Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
Thực hiện FTA, ngân sách không bị tác động xấu
Mạnh Bôn - 03/06/2015 19:32
 
Trả lời các cơ quan báo chí trong cuộc họp báo chuyên đề về hội nhập kinh tế quốc tế chiều nay (ngày 3/6/2015), ông Nguyễn Bá Toàn, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính khẳng định, thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) không tác động tới số thu ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Bá Toàn, Phó vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Bộ Tài chính

Ông Nguyễn Bá Toàn, Phó vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Bộ Tài chính

“Nếu có, ngân sách nhà nước tác động tốt hơn, cụ thể là thu ngân sách hàng năm tăng cao hơn nhờ thực hiện các FTA”, ông Toàn nói.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, thu ngân sách từ hoạt động xuất - nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm ước đạt 103.500 tỷ đồng, bằng khoảng 40% dự toán, tăng 6.540 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, số thu từ thuế xuất khẩu 2.695 tỷ đồng; thuế nhập khẩu 30.685 tỷ đồng; thuế tiêu thụ đặc biệt 6.985 tỷ đồng; thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu 62.910 tỷ đồng... Năm 2014, thu ngân sách từ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt 173.360 tỷ đồng, tăng 19.360 tỷ đồng so với dự toán.

“Thực hiện các FTA, thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng, đặc biệt là những mặt hàng có thuế suất cao giảm mạnh nên thuế nhập khẩu có thể bị giảm, nhưng nhờ thuế nhập khẩu giảm, kim ngạch nhập khẩu gia tăng nên ngân sách sẽ thu được các khoản thuế khác từ hàng hóa nhập khẩu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường… nên về tổng thể, tính theo số tuyệt đối thu ngân sách từ hoạt động xuất - nhập khẩu không giảm khi thực hiện các FTA. Tuy nhiên, tính trên tỷ lệ tương đối, tức là so số thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu với tổng thu ngân sách nhà nước thì giảm xuống”, ông Toàn cho biết.

Lý giải về thực tế số thu ngân sách từ hoạt động xuất -  nhập khẩu giảm so với tổng số thu, ông Toàn cho rằng, khi cân đối ngân sách phải tính ở tổng thể. Cụ thể, nhờ giảm thuế nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu nguyên liệu, máy móc, thiết bị gia tăng, tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu nên các khoản thu khác từ nội địa gia tăng. Nhờ đó, tổng số thu ngân sách hàng năm tăng đều (ngoại trừ năm 2013).

Tính cả FTA giữa Việt Nam với Liên minh hải quan gồm Nga, Belarus và Kazakhstan (VCUFTA) vừa được ký kết và FTA giữa Việt Nam với Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết ngày 4/5/2015, hiện tại Việt Nam đã ký kết 10 FTA song phương và đa phương và đang xúc tiến đàm phán và tiến tới ký kết 4 FTA quan trọng khác, gồm Việt Nam - EU, Việt Nam - Bốn nước Bắc Âu (EFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

“Cam kết về mở cửa thị trường là một trong các nội dung quan trọng trong FTA. Trong hầu hết các FTA đã ký kết thì mức độ tự do hóa trung bình khoảng 90% số dòng thuế, trừ Hiệp định ASEAN (ATIGA) có mức tự do hóa gần 100%. Diện mặt hàng mà Việt Nam không cam kết xóa bỏ thuế chỉ chiếm khoảng 5-7% tổng số dòng thuế bao gồm, thuốc lá, rượu bia, xăng dầu, ô tô, một số linh kiện và phụ tùng ô tô, một số mặt hàng sắt thép, các mặt hàng áp dụng hạn ngạch thuế quan như đường, trứng, lá thuốc lá và các mặt hàng an ninh quốc phòng như vũ khí, thuốc nổ...”, ông Hà Duy Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết.

Vẫn theo ông Tùng, trong các FTA đã ký kết, đối tác cắt giảm thuế quan nhanh hơn, mạnh hơn, sâu hơn so với Việt Nam, rất nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào các đối tác đã được hưởng mức thuế nhập khẩu 0%, trong khi đó mặt hàng tương tự của đối tác nhập khẩu vào Việt Nam chỉ thực hiện giảm thuế theo lô trình (tối đa là 10 năm). “Doanh nghiệp còn cơ hội để tái cơ cấu sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trước khi Việt Nam thực hiện đầy đủ các FTA đã ký kết”, ông Tùng nhắc lại.

Đối với Trung Quốc - thị trường xuất - nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thực hiện hiện Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan của 90% số dòng thuế trong vòng 10 năm. Việt Nam được giữ lại 456 dòng thuế gồm những mặt hàng nhạy cảm và Trung Quốc có khả năng cạnh tranh rất cao như trứng gia cầm, đường, thuốc lá, động cơ, phương tiện vận tải, xăng dầu, sắt thép, vật liệu xây dựng, một số mặt hàng liên quan đến an ninh quốc phòng.

Trong khi đó, thực hiện ACFTA, Trung Quốc xóa bỏ thuế quan 95% số dòng thuế ngay từ năm 2011, số dòng thuế nhạy cảm còn lại cũng được cam kết cắt giảm về 5% đến 50% vào cuối lộ trình là năm 2018.

Hiện tại, Trung Quốc cắt giảm cho Việt Nam 7.845 dòng thuế, chiếm 95,35% tổng số dòng thuế và chiếm 91,59% tổng kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam.

Như vậy, xét về tổng quan, ngoại trừ một số mặt hàng mà Trung Quốc vẫn duy trì thuế suất gồm ngũ cốc và các sản phẩm từ ngũ cốc; cà phê, chè, gia vị; xăng dầu; phân bón các loại; nhựa nguyên liệu; vải may mặc; nguyên liệu dệt may, da giày; động cơ, máy móc thiết bị; ô tô, động cơ, bộ phận phụ tùng của ô tô; đồ nội thất... Các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế hơn khi xuất khẩu vào Trung Quốc.

Mặc dù có nhiều lợi thế hơn khi thực hiện ACFT, nhưng nhập siêu từ Trung Quốc mỗi năm một lớn. Cụ thể, nếu như năm 2012, Việt Nam xuất sang Trung Quốc 12.836 triệu USD thì nhập khẩu 29.035 triệu USD, con số này của năm 2013 tương ứng là 13.233 và gần 36.938 USD, không tính thương mại tiểu ngạch. “Điều này cho thấy doanh nghiệp không tận dụng được các cơ hội khi thực hiện ACFT”, ông Tùng bình luận.

“Cần phải chủ động, tích cực tìm hiểu thông tin các cam kết về hội nhập, tập trung tìm hiểu các mặt hàng có lộ trình cắt giảm thuế để có chiến lược điều chỉnh sản xuất, kinh doanh phù hợp, tận dụng được các cơ hội cũng như sẵn sàng cho cạnh tranh; cần xác định được lợi thế của mình, từ đó đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Tùng khuyến cáo cộng đồng doanh nghiệp trước thềm hàng loạt FTA chuẩn bị ký kết từ nay đến cuối năm 2015.

Chưa vội dùng tiền tăng thu ngân sách để trả nợ công
Theo báo cáo bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, ngân sách nhà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư