Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Thương mại toàn cầu suy giảm mạnh
Thế Hải - 27/09/2023 14:31
 
Doanh số thương mại toàn cầu trong tháng 7/2023 giảm 3,2% so với cùng tháng năm ngoái, tốc độ giảm mạnh nhất trong gần 3 năm, trong khi chỉ số niềm tin cho thấy, thương mại toàn cầu còn yếu trong những tháng tới.
Thương mại toàn cầu suy giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ đại dịch Covid-19
Thương mại toàn cầu suy giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ đại dịch covid-19

Doanh số thương mại toàn cầu trong tháng 7/2023 giảm 3,2% so với cùng tháng năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ những tháng đầu của đại dịch vào tháng 8/2020, dữ liệu mới nhất của Cơ quan Phân tích chính sách kinh tế Hà Lan (CPB) công bố hôm 25/9 cho biết.

Trước đó, khối lượng thương mại toàn cầu đã giảm 2,4% trong tháng 6. Số liệu của tháng 7 bổ sung thêm bằng chứng cho thấy tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại.

Sau khi bùng nổ trong thời kỳ đại dịch, nhu cầu xuất khẩu hàng hóa toàn cầu suy yếu dần do lạm phát cao và chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương bắt đầu từ năm 2022. Một nguyên nhân khác là người tiêu dùng phương Tây đang chi tiêu  nhiều cho các dịch vụ trong nước khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa.

Sự suy giảm của hoạt động xuất khẩu diễn ra trên diện rộng, với hầu hết các nước trên thế giới đều báo cáo doanh số thương mại giảm trong tháng 7.

Trung Quốc, nước xuất khẩu hàng hoá lớn nhất thế giới, có khối lượng xuất khẩu hàng hoá giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 7.

Đối với khu vực Eurozone, mức giảm là 2,5%, trong khi Mỹ chứng kiến mức giảm 0,6% khối lượng xuất khẩu trong tháng 7.

Các chỉ số niềm tin cho thấy thương mại toàn cầu sẽ còn yếu trong những tháng sắp tới.

Cụ thể, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global theo dõi đơn hàng xuất khẩu mới báo hiệu một sự sụt giảm mạnh mẽ trong tháng 8 và tháng 9 ở cả Mỹ, Eurozone và Anh. Các nhà kinh tế học đang dự báo khối lượng xuất khẩu của Eurozone cả năm nay đi ngang so với năm ngoái, thay vì tăng 2% như dự báo đưa ra hồi đầu năm.

Dù lãi suất dự kiến sẽ không tăng thêm trong những tháng tới, nhưng các ngân hàng trung ương khó có thể sớm giảm chi phí vay cho đến khi có thêm bằng chứng cho thấy áp lực giá cơ bản đã được kiểm soát. Các nhà phân tích cho rằng tình trạng thắt chặt tín dụng sẽ tiếp tục gây áp lực lên hoạt động xuất khẩu.

Ngoài tăng trưởng kinh tế yếu đi, căng thẳng địa chính trị cũng là một nhân tố khiến thương mại giảm sút. Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho rằng các hạn chế thương mại đã gây cản trở xuất khẩu từ năm 2018 đến nay.

Thương mại toàn cầu suy giảm mạnh đã tác động trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của nước ta. Với quy mô xuất nhập khẩu trên 730 tỷ USD vào cuối năm ngoái, các ngành xuất khẩu của Việt Nam đã đối diện đà suy giảm khá mạnh từ quý cuối cùng của năm 2022 đến nay.

Số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho hay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước tính từ đầu năm đến hết ngày 15/9 đạt 464,08 tỷ USD, giảm 11,9%, tương ứng giảm 62,82 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 242 tỷ USD, giảm 8,8% tương ứng giảm 23,44 tỷ USD, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 222 tỷ USD, giảm 15,1%, tương ứng giảm 39,38 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.

Một số nhóm hàng xuất khẩu từ chục tỷ đến vài chục tỷ USD giảm sâu như: điện thoại các loại & linh kiện giảm 6,06 tỷ USD, tương ứng giảm 14,3%; hàng dệt may giảm 3,8 tỷ USD, tương ứng giảm 13,8%; giày dép các loại giảm 3,18 tỷ USD, tương ứng giảm 18,6%;  máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng giảm 2,95 tỷ USD, tương ứng giảm 9,3%; gỗ & sản phẩm gỗ giảm 2,66 tỷ USD, tương ứng giảm 22,8%;... so với cùng kỳ năm 2022.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư