Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Thúc đẩy thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để doanh nghiệp bứt phá
Tú Ân - 18/12/2019 13:54
 
Ngày 18/12, Diễn đàn Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc, lần thứ XII diễn ra tại Phú Thọ với chủ đề "Thúc đẩy thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để bứt phá, phát triển"

Ông Nguyễn Văn Thân ,Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho biết, trong những năm qua Đảng, Chính phủ luôn coi trọng vai trò của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vửa (DVNVV) phát triển.

Nhà nước cũng coi trọng vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển đất nước, trong những năm qua Nhà nước ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ kinh tế tư nhân được thuận lợi trong kinh doanh, trong đó điểm nhấn là Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực từ 1/1/2018.

Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân phát biểu khai mạc tại Diễn đàn
Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân phát biểu khai mạc tại Diễn đàn

Từ khi Luật ra đời đến nay các văn bản hướng dẫn Luật đã dần được hoàn thiện, các chủ trương chính sách dần đi vào cuộc sống bước đầu được triển khai có hiệu quả. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với kinh tế trong khu vực và trên thế giới, các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các cơ hội do các hiệp định thương mại mang lại, đưa kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2019 kinh tế đạt mức tăng trưởng cao tới 6,98%, điều này thể hiện hiệu quả cao trong điều hành chính sách của Chính phủ. Đóng góp vào thành công trên là có phần không nhỏ của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có cộng đồng DNNVV.

Tuy nhiên, ông Thân  cũng thẳng thắn chỉ ra các tồn tại trong 2 năm Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực, những khó khăn này này là rào cản lớn, chưa tạo thuận lợi cho DNNVV phát triển đúng với kỳ vọng đặt ra. Đó là, nguồn lực triển khai hỗ trợ DNNVV còn rất hạn chế, mặc dù Luật đã quy định rõ ràng nhưng nhiều địa phương chưa bố trí kinh phí để hỗ trợ các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp chưa triển khai được các hạng mục được ưu tiên, hỗ trợ do pháp lý chưa đầy đủ, hoặc là mới được ban hành. Đặc biệt, tỷ lệ tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, nguồn tín tín dụng, quỹ hỗ trợ tín dụng còn rất kém. Chi phí logistic còn cao, ảnh hưởng tới việc mở rộng thị trường, cạnh tranh của sản phẩm. Thủ tục hành chính còn rườm rà, chính sách ban hành chậm cũng là những rào cản.

“Nhiều doanh nghiệp chưa nhận được hỗ trợ theo quy định do Chính phủ ban hành, các hộ kinh doanh còn chuyển đổi chậm sang mô hình doanh nghiệp do tâm lý lo ngại về thuế. Nhiều địa phương triển khai hỗ trợ DNNVV rất chậm, nhất là trong các hỗ trợ về miễn, giảm thuế, hỗ trợ giảm lãi suất vay”, ông Thân nhấn mạnh.

Gần 400 đại biểu dự
Gần 400 đại biểu dự Diễn đàn Hợp tác - Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc

Tại Diễn đàn các bài tham luận của đại diện các Hiệp hội DNNVV ở các tỉnh thành đánh giá việc thực thi Luật Hỗ trợ DNNVV trong thời gian qua, nêu ra những khó khăn, rào cản và các kiến nghị để Luật đi vào cuộc sống một cách thiết thực hơn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiệu quả hơn.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội, xét về mức độ tổng thể, khái quát các lĩnh vực ưu đãi của Luật Hỗ trợ DNNVV, các doanh nghiệp vẫn chưa được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là hỗ trợ mặt bằng sản xuất, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, đổi mới công nghệ…

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực triển khai như trên, nhưng phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, giữa kỳ vọng và yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tiếp tục có các phản ánh, kiến nghị liên quan tới thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, sự mâu thuẫn, không rõ ràng giữa các quy định pháp lý, chưa tiếp cận với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Mạc Quốc Anh cho biết, thực tế, các DNNVV đang gặp 3 khó khăn lớn. Đó là, quy mô của các doanh nghiệp còn nhỏ, thiếu vốn dẫn đến hoạt động còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa bài bản, thiếu tầm nhìn chiến lược phát triển dài hơi, bền vững.

Thứ hai, hạn chế về công nghệ do thiếu vốn đầu tư. Các số liệu thống kê cho thấy, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 đến 3 thế hệ. Thêm vào đó, số doanh nghiệp chú trọng đầu tư cho khoa học - công nghệ hiện tại không nhiều. Việc đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp còn diễn ra chậm chạp.

Thứ ba, trình độ quản lý và chất lượng nguồn lao động còn bất cập. Phần lớn lực lượng lao động trong các DNNVV chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Về trình độ quản lý, đa số các chủ doanh nghiệp, ngay cả những người có trình độ học vấn từ cao đẳng và đại học trở lên cũng ít người được đào tạo về kiến thức kinh tế và quản trị doanh nghiệp các lớp về pháp luật trong kinh doanh. Những điều này dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh yếu kém của DNNVV và khiến các doanh nghiệp này khó có thể cạnh tranh với sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp nước ngoài, các nhãn hàng ngày một nhiều tại Việt Nam.

Một khó khăn khác mà đại diện các doanh nghiệp đề cập là khó khăn về tiếp cận nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Đại diện Hiệp hội DNNVV tỉnh Phú Thọ cho biết, các doanh nghiệp trong hiệp hội đều là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chưa có quá trình tích lũy vốn. Vốn cho sản xuất kinh doanh chủ yếu vay các ngân hàng thương mại, việc huy động vốn từ thành viên và vốn xã hội chưa được nhiều. Mặt khác tính pháp lý về đất, bất động sản, tài sản của doanh nghiệp chưa đầy đủ để làm bảo đảm vay vốn nên chưa thể chuyển hóa từ tài sản sang vốn.

Do vậy, đề nghị Nhà nước có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tín dụng được tăng dư nợ cho vay đối với DNNVV; hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất- kinh doanh khả thi, nâng cao năng lực quản trị, kỹ năng quản lý, minh bạch tài chính để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Không để người kinh doanh phải tìm cách lách luật
Những điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang hướng tới nguyên tắc bảo đảm cho người kinh doanh an toàn và rẻ hơn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư