Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thương chiến tiếp tục “báo hại” xuất khẩu của Trung Quốc
Lê Quân (AFP) - 08/11/2019 17:00
 
Xuất khẩu tháng 10 của Trung Quốc hứng chịu tháng trượt dốc thứ 3 do tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Xuất khẩu tháng 10 của Trung Quốc giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: AFP
Xuất khẩu tháng 10 của Trung Quốc giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: AFP

Số liệu hải quan cho thấy xuất khẩu tháng 10 của Trung Quốc giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức giảm 3,2% trong tháng 9 và mức dự báo trước đó. Đáng nói, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ - điểm mấu chốt trong nguồn cơn của Mỹ - tăng lên 26,42 tỷ USD.

Trước đó, các chuyên gia kinh tế dự báo với Bloomberg rằng xuất khẩu tháng 10 của Trung Quốc sẽ “tụt ga” 3,9%, còn nhập khẩu của nước này sẽ hứng chịu tháng lao dốc thứ 6 liên tiếp với mức giảm 6,4%.

Hai siêu cường kinh tế “sa lầy” trong thương chiến hơn 1 năm qua với các đòn thuế quan “ăn miếng trả miếng” lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau. Những tuần qua, các thị trường tái chính vẫn "sống tốt" với kỳ vọng hai bên sớm hoàn tất thỏa thuận “giai đoạn 1” để khởi đầu cho thỏa thuận lớn hơn trong thời gian tới.

Thương chiến Mỹ - Trung hôm qua có dấu hiệu “hạ nhiệt” trong khi Bắc Kinh đang loay hoay kích thích mọi động lực tăng trưởng trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa trên thế giới tụt dốc. Phía Trung Quốc cho biết hai bên đã nhất trí kế hoạch gỡ bỏ thuế quan áp lên hàng hóa của nhau theo từng giai đoạn nếu thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” được hoàn tất.

Ken Cheung Kin Tai, chuyên gia cao cấp tại Ngân hàng Mizuho cho rằng những con số thương mại trên sẽ giúp bớt lo ngại tăng trưởng quý 4 của Trung Quốc tiếp tục sụt giảm do thương chiến. GDP Trung Quốc tăng 6% trong quý 3, mức thấp nhất trong 27 năm qua.

Các nhà phân tích cảnh báo thương mại sụt giảm tiếp tục kéo tụt triển vọng kinh tế toàn cầu. Tommy Wu, chuyên gia cao cấp tại công ty dự báo và phân tích thị trường Oxford Economics (Vương quốc Anh) đánh giá, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại và những bất ổn xoay quanh thương chiến Mỹ - Trung sẽ tiếp tục “báo hại” triển vọng thương mại của Trung Quốc cũng như nhu cầu nhập khẩu toàn cầu.

Các biện pháp nới lỏng và hỗ trợ từ chính phủ Trung Quốc có thể giúp ổn định tăng trưởng kinh tế nước này, Wu nói thêm.

Martin Rasmussen, chuyên gia kinh tế Trung Quốc của công ty tư vấn và nghiên cứu kinh tế vĩ mô Capital Economics (Vương quốc Anh) cho rằng, mức sụt giảm trong kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã “dễ thở hơn” trong tháng 10.

Tuy nhiên, kể cả hai bên đạt thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1”, cũng khó có thể tháo gỡ khó khăn cho các nhà xuất khẩu và lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc vẫn duy trì ở mức thấp trong những tháng tới, ông Rasmussen nhận định.

“Bóng dáng” thương chiến Mỹ - Trung ngày càng rõ trong dòng vốn FDI
“Bóng dáng” của thương chiến Mỹ - Trung ngày càng lộ rõ trong dòng vốn đầu tư nước ngoài đang đổ vào Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư