Thứ Bảy, Ngày 26 tháng 07 năm 2025,
Liên kết vùng trồng, mở lối tiêu thụ cho nông sản Hà Nội
Linh Nguyễn - 24/07/2025 20:28
 
Từ những mô hình lúa chất lượng cao đến vùng trồng dược liệu gắn chế biến, Hà Nội đang dần thay đổi cách làm nông nghiệp từ mạnh ai nấy làm sang sản xuất theo chuỗi, có đầu vào, đầu ra, có hợp đồng, thị trường…

Trên những cánh đồng lúa của xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai), thay vì tự bán đứt gạo qua thương lái như trước đây, hàng trăm hộ nông dân đã canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, có sự đồng hành kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông, đầu ra được doanh nghiệp bao tiêu.

Lúa chất lượng cao như Bắc thơm số 7, Đài thơm 8 hay nếp cái hoa vàng vốn từng “trầy trật” đầu ra nay đã trở thành nguồn nguyên liệu ổn định cho các bếp ăn tập thể và trường học tại Thủ đô.

Ông Đỗ Văn Kiên, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tam Hưng chia sẻ: “Chúng tôi duy trì 250 ha nếp cái hoa vàng và gần 500 ha các giống lúa chất lượng khác. Mỗi năm cung cấp khoảng 700 tấn gạo. Từ khi liên kết với doanh nghiệp, bà con yên tâm làm theo quy trình, không còn cảnh được mùa mất giá như trước”.

Tương tự, tại phường Tùng Thiện, hợp tác xã Phúc Lâm đang mở hướng mới với cây dược liệu. Trên diện tích 3 ha, năng suất đạt 8,5 tấn/ha, sau chế biến thu về 1,2 tấn dược liệu khô. Trừ chi phí, lợi nhuận khoảng 225 triệu đồng/ha mỗi vụ, con số hiếm thấy ở nông nghiệp truyền thống.

“Vì có đầu ra ổn định, hợp tác xã kiểm soát luôn được khâu chăm sóc, chất lượng dược liệu, từ đó nâng vị thế sản phẩm”, Giám đốc Uông Thị Tuyết Nhung nói.

Mô hình trồng cây dược liệu tại Hợp tác xã Phúc Lâm, phường Tùng Thiện. Ảnh: Ánh Ngọc

Theo ông Đoàn Đức Dân, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, các mô hình liên kết đã giúp tăng hiệu quả kinh tế 10 - 20%, đặc biệt nhờ có doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ, tham gia từ khâu giống, kỹ thuật đến thu mua. 

“Liên kết giúp người trồng nhìn thấy được thị trường, doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu, Nhà nước giảm áp lực giải cứu mỗi khi giá rớt, đó là nông nghiệp có tổ chức”, ông Dân nhận định.

Dù được đánh giá cao, nhiều mô hình liên kết vẫn dừng lại ở thí điểm, chưa có sự lan tỏa. Một phần vì thiếu quy hoạch vùng sản xuất đủ lớn, phần khác đến từ sự đứt gãy hợp đồng khi giá thị trường tăng, nông dân phá hợp đồng, bán tự do. Doanh nghiệp bị động, nông dân lại quay về vòng luẩn quẩn cũ.

Do vậy, muốn sản xuất chuyên nghiệp, phải có vùng trồng tập trung, có giám sát thực hiện hợp đồng, có hỗ trợ lãi suất để hợp tác xã đầu tư sơ chế, bảo quản. Hiện doanh nghiệp vừa làm, vừa lo, thiếu đòn bẩy tài chính nên khó mở rộng”.

Ở góc độ quản lý, nhiều địa phương vẫn còn xem mô hình chuỗi giá trị là khuyến khích, thay vì coi là nhiệm vụ chuyển đổi tất yếu. Trong khi đó, quy trình VietGAP hay hữu cơ dù được phổ biến rộng rãi nhưng chưa có cơ chế kiểm soát chất lượng đồng đều, dẫn tới thiếu niềm tin từ phía tiêu dùng.

Về phía người sản xuất, thay đổi tư duy từ sản xuất tự phát sang sản xuất có đơn đặt hàng chính là yếu tố quan trọng nhất. Khi nông dân làm theo thị trường, doanh nghiệp có nguyên liệu ổn định, Nhà nước có công cụ kiểm soát chất lượng, chuỗi giá trị mới trở thành “kiềng ba chân” vững chắc của nông nghiệp hiện đại.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết: “Trong thời gian tới, các mô hình liên kết hiệu quả sẽ được lựa chọn, đánh giá và nhân rộng theo hướng chính quy, bài bản. Không thể phát triển chuỗi nếu vùng nguyên liệu phân mảnh, sản xuất không đồng đều. Chúng tôi sẽ phối hợp các quận, huyện quy hoạch lại vùng trồng, mở rộng diện tích đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và VietGAP, tiến tới đủ sản lượng cho xuất khẩu”.

Theo ông Phương, việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ và lồng ghép các chương trình như OCOP, chuyển đổi số vào chuỗi sản xuất là ưu tiên, Thành phố cũng sẽ tăng cường quảng bá sản phẩm tại các kênh phân phối hiện đại và hội chợ chuyên ngành.

Đồng thời, Thành phố sẽ xem xét cơ chế ưu đãi lãi suất, hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà sơ chế, kho lạnh và xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước.

Hà Nội: Đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa và liên kết vùng năm 2025
Năm 2025, thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ các tỉnh, thành phố trên cả nước tổ chức từ 10 đến 15 tuần lễ trái cây, hàng nông sản tại Hà Nội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư