Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 26 tháng 12 năm 2024,
Thúc đẩy tiêu thụ nông sản, Hà Nội mời doanh nghiệp cả nước kết nối giao thương
Hồng Hạnh - 23/11/2022 21:21
 
Thành phố Hà Nội đẩy mạnh kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại.
 
Video "Tiềm năng thế mạnh các tỉnh Đồng bằng sông Hồng". (Nguồn: HPA)

Nhằm thực hiện chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2022, chiều ngày 23/11, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch Hà Nội (HPA) phối hợp với các bên liên quan tổ chức "Hội nghị Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại".

Sự kiện thu hút sự tham dự của hơn 250 đại biểu đến từ Hà Nội và 54 tỉnh, thành phố trong cả nước; các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp.

 Ban tổ chức đã bố trí chương trình giao thương kết nối doanh nghiệp giữa 200 nhà cung ứng của hơn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước với các nhà phân phối, bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Hà Nội là thị trường tiêu thụ lớn của cả nước 

Với dân số 10 triệu người, nhu cầu tiêu dùng nông sản của Hà Nội trong dịp Tết 2023 và Tết Nguyên Quý Mão đán sắp dự báo sẽ tăng tăng mạnh. 

Cụ thể, nhu cầu tiêu dùng nông sản của TP. Hà Nội trung bình mỗi tháng là hơn 19.250 tấn thịt lợn hơi; 5.350 tấn thịt bò, 5.350 tấn thực phẩm chế biến, 107.000 tấn rau củ... trong khi doanh nghiệp Hà Nội chỉ đáp ứng được từ 30 - 65% nhu cầu của người dân. 

Điều này khẳng định, Hà Nội là thị trường tiêu thụ lớn của cả nước nói chung và Đồng bằng sông Hồng nói riêng.

Nhằm phục vụ người tiêu dùng Thủ đô, đồng thời hỗ trợ các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Hồng và cả nước tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, Thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng, kết nối cung - cầu giữa các tỉnh, thành trên cả nước. 

Trong 10 tháng qua, các kênh phân phối Hà Nội hỗ trợ kết nối tiêu thụ 52.000 tấn trái cây, nông sản từ các tỉnh, thành Đồng bằng sông Hồng.

Năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng TP. Hà Nội đã phối hợp với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Hồng tổ chức tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành tại hệ thống siêu thị BigC Thăng Long, Trung tâm thương mại Mê Linh Plaza và Trung tâm thương mại Mipec. 

Thông tin, giới thiệu nguồn cung nông sản thực phẩm, trái cây mùa vụ trên 1.000 sản phẩm OCOP các tỉnh Phú Thọ, Hà Nam, Thái Bình, Thái Nguyên, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang. Thông qua hoạt động kết nối, năm 2021 Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng tiêu thụ 56.000 tấn trái cây, nông sản.

Đặc biệt, trong 10 tháng qua, các kênh phân phối Hà Nội hỗ trợ kết nối tiêu thụ 52.000 tấn trái cây, nông sản từ các tỉnh, thành Đồng bằng sông Hồng. Nhiều sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành đã được kết nối đưa vào trên 60 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP của Thành phố Hà Nội quảng bá, tiêu thụ.

"Hội nghị Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại" do HPA tổ chức hôm nay cũng không nằm ngoài mục tiêu hỗ trợ, tìm giải pháp kết nối giao thương cho 200 nhà cung ứng của hơn 40 tỉnh, thành trên cả nước tiêu thụ sản phẩm.

năm 2021 Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng tiêu thụ 56.000 tấn trái cây, nông sản.

Đánh giá cao Hội nghị Kết nối giao thương giữa nhà cung cấp vùng đồng bằng sông Hồng với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương khẳng định, Hội nghị là một hoạt động xúc tiến thương mại cấp khu vực quan trọng, với sự tham gia của tất cả các địa phương khu vực đồng bằng sông Hồng, giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu tới các cơ quan xúc tiến thương mại quốc tế, các nhà nhập khẩu, các nhà thu mua chế biến xuất khẩu Việt Nam cũng như các nhà phân phối Việt Nam và quốc tế.

Ông Chiến tin tưởng, Hội nghị sẽ là cầu nối hiệu quả, là kênh xúc tiến thương mại quan trọng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng, thúc đẩy giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp có thêm thông tin, cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài và tham gia hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Nhà nước và các cơ quan quản lý cần có biện pháp hỗ trợ về chi phí để các sản phẩm OCOP của cả nước có thể đến được tới tay của người tiêu dùng toàn quốc với mức giá phù hợp.

Chú trọng liên kết vùng, hỗ trợ tiêu thụ và xuất khẩu nông sản

Chia sẻ tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Mai Phương, đại diện nhà phân phối Central Retail cho biết, Central Retail luôn có ưu đãi dành cho sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền của Việt Nam. Tuy nhiên, đối với các sản phẩm này, khó khăn nhất chính là câu chuyện logistic. Các sản phẩm sẽ xuất hiện trên trang điện tử của toàn bộ hệ thống Central Retail với mức giá giống nhau. Tuy nhiên, câu chuyện để mức giá giống nhau với các sản phẩm đến từ các địa phương khác nhau trên cả nước là khó khả thi. 

Chính vì thế, trong thời gian tới, nhà nước và các cơ quan quản lý cần có biện pháp hỗ trợ về chi phí để các sản phẩm OCOP của cả nước có thể đến được tới tay của người tiêu dùng toàn quốc với mức giá phù hợp.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất chế biến và thương mại Hà Trung, doanh nghiệp sản xuất bò một nắng Phú Yên cho biết: Tham gia vào hội nghị kết nối giao thương, các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng đặc sản địa phương như Hà Trung có cơ hội được kết nối với các nhà phân phối lớn trên cả nước. Đây là một kênh kết nối rất hiệu quả, thiết thực. Ngay trong ngày hôm nay, Hà Trung đã tìm kiếm và có được rất nhiều cơ hội vào các hệ thống bán lẻ lớn trên toàn quốc.

Bà Nguyễn Thị Hà mong muốn có một cuộc cạnh tranh công bằng giữa các sản phẩm trong “cuộc đua” chạy vào siêu thị. Bởi hiện nay, một số siêu thị đòi hỏi đưa giá lên cao và chiết khấu lại cho siêu thị % rất lớn. Trong khi các cơ sở sản xuất thật, làm thật luôn muốn làm ra hàng chất lượng cao, giá thành hợp lý cho người tiêu dùng. Khi chiết khấu cao cho hệ thống phân phối, giá thành bị đẩy lên cao, khiến hàng khó cạnh tranh mà người tiêu dùng lại chịu thiệt. 

Hội nghị là cầu nối hiệu quả, là kênh xúc tiến thương mại quan trọng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng, thúc đẩy giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.

Tại Hội nghị, lãnh đạo ngành công thương 40 tỉnh, thành tham dự bày tỏ mong muốn Hà Nội hỗ trợ, quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp của các tỉnh tập kết, lưu chuyển hàng hóa vào thị trường Hà Nội. 

Đồng thời, kêu gọi các tổ chức, các siêu thị, trung tâm thương mại của Hà Nội trực tiếp tới tỉnh, thành phố để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Các tỉnh cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho nhiều đơn vị Hà Nội đến tìm hiểu, kết nối giao thương với doanh nghiệp của tỉnh.

Các đơn vị cũng kiến nghị Bộ Công thương quan tâm, hỗ trợ Hà Nội và các tỉnh, thành phố đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn; Bố trí kinh phí, tổ chức chương trình xúc tiến thương mại quốc gia trong đó, chú trọng chương trình liên kết vùng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm giữa tỉnh, thành phố trên cả nước và xuất khẩu sản phẩm nông sản, đặc sản của Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Bên lề Hội nghị, Ban tổ chức đã bố trí chương trình giao thương kết nối doanh nghiệp giữa 200 nhà cung ứng của hơn 40 tỉnh, thành phố trên cả nước với các nhà phân phối, bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hà Nội như: Winmart, Lotte Mart, Aeon, Central Retail, MM Mega Maket, BRG, hệ thống siêu thị Tứ Sơn An Giang, BigGeen, các sàn giao dịch thươngmại điện tử.

Các đơn vị đã gặp trực tiếp bộ phận mua hàng của các nhà phân phối, giới thiệu, chào hàng và được nghe các tiêu chí, điều kiện để đưa hàng vào hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố, qua đó, các nhà phân phối đã lựa chọn được các sản phẩm đạt yêu cầu, các thỏa thuận hợp tác, liên kết, biên bản ghi nhớ đã được ký kết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư