Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thủy sản gỡ “thẻ vàng” để đón cơ hội từ EVFTA
Thu Phương - 08/07/2019 08:23
 
Thủy sản là một trong những ngành hàng được đánh giá là được hưởng lợi lớn khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được phê chuẩn. Song để “chớp” được cơ hội, ngành thủy sản cần phải nhanh chóng gỡ được “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).
Nghe bài viết này tại đây :
EVFTA với việc giảm thuế mặt hàng thủy sản về 0% được kỳ vọng giúp doanh thu xuất khẩu vào thị trường EU tăng mạnh trong thời gian tới. Ảnh: Đức Thanh
EVFTA với việc giảm thuế mặt hàng thủy sản về 0% được kỳ vọng giúp doanh thu xuất khẩu vào thị trường EU tăng mạnh trong thời gian tới. Ảnh: Đức Thanh

90% số dòng thuế được cắt giảm

Hiệp định EVFTA được ký kết, có tới 90% số dòng thuế của mặt hàng thủy sản được cam kết cắt giảm về 0% với lộ trình dài nhất là 7 năm. Đây là cú hích lớn để ngành thủy sản bứt phá.

EU hiện là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Thị trường này luôn chiếm 17-18% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Trong đó, riêng sản phẩm tôm, EU chiếm 22% tỷ trọng xuất khẩu, cá tra chiếm 11%, các mặt hàng hải sản chiếm 30 - 35%.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mức thuế nhập khẩu thủy sản vào EU hiện nay trung bình là 14%, trong đó, nhiều mặt hàng chịu thuế cao tới 26%, nhưng khi EVFTA có hiệu lực, có khoảng 840 dòng thuế suất cơ sở, chiếm khoảng 50% số dòng thuế đối với sản phẩm thủy sản sẽ giảm về 0%; số còn lại có lộ trình cắt giảm từ 3 - 7 năm.

“EU là thị trường quan trọng đối với ngành thủy sản, nhất là mặt hàng tôm. Thuế nhập khẩu tôm vào thị trường này sẽ giảm mạnh từ năm đầu tiên, sau đó giảm dần về 0% trong những năm tiếp theo. Ngoài tôm, cá ngừ cũng có nhiều lợi thế. Thái Lan, Trung Quốc đang là hai đối thủ lớn nhất của Việt Nam, nắm giữ thị phần xuất khẩu lớn, nhưng cả hai quốc gia trên đều chưa ký kết hiệp định thương mại tự do với EU”, ông Hòe nói.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Hải Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Agrex Sài Gòn nhìn nhận: “Chúng tôi kỳ vọng EVFTA với việc giảm thuế về 0% theo lộ trình từ 3-7 năm sẽ tạo ra cơ hội lớn hơn, giúp doanh thu xuất khẩu vào thị trường này tăng mạnh trong thời gian tới. Cùng với đó, giá nguyên liệu đầu vào từ EU nhập về cũng sẽ rẻ hơn, tạo thêm thuận lợi cho doanh nghiệp”.

Bên cạnh những lợi thế, Hiệp định EVFTA có một số thách thức về hàng rào kỹ thuật mà các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cần phải lưu ý. TS. Phạm Văn Chắt, báo cáo viên Bộ Công thương cho biết, các sản phẩm thủy sản khi nhập khẩu vào EU phải có chứng nhận chính thức của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu ngoài EU. Cơ quan này được EC công nhận. Đây là điều kiện tiên quyết đối với các nước xuất khẩu để đủ điều kiện xuất khẩu thủy sản sang EU.

Được biết, các sản phẩm thủy sản nhập khẩu vào EU phải qua chứng nhận của Trạm giám định biên giới. Mỗi hàng gửi phải chịu kiểm tra tài liệu một cách hệ thống, kiểm tra tính đồng nhất và kiểm tra vật lý.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/1/2010, EC đã thiết lập Hệ thống Kiểm soát nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xoá bỏ hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản bất hợp pháp (IUU).

Thực thi luật trên, ngày 23/10/2017, EC đã cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Đến nay EC vẫn chưa thu hồi thẻ vàng, mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực, song kết quả đạt được vẫn còn khoảng cách nhất định với những yêu cầu, khuyến nghị từ phía EC.

Nỗ lực gỡ “thẻ vàng” EC

Ông Nguyễn Ngọc Oai, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết,  thời gian tới, ngành sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc gỡ "thẻ vàng" của EC. Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong những tháng cuối năm vì không nếu gỡ được "thẻ vàng" sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thủy sản, đời sống bà con ngư dân. Mặt khác, sẽ gây trở ngại cho ngành thủy sản bước vào EVFTA. 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đánh giá, thực tế kết quả khắc phục “thẻ vàng” mà các địa phương đạt được hiện nay so với các yêu cầu, khuyến nghị từ phía EC còn khoảng cách nhất định.

Một trong những nguyên nhân cơ bản là các địa phương chưa thực sự vào cuộc một cách quyết liệt, trong khi từ Chính phủ, bộ, ngành Trung ương đều rất quyết liệt. “Nói cách khác, đây là tình trạng trên nóng mà dưới lạnh”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Ông Tiến đề nghị, cần tăng cường kiểm tra, giám sát, tổng hợp thực tiễn, từ đó có các giải pháp cụ thể khắc phục thẻ vàng của EC. Các đơn vị chức năng cần tham mưu, tổ chức triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp khắc phục thẻ vàng, trong đó duy trì việc họp Ban chỉ đạo quốc gia về khai thác IUU hàng tháng; tăng cường tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình chống khai thác IUU tại các địa phương trọng điểm. Ban hành các văn bản hướng dẫn và kiểm tra tại thực địa về công tác chuẩn bị tiếp và làm việc với Đoàn thanh tra của EC vào tháng 10/2019.

Theo VASEP, năm 2018, thẻ vàng IUU đã khiến EU giảm nhập khẩu hải sản khai thác từ Việt Nam và dự báo tiếp tục giảm trong năm nay. Các mặt hàng mực, bạch tuộc, cua ghẹ, cá biển sang EU sẽ giảm mạnh do vướng mắc trong thủ tục chứng nhận xác nhận nguồn gốc khai thác.
VASEP: Doanh nghiệp thuỷ sản gặp khó tại thị trường trong nước do thiếu... quy định
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), việc Bộ Nông nghiệp chưa ban hành quy định về dư lượng tối đa cho phép (MRL) với...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư