Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Thúc đẩy mạnh hơn tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế
Hà Quang - 20/10/2014 08:11
 
() Cùng với xem xét Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế cũng sẽ được các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội Khóa XIII, với mục tiêu cao nhất là thúc đẩy mạnh hơn tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế.
TIN LIÊN QUAN

Trong thời gian 33 ngày của Kỳ họp thứ tám, Quốc hội Khóa XIII, khai mạc sáng nay (20/10), các đại biểu Quốc hội dự kiến thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 12 dự án luật khác.

Trong đó, một trong những nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến là việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, Quốc hội xem xét việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2015.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về kết quả giám sát Chuyên đề Tái cơ cấu nền kinh tế, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Mai Xuân Hùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong vấn đề này.

  Khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII  
  Trong thời gian 33 ngày của Kỳ họp thứ tám, Quốc hội Khóa XIII, khai mạc sáng nay (20/10), các đại biểu Quốc hội dự kiến thông qua 18 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết  

 

“Sau hơn 3 năm thực hiện tái cơ cấu, nền kinh tế Việt Nam đã từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức và có sự tăng trưởng khá tích cực”, ông Hùng nói và cho biết, các cân đối lớn của nền kinh tế, như cân đối cung - cầu hàng hóa, cân đối lương thực, cán cân vãng lai, cán cân thanh toán tổng thế... có chuyển biến rõ rệt.

“Chất lượng nền kinh tế có sự chuyển biến với việc duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, thu nhập bình quân đầu người tăng, lạm phát được kiềm chế”, ông Hùng nói.

Liên quan vấn đề này, tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu mới đây, nhiều chuyên gia kinh tế đã bày tỏ lo ngại khi tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra chậm chạp và chưa đạt được những kết quả rõ rệt.

Theo TS. Trần Du Lịch, cho đến thời điểm hiện tại, chủ trương tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế chưa thực sự đi vào thực tiễn. Còn đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm thẳng thắn, tái cơ cấu kinh tế vẫn hời hợt, chỉ giải quyết được phần ngọn, còn phần gốc vẫn giữ nguyên, nên kỳ vọng về chuyển biến vẫn rất mơ hồ, các giải pháp đưa ra chỉ mang tính tình thế…

Trong khi đó, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam quan ngại về việc xử lý nợ xấu, hay tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, dù chậm so với kỳ vọng và so với yêu cầu, song giai đoạn vừa qua cũng đã tạo ra nền tảng, tạo điều kiện để Việt Nam thực hiện tái cơ cấu kinh tế nhanh hơn trong năm tiếp theo, đặc biệt trong thực hiện tái cơ cấu đầu tư công. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh tin tưởng rằng, năm 2015, tái cơ cấu nền kinh tế sẽ được đẩy mạnh hơn.

   
  Cú hích cho năm 2015 là tái cấu trúc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thể chế kinh tế  

“Tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét, cho ý kiến để thúc đẩy mạnh mẽ hơn tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế”, ông Hùng cho biết.

Trong khi đó, liên quan việc xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã nhắc đến cụm từ “rất quan trọng”, bởi năm 2015 là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, cũng như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

“Giai đoạn 2011 - 2015 có thể nói là thời kỳ sóng gió. Đến giờ nhìn lại, có thể thấy, nhiều mục tiêu lớn của Đại hội Đảng lần thứ XI chúng ta chưa đạt, trong đó có mục tiêu tăng trưởng GDP. Nhưng những chỉ tiêu căn bản của mục tiêu điều chỉnh, chúng ta đã đạt được, đó là đã kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói và khẳng định, nói thì đơn giản vậy, nhưng 3 năm 2011 - 2013, Việt Nam đã cực kỳ gian khổ để kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, đồng thời đưa nền kinh tế dần hồi phục.

“Tuy tăng trưởng hồi phục còn chậm so với mong muốn, nhưng năm nay, chúng ta có thể đạt mức tăng trưởng GDP 5,8 - 5,9%, để từ đó đặt mục tiêu tăng trưởng 6,2% trong năm sau và đặt nền tảng cho tăng trưởng cao hơn trong giai đoạn tiếp theo”, Bộ trưởng nói. Để đạt được mục tiêu này, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Việt Nam phải tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đi đôi với cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. “Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh không phải chỉ để thu hút đầu tư nước ngoài, mà còn là để thúc đẩy đầu tư, sản xuất trong nước phát triển tốt hơn. Cộng hưởng với việc sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, chúng ta sẽ tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp thúc đẩy đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Đây chính là những khát vọng nền tảng cho năm 2015”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Một điều nữa rất quan trọng để tạo ra được cú hích cho năm 2015, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, là ngoài tái cấu trúc, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thì tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế kinh tế.

“Đây là những vấn đề rất quan trọng, giúp chúng ta có một hệ thống biện pháp tổng hợp thúc đẩy mọi thành phần kinh tế, mọi người dân bỏ vốn đầu tư, kinh doanh, tạo nhiều việc làm và đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng của đất nước”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bày tỏ sự tin tưởng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư