Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Thương hiệu cho “Ký ức Hội An”
Hà Minh - 29/08/2018 08:47
 
Có một “chiếc thuyền” kỳ lạ đang đi “ngược sóng”, xuyên thời gian đưa du khách trở về quá khứ, chạm vào những mảnh ghép ký ức của một thương cảng quốc tế sầm uất, nơi các thương nhân khắp Đông - Tây mang đến “bồi đắp” bên dòng Thu Bồn, hòa cùng truyền thống bản địa tạo nên lớp trầm tích văn hóa đa dạng nhưng hài hòa, đặc trưng riêng có của Hội An.
TIN LIÊN QUAN

Những nét chấm phá đặc sắc

Con thuyền ấy mang tên “Ấn tượng Hội An”, với cánh buồm  “Ký ức Hội An” no gió đang kiêu hãnh chở những hình ảnh đầy tự hào của Hội An, Việt Nam đến du khách trong nước và quốc tế thông qua mô hình Công viên văn hóa chủ đề lấy biểu diễn thực cảnh làm hạt nhân.

Hình tượng chiếc thuyền buồm no gió mũi hướng đại dương được tạc dựng ngay bên trái sân khấu thực cảnh “Ký ức Hội An”. Chiếc thuyền đi qua bao nhiêu giông gió biển khơi, cuối cùng cũng cập bờ, mang theo niềm hạnh phúc vô biên. Hạnh phúc thực sự vỡ òa cho một tình yêu bị dồn nén cảm xúc bởi sự chờ đợi.

Những lớp lang văn hóa về đô thị cổ Hội An, chiếc thuyền, khung cửi… cùng 500 diễn viên ẩn hiện dưới ánh sáng kì bí đã tôn lên sự hoành tráng sân khấu thực cảnh “Ký ức Hội An”
Những lớp lang văn hóa về đô thị cổ Hội An, chiếc thuyền, khung cửi… cùng 500 diễn viên ẩn hiện dưới ánh sáng kì bí đã tôn lên sự hoành tráng sân khấu thực cảnh “Ký ức Hội An”

Trên chiếc thuyền ấy là sự sáng tạo, tâm huyết của nhà đầu tư, cố vấn, tổ chức, đạo diễn và hơn 500 diễn viên ngày đêm miệt mài khổ luyện với khát vọng ngược về quá khứ bằng sự trân trọng và nghiêm túc tái hiện lên những hoạt động văn hóa, kinh tế, giao thương; những hoạt động sản xuất của nền văn hóa lúa nước, như là chiếc nôi của nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc.

Nếu chiếc thuyền như là nét điểm xuyết cho những nghị lực phi thường, để nhà đầu tư cùng đội ngũ tư vấn am tường về văn hóa Hội An, Quảng Nam - Đà Nẵng vượt qua những khó khăn, trắc trở đưa sản phẩm văn hóa đặc sắc, đặc biệt đến với công chúng thì chiếc khung cửi quay tơ, dệt lụa lại như “sợi chỉ xanh” xuyên suốt đêm diễn dệt lên những ký ức đẹp đẽ, dung dị, mộc mạc, gần gũi và thân quen của một Hội An màu mỡ trầm tích văn hóa.

Chiếc khung cửi nhịp nhàng đưa thoi khi kết thúc show diễn được truyền lại cho một cô gái trẻ, như ngầm ý trao lại những ý tưởng, thành quả để thế hệ sau tiếp tục gìn giữ, phát huy và xây dựng một Hội An phồn thịnh và thanh bình bên dòng Sông Hoài sâu lắng, tiếp nối dòng chảy thương mại dù không hối hả nhưng luôn ẩn chứa những nội lực phi thường…

Mang ý tưởng du lịch sáng tạo

Nếu ai đã từng đặt chân vào sân khấu trên diện tích hơn 25.000 m2 được dựng lên trên roi đất giữa sông Hoài thơ mộng sẽ cảm nhận được mức độ hoành tráng và những lớp lang của đô thị cổ hun hút đến tận đường chân trời.

Ông Đào Quang Tùng, Tổng giám đốc Gami Themepark cho biết: “Xuất phát từ tình yêu tha thiết với mảnh đất di sản Hội An, chúng tôi tâm niệm rằng, để bảo tồn di sản bền vững luôn bao gồm hai yếu tố trùng tu, tôn tạo và phát huy, khai thác các giá trị kinh tế cho địa phương trên nền tảng di sản”.

“Ấn tượng Hội An” được phát triển với 3 tiêu chí: dùng ý tưởng khác biệt để truyền tải những giá trị truyền thống; tạo cảm xúc và ấn tượng trong trải nghiệm cho du khách, đem lại giá trị gia tăng cao về văn hóa, xã hội cho địa phương.

Điều này được ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chia sẻ rằng: “Du lịch sáng tạo, hay các loại hình sản phẩm mang tính sáng tạo là một trong những hướng đi quan trọng mà Tổng cục hướng đến, nhằm cấu trúc ngành du lịch với 6 nhóm vấn đề chính, sau khi Quốc hội thông qua Luật Du lịch và Bộ Chính trị ra Nghị quyết 18 về phát triển du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn”.

“Công viên văn hóa chủ đề Ấn tượng Hội An vừa mới khai trương với điểm nhấn là vở diễn thực cảnh “Ký ức Hội An” đã đáp ứng được các tiêu chí và là một sản phẩm du lịch tiêu biểu, tiên phong trong phát triển các sản phẩm du lịch sáng tạo. Đây là một sản phẩm được đầu tư công phu, bài bản, quy mô hoành tráng xuất phát từ một tầm nhìn xa và một giấc mơ lớn - đang nổi lên như một điểm đến “phải đến, phải xem” khi đến Hội An”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Và cạnh tranh đô thị

Sở hữu những giá trị địa lý, lịch sử và văn hóa vượt trội suốt chiều dài phát triển, những lợi thế này cùng kiến trúc cổ xưa với những trầm tích văn hóa được lưu giữ trong từng nếp nhà cổ rêu phong đã và đang đem lại lợi thế cạnh tranh có sức hút mạnh mẽ đối với du khách khi đến Hội An.

Phó giám đốc Học viện Quản lý Xây dựng và đô thị Việt Nam, ông Phạm Văn Bộ cho rằng, là đô thị cổ, Hội An đã có những cạnh tranh vượt trội. Những sản phẩm du lịch tại Hội An phải được đầu tư, phát triển có tính cạnh tranh cao để nâng tầm đô thị du lịch Hội An với các đô thị khác trong khu vực và thế giới.

Lần đầu tiên xem show diễn thực cảnh “Ký ức Hội An”, vở diễn khai thác ký ức theo chiều dài lịch sử cũng như các làng nghề truyền thống của Hội An, ngay lập tức đã bị hút hồn, chuyên gia Phạm Văn Bộ chia sẻ: “Đây là một sản phẩm rất “đẹp”, sản phẩm du lịch “tử tế” có sức cuốn hút kỳ lạ đối với người xem. Đồng thời, là một sản phẩm có tính chất cạnh tranh trong xu hướng cạnh tranh đô thị. Bởi vì, mỗi đô thị phải tạo ra sự khác biệt. Nếu như đô thị nào cũng giống đô thị nào thì sẽ có cảm giác vô hồn. Xem vở diễn, nhiều khi thấy cay lòng mắt, xúc động quá. Hồn dân tộc cứ dâng trào lên trong con người mình”!

Chuyên gia Phạm Văn Bộ cũng chia sẻ, nhiều lần đến Hội An, dạo quanh phố cổ, những con đường hẹp, mái ngói, bờ tường rêu phong phủ kín dấu ấn thời gian nay đang bị bê tông hóa, bị nhiều nét văn hóa trộn lẫn, hòa tan với cơ chế thị trường. Nhưng ở Công viên chủ đề “Ấn tượng Hội An” thì lại thuần cổ tạo ra sự hấp dẫn hơn trong việc cảm nhận cái đẹp tận sâu thẳm của bề dày văn hóa của con người và về một vùng đất làm cho người xem có cảm giác đi vào quá khứ một cách nhẹ nhàng, lắng đọng, tự nhiên như những mạch nguồn tìm về một dòng sông rồi xuôi ra biển lớn.

Một sản phẩm du lịch mới cần có thời gian để bám rễ vào lòng du khách. Thực cảnh “Ký ức Hội An” cũng vậy. Dẫu có cố gắng, nỗ lực vẫn còn những điểm cần được gọt rũa thêm. Những người đang chung tay, góp sức lực và trí tuệ của mình để gầy dựng nên một thương hiệu du lịch trong lĩnh vực văn hóa luôn cầu thị, lắng nghe những ý kiến phản biện để điều chỉnh cho Công viên văn hóa chủ đề “Ấn tượng Hội An” và Thực cảnh “Ký ức Hội An” được hoàn mỹ, tròn trịa hơn.

Ý kiến – Nhận định

Sản phẩm của những người chuyên nghiệp.

GS Tạ Ngọc Tấn, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Những hình tượng nghệ thuật được hình tượng hóa rất hay, chỉ có những người chuyên nghiệp mới có thể làm ra được một sản phẩm như thế.

Không có một chương trình nào có thể so sánh với Ký ức Hội An.

Nhà thiết kế Minh Hạnh

Cho đến bây giờ, có thể khẳng định, ở Việt Nam, không có một chương trình nào có thể so sánh với Ký ức Hội An. Nó là một sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, có giá trị bền vững cần được bảo vệ. Chúng ta cần phải bảo vệ sản phẩm, bảo vệ nhà đầu tư như bảo vệ một giá trị nghệ thuật đích thực. Những người làm văn hóa như chúng tôi sẽ đồng hành cùng nhà sản xuất Ký ức Hội An để các giá trị được phát huy và bền vững.

Ngôn ngữ sân khấu làm cho các giá trị cốt lõi đó được lan tỏa.

TS. Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương

Mảnh đất này có nhiều điều sâu lắng nếu truyền bá được nó, truyền lại được cho đời sau thì rất quý. Diễn đạt lịch sử của vùng đất này bằng ngôn ngữ sân khấu thì hay lắm. Ta phải làm cho các giá trị cốt lõi đó được lan tỏa. Văn hóa phải là tinh hoa. Một sản phẩm văn hóa du lịch thì nhất định phải là tinh hoa.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư