Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thuế cao khó chặn thuốc lá lậu
Hoàng Nam - 01/03/2014 12:41
 
Cho dù thuế và giá bán được xem là những biện pháp quan trọng nhằm giảm thiểu tác hại của thuốc lá, nhưng trong công văn gửi tới các cơ quan hữu trách, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA) cũng cho rằng, các biện pháp này cần được triển khai phù hợp với tình hình thực tế, mới không tạo ra cơ hội cho thuốc lá lậu tung hoành. Nước giải khát có gas chịu thuế như rượu, bia, mát xa?

17 tỷ điếu thuốc lá lậu

Ngành công nghiệp thuốc lá hiện đóng góp hơn 18.000 tỷ đồng tiền thuế mỗi năm cho ngân sách nhà nước, nhưng Việt Nam vẫn được các tổ chức quốc tế xem một trong những thị trường tiêu thụ thuốc lá nhập lậu lớn nhất ở châu Á.

Thuế cao khó chặn thuốc lá lậu
Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho rằng, quy định về thuế và giá bán
phải phù hợp thực tế mới ngăn được thuốc lá lậu

Số liệu khảo sát năm 2012 của Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế và Tổ chức Oxford Economics đã cho thấy, Việt Nam là thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu lớn thứ 2 trong số 11 quốc gia châu Á được khảo sát.

Theo tính toán của VTA, năm 2013, tổng số thuốc lá tiêu thụ tại Việt Nam là 104,8 tỷ điếu, trong số này ước có tới 17 tỷ điếu thuốc lá nhập lậu.

Dĩ nhiên, số thuốc lá lậu này cũng gây thất thu nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước với con số khoảng 6.500 tỷ đồng.

Đó là chưa kể đến không ít tốn kém về công sức và thời gian của rất nhiều lực lượng chức năng nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của thuốc lá lậu tại nhiều địa phương.

Thuế liên tục tăng với thuốc lá hợp pháp

Đối lập với thuốc lá lậu vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự xâm nhập vẫn theo chiều hướng gia tăng trong thời gian qua là một môi trường pháp lý nghiêm ngặt dành các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp, được cấp phép theo các quy định hiện hành của pháp luật.

Thậm chí, các quy định đang áp dụng với ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam hiện còn vượt trên các khuyến nghị chính sách của Công ước Khung kiểm soát thuốc lá toàn cầu. Cụ thể, như in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh chiếm 50%, đóng góp vào Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (từ ngày 1/5/2013 là 1% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), sẽ tăng lên 1,5% vào tháng 5/2016 và lên 2% vào tháng 5/2019), cấm quảng cáo và khuyến mãi dưới mọi hình thức và yêu cầu cấp phép toàn diện (bao gồm cả bán lẻ).

Các số liệu quan sát và thống kê của VTA cũng cho thấy, việc tăng thuế TTĐB với thuốc lá điếu liên tiếp thời gian qua, cụ thể là từ tháng 1/2006 lên mức 55%, so với 45% của năm 2005 và sau đó tiếp tục tăng lên 65% vào năm 2008 cũng tạo ra cơ hội bất ngờ để thuốc lá lậu tăng trưởng đột biến trong giai đoạn 2006-2012, với mức tăng 50% (tương đương 6 tỷ điếu).

Bởi vậy đề xuất tiếp tục tăng thuế TTĐB với thuốc lá điếu như dự thảo của Bộ Tài chính mới đây cũng khiến nhiều người e ngại về việc tạo tiếp cơ hội để thuốc lá lậu tiếp tục hoành hành là điều dễ hiểu. Nhất là khi sản xuất thuốc lá hợp pháp đang đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, cũng như phần nào giúp các lực lượng chức năng quản lý và kiểm soát hữu hiệu việc tiêu thụ thuốc lá trên thị trường.

Thực tế cũng đã minh chứng rõ ràng rằng, mỗi khi thuế đánh vào thuốc lá điếu trong nước tăng lên, thì các khu vực buôn lậu thuốc lá ở các tỉnh Tây Nam, Quảng Ninh hay khu vực miền Trung giáp với các nước xung quanh lại trở nên nhộn nhịp.

Nguyên do cũng không có gì khác, bởi giá thuốc lá sản xuất chính thức tăng do gánh thêm thuế, trong khi việc kiểm soát thuốc lá nhập lậu tại các khu vực này vẫn chưa thực sự hiệu quả. Cũng không thể phủ nhận một thực tế là, nhu cầu tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam vẫn không nhỏ, dù đã có hàng loạt các biện pháp được tuyên truyền nhằm nêu rõ tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ của người dân và cộng đồng.

Không khó để nhận thấy rằng, khi dễ tiếp cận nguồn cung thuốc lá lậu với giá rẻ hơn thuốc lá hợp pháp (đang phải chịu giá cao) chắc chắn người tiêu dùng có nhu cầu sẽ không thờ ơ, bởi vừa thoả mãn được nhu cầu, vừa tiết kiệm được chi phí của bản thân trong điều kiện kinh tế vẫn còn khó khăn.

Hệ quả có thể dễ nhìn thấy là sản xuất của ngành công nghiệp thuốc lá hợp pháp sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng, người lao động (bao gồm cả công nhân và nông dân trồng thuốc lá nhiên liệu) sẽ bị giảm công ăn việc làm, trong khi thị trường khó kiểm soát được các sản phẩm nhập lậu vốn không rõ ràng về chất lượng.

Theo VTA, việc tăng thuế TTĐB trong điều kiện buôn lậu thuốc lá như hiện nay thì nguồn thu ngân sách nhà nước chưa chắc đã tăng, trong khi sản xuất trong nước dễ nhìn thấy khả năng thu hẹp. Kiến nghị chính thức với Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan hữu trách, VTA cũng cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay là phải chống buôn lậu trước, bởi việc kiểm soát thuốc lá nhập lậu sẽ giúp duy trì và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đồng thời đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh của thị trường thuốc lá. Đặc biệt, cần có một lộ trình tăng thuế hợp lý một khi đã kiểm soát được thuốc lá nhập lậu trên phạm vi toàn quốc.

Đóng góp ngân sách của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam 2008-2013

Năm

Thuế TTĐB

(tỷ đồng)

Thuế nhập khẩu nguyên liệu (tỷ đồng)

Tổng

(tỷ đồng)

2008

7.529,0

393,0

7.922,0

2009

9.633,0

584,7

10.217,7

2010

11.179,9

538,5

11.718,7

2011

13.598,8

708,5

14.307,3

2012

14.909,7

877,2

15.786,9

2013

16.825,0

2.025,2

18.850,2

Nguồn: Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam.

(Ghi chú: Ngoài ra, ngành sản xuất, chế biến nguyên liệu thuốc lá đã nộp ngân sách 977 tỷ đồng
năm 2013 chưa cộng vào tổng số thuế trong bảng
)

Nếu tăng thuế suất 10% theo lộ trình đề nghị của Bộ Tài chính lên 75% từ ngày 1/7/2015 và đạt đỉnh là 85% từ ngày 1/1/2018, tình hình thuốc lá lậu tiếp tục chiếm thị trường trong nước sẽ rất trầm trọng, trong khi các biện pháp chống thuốc lá lậu chưa triển khai kịp thời và quyết liệt. Theo ước tính của VTA, ngành công nghiệp thuốc lá Việt Nam sẽ mất thêm ngay lập tức thị phần cho thuốc lá lậu ở quy mô 5,7 tỷ điếu khi tăng thuế TTĐB lên 75% và mất tiếp 10,4 tỷ điếu khi tăng lên 85%, dẫn đến thất thu ngân sách tương ứng là 2.069 tỷ đồng (97,5 triệu USD) và 4.209 tỷ đồng (198,5 triệu USD)

Số lượng thực tế thuốc lá lậu bị bắt giữ và tiêu huỷ

Năm

Số lượng thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ (triệu bao)

2007

7,6

2008

11,4

2009

9,5

2010

8,1

2011

8,3

2012

7,1

2013

6,0

Nguồn: Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, AC Niesel và nguồn khác

Thuế tiêu thụ đặc biệt tăng và thuốc lá nhập lậu ở một số quốc gia

Bài học của Malaysia:

Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá năm 2010 tăng 182% so với năm 2004 khiến thuốc lá hợp pháp trở nên quá đắt đỏ đối với người tiêu dùng. Kết quả, ngành công nghiệp thuốc lá Malaysia mất hơn 30% sản lượng về tay thuốc lá lậu, khiến thị phần của thuốc lá lậu tăng lên mức 40%. Chính phủ đã quyết định không tăng thuế trong các năm 2011 và 2012.

"Chúng ta không thể tăng mạnh giá thuốc lá khi tiêu thụ thuốc lá lậu đã đạt mức 40%. Nếu tăng giá mạnh thì tỷ lệ người hút thuốc lá lậu sẽ tiếp tục tăng.”

(Trích lời Thủ tướng Malaysia ngày 8/10/2011).

Bài học của Ireland:

Sau khi giá tăng 20% trong giai đoạn 2006-2009 do thuế TTĐB tăng liên tục (tăng 22% tính trên đơn vị 1.000 điếu), thuốc lá lậu ở Ireland đã tăng đột biến lên 22,3%, trong khi tỷ lệ hút thuốc không thay đổi.

"Tôi đã quyết định không thay đổi thuế TTĐB với thuốc lá cho ngân sách năm tới, bởi tôi tin rằng, giá cao đang thúc đẩy nạn buôn lậu thuốc lá. Trách nhiệm của tôi trên cương vị Bộ trưởng Tài chính là bảo vệ nguồn thu thuế."

(Trích lời Bộ trưởng Tài chính Ireland, ngày 9/12/2009).

Bài học của Singapore:

Giá thuốc lá hợp pháp tăng 39% trong các năm từ 2003-2006 do thuế TTĐB tăng liên tục (tăng 38% tính trên đơn vị 1.000 điếu) đã khiến thuốc lá hợp pháp giảm sản lượng 38%, dẫn đến thu ngân sách nhà nước giảm 17%.

"Tôi đã nghiêm túc xem xét việc tăng thuế thuốc lá, nhưng tôi lại quyết định không làm vậy, bởi vì chúng ta đã và đang thấy thu ngân sách giảm, không phải vì người ta giảm hút thuốc mà vì thuốc lá lậu đã tăng lên."

(Trích lời Bộ trưởng Tài chính Singapore trong bài phát biểu về ngân sách năm 2006).

Hút thuốc gây ảnh hưởng đến sức khoẻ con người, là nguyên nhân của 25 căn bệnh trong đó có nhiều căn bệnh nguy hiểm, như ung thư phổi, ung thư vòm họng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính...

Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành (GATS) năm 2010 tại Việt Nam:

(i) Tỷ lệ người hút thuốc so với các nước trong khu vực và trên thế giới là cao, cụ thể: Tỷ lệ người hút thuốc lá ở độ tuổi từ 15 tuổi trở lên là 47,4% đối với nam giới và 1,4% đối với nữ. Tỷ lệ những người hút thuốc hiện tại là 23,8% tương đương với 15 triệu người;

(ii) 45% người không hút thuốc bị hút khói thuốc bị động ở những nơi làm việc trong nhà. Việt Nam đã ký kết và tham gia Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) từ ngày 1/1/2005. Tại Điều 6, Công ước Khung về các biện pháp về giá và thuế nhằm giảm cầu về thuốc lá có quy định “1. Các biện pháp về giá và thuế là những biện pháp quan trọng và hữu hiệu để giảm tiêu thụ thuốc lá trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là thanh thiếu niên.”

Tại khoản 2, Điều 4, Luật phòng chống tác hại của thuốc lá có quy định: “Áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá”.

Tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá của Việt Nam hiện là 45% là mức thấp và đứng thứ 6 so với các nước trong khu vực (Thái Lan là 70%; Singapore là 69%; Indonesia: 52%; Myanmar: 50%; Malaysia: 45%) và thấp so với các nước phát triển (Australia 62%, Đức: 75%, Pháp 80%...). Qua báo cáo của các tổ chức y tế liên quan (Chương trình Phòng chống tác hại thuốc lá quốc gia - Bộ Y tế, WHO...), do thu nhập của người dân tăng lên từ 1998 đến nay, nên sức mua thuốc lá (hay khoản chi tiêu dành cho việc sử dụng thuốc lá) tăng gấp 2,5 lần, dẫn đến thuốc lá tiêu thụ ngày càng nhiều hơn.

Xuất phát từ các lý do nêu trên, Bộ Tài chính thấy rằng, việc tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá là cần thiết để định hướng tiêu dùng. Do đó, đề xuất 2 phương án tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá và dự kiến ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước và thuế TTĐB từ năm 2015 đến năm 2018 như sau:

Phương án 1: Áp dụng mức thuế suất theo tỷ lệ % trên giá bán của cơ sở sản xuất và nâng mức thuế suất thuế TTĐB từ 65% lên 75% và có lộ trình tăng thêm 10% áp dụng từ năm 2018.

Dự kiến tăng số thu ngân sách năm 2016: 2.930 tỷ đồng; năm 2017: 3.300 tỷ đồng; năm 2018: 7.700 tỷ đồng.

Phương án 2: Áp dụng mức thuế tuyệt đối kết hợp với tăng mức thuế tương đối. Theo đó: Mức thuế tuyệt đối áp dụng đối với bao thuốc lá xuất xưởng (bao 20 điếu) là 500 đồng/bao và nâng mức thuế suất tương đối từ 65% lên 70% và có lộ trình tăng 10% vào năm 2018. Dự kiến, năm 2016 số thu ngân sách tăng 3.300 tỷ đồng và năm 2017 là 3.563 tỷ đồng, năm 2018 là 7.749 tỷ đồng.

Phương án này có ưu điểm: Giảm tỷ lệ hút thuốc lá thấp cấp và phù hợp với khuyến nghị của WHO và Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.

Phương án này có nhược điểm:

+ Phức tạp và khó bảo đảm cạnh tranh công bằng do tỷ lệ điều tiết và mức độ ảnh hưởng của thuế tới giá bán thuốc lá khác nhau. Tỷ lệ điều tiết của thuế đối với thuốc lá thấp cao hơn thuốc lá cao cấp.

+ Mức tuyệt đối về giá thuốc lá và mức thuế lạc hậu nhanh do lạm phát; do đó, phải điều chỉnh theo mức lạm phát.

Xuất phát từ ưu nhược điểm 2 phương án nêu trên, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo phương án 1.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư