Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Thúc doanh nghiệp nộp tiền bán cổ phần về SCIC
Mạnh Bôn - 06/09/2013 15:21
 
Nếu không nộp tiền bán cổ phần nhà nước và các khoản thu khác của nhà nước về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp Trung ương, doanh nghiệp sẽ bị cưỡng chế.

Bộ Tài chính vừa gửi công văn tới các bộ ngành, UBND cấp tỉnh đề nghị xử lý thật nghiêm đối với các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chưa nộp tiền bán cổ phần và các khoản thu của Nhà nước về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp Trung ương (Quỹ Trung ương) do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý.

SCIC chịu trách nhiệm quản lý Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển
doanh nghiệp Trung ương

Theo yêu cầu của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP phải thực hiện nộp các khoản thu của Nhà nước về SCIC.

Đó là tiền bán phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, lợi nhuận được chia, cổ tức của phần vốn nhà nước góp tại các doanh nghiệp, chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ, cổ phần bán trả chậm cho người lao động nghèo trong doanh nghiệp, khoản tiền người lao động dôi dư đã nhận trợ cấp hoàn trả lại khi được tái tuyển dụng theo quy định của pháp luật…

Trường hợp chậm nộp trong vòng 3 tháng kể từ ngày doanh nghiệp chuyển đổi sở hữu nhận Giấy đăng ký kinh doanh sẽ phải chịu thêm tiền lãi, tính theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định. Sau thời hạn 3 tháng, doanh nghiệp phải chịu thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền vay quá hạn cho số tiền chậm nộp.

Nếu sau 4 tháng kể từ khi hoàn thành cổ phần hóa, doanh nghiệp vẫn chây ỳ trong việc nộp tiền về Quỹ Trung ương thì ngoài việc phải chịu nộp lãi phạt chậm nộp sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Các khoản phạt chậm nộp không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; doanh nghiệp chỉ được dùng nguồn lợi nhuận sau thuế để đủ bù đắp sau khi trừ đi các khoản bồi thường, xử lý trách nhiệm của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị và tập thể, cá nhân có liên quan đến việc chậm nộp.

Bộ Tài chính đề nghị các bộ ngành, UBND cấp tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với SCIC và người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu doanh nghiệp cổ phần hóa trước ngày 5/9/2011 (thời điểm Nghị định 59/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) phải xác định và nộp đầy đủ các khoản nợ gốc về Quỹ Trung ương.

Sau 60 ngày kể từ ngày doanh nghiệp cổ phần hóa trước thời điểm ngày 5/9/2011 được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu nếu chưa nộp tiền bán cổ phần nhà nước và các khoản thu của Nhà nước khác sẽ bị phạt chậm nộp.

Đối với doanh nghiệp sau khi chuyển đổi gặp khó khăn về tài chính, cơ quan quản lý nhà nước đã có quyết định cho chậm nộp khoản thu từ bán cổ phần nhà nước về Quỹ Trung ương thì áp dụng thời điểm tính lãi theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với các khoản thu còn lại, sau 5 ngày kể từ ngày thu được hoặc sau 5 ngày kể từ ngày thực hiện phân chia cổ tức, lợi nhuận phải nộp về Quỹ Trung ương.

Về lãi suất tính lãi chậm nộp, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, đối với số tiền chậm nộp trước thời điểm 31/12/2012 thì áp dụng lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cuối năm 2012.

Số tiền chậm nộp sau thời điểm 31/12/2012 nếu trong vòng 3 tháng thì lãi chậm nộp được tính theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm gần nhất, nếu quá 3 tháng tính bằng 150 lãi suất cơ bản.

Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ hoặc khi tính thêm lãi chậm nộp các khoản phải nộp về Quỹ Trung ương mà lỗ thì các bộ ngành, UBND cấp tỉnh, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính xem xét, quyết định miễn lãi chậm nộp.

SCIC 'có quyền' gửi ngân hàng nghìn tỷ
SCIC gửi ngân hàng 19.600 tỷ đồng bị các doanh nghiệp lên án là không thỏa đáng trong bối cảnh đói vốn sản xuất kinh doanh, nhưng Bộ Tài chính cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư