và nổi bật nhất vẫn là Bắc Giang, địa phương trong thời gian gần đây đã có sự bứt tốc mạnh mẽ cả về thu hút đầu tư, sản xuất công nghiệp và tăng trưởng GRDP.

Số liệu thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng GRDP của Bắc Giang lên tới 14,14%, dẫn đầu cả nước. Quý I/2024, địa phương này cũng dẫn đầu cả nước về tăng trưởng GRDP. Sự xuất hiện của hàng loạt nhà sản xuất lớn, như Foxconn, Luxshare ICT, Fukang, Hana Micron..., chính là một trong những nguyên nhân khiến Bắc Giang tăng trưởng bứt phá như vậy. Sản xuất công nghiệp của tỉnh đã tăng tới 26,64% so với cùng kỳ và đây chính là một động lực tăng trưởng quan trọng.

Trong khi đó, nhiều địa phương khác cũng có mức tăng trưởng GRDP tích cực. Chẳng hạn, Khánh Hòa tăng trưởng 12,73% trong 6 tháng đầu năm. Con số này ở Quảng Ninh là 9,02%; Nam Định là 8,56%; Bình Định 7,6%; Đồng Nai 6,8%... Các tốc độ tăng trưởng này hầu hết đều cao hơn tốc độ tăng trưởng GRDP của 6 tháng đầu năm ngoái.

Xu hướng tích cực còn đến với cả Hà Nội và TP.HCM. Hai đầu tàu kinh tế này trong nửa đầu năm đã đạt mức tăng trưởng GRDP tương ứng là 6% và 6,46%. Cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng GRDP của Hà Nội là 5,97%, trong khi của TP.HCM là 3,55%. Xu hướng tích cực của kinh tế Hà Nội và sự phục hồi của kinh tế TP.HCM là điều khá rõ nét.

Chính Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên khi phát biểu tại Hội nghị lần thứ 31, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 mới đây đã nói rằng, đây là kết quả “rất đáng ghi nhận” trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước và thế giới còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.

Không chỉ các địa phương trên, mà Bắc Ninh cũng bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng. Quý I/2024, địa phương này vẫn tăng trưởng âm 3,83%; nửa đầu năm ngoái tăng trưởng âm 12,59%; còn 6 tháng đầu năm nay đã tăng trưởng 2,32%. Tuy chưa phải là một mức tăng trưởng cao, song việc sau hơn 1 năm, GRDP của Bắc Ninh tăng trưởng dương trở lại đã cho thấy, kinh tế tỉnh đã “thoát đáy”. Khó khăn đã qua đi, kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng và đây chính là tiền đề quan trọng để Bắc Ninh hoàn thành kế hoạch cả năm 2024.

“Cú hích” cho tăng trưởng

Xu hướng tăng trưởng của các địa phương là tích cực và điều này chắc chắn sẽ góp phần quan trọng đưa kinh tế Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng, dần dần vượt qua được nỗi lo không theo kịp thế giới mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhắc đến trong Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2024 vừa qua. Theo Bộ trưởng, một số nước đã và đang triển khai các gói kích thích kinh tế mới, làm tăng thêm sức ép cạnh tranh, yêu cầu nền kinh tế phải phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn nữa.

Tại các báo cáo trình Chính phủ gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên tục nhấn mạnh đến việc thực thi các quy hoạch vùng, thúc đẩy liên kết vùng.

Để kinh tế phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn nữa, hàng loạt giải pháp đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất, như thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng truyền thống, tận dụng, phát huy các động lực tăng trưởng mới, đến từ kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, các lĩnh vực sản xuất mới như bán dẫn, AI… Trong số đó, tại các báo cáo trình Chính phủ gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng liên tục nhấn mạnh việc thực thi các quy hoạch vùng, thúc đẩy liên kết vùng. Thậm chí, liên kết vùng còn được coi là “chìa khóa” để thúc đẩy tăng trưởng, tạo đột phá cho kinh tế - xã hội các địa phương, cũng như cả nước.

Tháng 5/2024, tức là sau hơn 2 năm kể từ khi quy hoạch vùng đầu tiên được thông qua - Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lần lượt các quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Trung du và miền núi Bắc bộ, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Các hội đồng điều phối vùng kinh tế cũng được thành lập. Các hoạt động xúc tiến đầu tư, hay xây dựng các dự án có tính chất liên vùng đã và đang cấp tập được triển khai…

“Liên kết vùng giờ đây đã trở thành xu thế tất yếu. Phải liên kết vùng chặt chẽ để có thể hỗ trợ nhau, bổ sung nhau, liên kết với nhau để có thể cùng nhau khai thác, tận dụng hết các lợi thế, tiềm năng của nhau và mang lại những giá trị lớn hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nói như vậy và cho biết, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và trong các nghị quyết gần đây của Bộ Chính trị đều nhấn mạnh về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc liên kết vùng.

Cụm từ “đột phá” được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc đến rất nhiều khi công bố các quy hoạch vùng, cũng như đề cập việc thúc đẩy liên kết vùng. Khi công bố Quy hoạch Vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh 6 chữ “Truyền thống - Liên kết - Bứt phá”. Còn đề cập Quy hoạch Vùng Đông Nam bộ, Bộ trưởng dùng 3 từ “đột phá, tiên phong, liên kết”…

Ông cũng nhắc đến câu chuyện chỉ sau hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế Vùng đã có sự thay đổi tích cực. Tăng trưởng GRDP của Vùng năm 2023 đạt 5,51%, còn quý I/2024 đạt 6,27%, cao hơn bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, trong 11 dự án, nhóm dự án quan trọng, liên kết vùng, đã hoàn thành 3 cảng hàng không và 1 cảng biển…

Liên kết vùng rõ ràng đang mang lại những hiệu ứng tích cực cho kinh tế - xã hội toàn vùng và từng địa phương trong vùng. Thúc đẩy liên kết vùng sẽ là một “cú hích” cho tăng trưởng.

“Kích” sản xuất công nghiệp để thúc tăng trưởng kinh tế
Để nền kinh tế có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay, bên cạnh đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, thì...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư