Thứ Sáu, Ngày 02 tháng 05 năm 2025,
Thủy sản Thừa Thiên Huế: Lựa chọn bước đi vững chắc
Sơn Thắng - 28/03/2014 08:42
 
Thừa Thiên Huế xây dựng chiến lược phát triển kết hợp với chính sách trợ giúp phù hợp nhằm hỗ trợ ngành thủy sản phát triển bền vững.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Xuất khẩu nông sản bứt phá trong quý I/2014
Xây dựng chiến lược phát triển ngành thủy sản bền vững
Nâng tầm thương hiệu cá ngừ Phú Yên
Sẵn sàng cho một Festival thủy sản đặc sắc

Thế mạnh từ con tôm

Năm 2013, diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 6.326,2 ha, tăng 4,8% so với năm trước đó. Các địa phương trong tỉnh đã chú trọng nuôi xen ghép các loại thủy sản, như tôm, cua, cá…, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, đồng thời hạn chế dịch bệnh.

  Thủy sản Thừa Thiên Huế: Lựa chọn bước đi vững chắc  
  Tôm là sản phẩm có thế mạnh của tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Đức Thanh  

Năm ngoái, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Thừa Thiên Huế ước đạt 9.973 tấn, tăng 4,5%; trong đó sản lượng tôm các loại tăng 1,8%, cá các loại tăng 8,5%, cua tăng 15,5%.

Sản lượng khai thác đạt 27.219 tấn, tăng 2,6%, trong đó khai thác biển đạt 24.206 tấn (tăng 2,9%), khai thác sông, đầm giảm 0,2%.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2014, tỉnh chủ trương tiếp tục ổn định diện tích nuôi cao triều và hạ triều; kiểm soát an toàn dịch bệnh; quản lý vùng tôm nguyên liệu để cung cấp ổn định cho nhà máy chế biến; tiếp tục thực hiện Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản; bảo vệ các khu bãi giống, bãi đẻ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác khuyến ngư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật các vùng nuôi tập trung, lồng ghép thực hiện phát triển kinh tế biển.

Ông Lê Trường Lưu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thế mạnh lớn nhất của tỉnh là nuôi tôm. Năm 2013, sản lượng tôm đạt gần 2.000 tấn.

“Vụ nuôi năm nay, ngành thủy sản tỉnh đã hướng dẫn người dân áp dụng và phát triển mô hình nuôi tôm theo quy trình VietGAP, cung ứng cho thị trường sản phẩm sạch, hiệu quả kinh tế cao. Đời sống người dân tại các vùng ven biển được cải thiện đáng kể. Thu lợi từ mỗi chuyến ra khơi, kết hợp với phát triển nuôi thủy sản đã góp phần tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình”, ông Lưu cho biết.

Gần đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thống nhất phương án mở rộng diện tích nuôi tôm vùng quy hoạch nuôi tôm trên cát xã Điền Môn (huyện Phong Điền) thêm khoảng 85 ha.

Trên cơ sở đó, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cung cấp tôm giống, thức ăn nuôi tôm, quy trình kỹ thuật nuôi để hỗ trợ các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu chế biến của Công ty.

Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản với kinh phí 24 triệu USD, công suất 9.500 tấn sản phẩm/năm, thu hút hơn 1.000 lao động. Cuối tháng 2/2014, công ty này xuất khẩu được trên 600 tấn tôm thẻ chân trắng thành phẩm sang thị trường Nhật, Mỹ và các nước châu Âu.

Được biết, để nhà máy hoạt động hết công suất tôm nuôi của các tổ chức, người dân có nơi tiêu thụ, giá ổn định và tránh bị tư thương chèn ép, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng tiêu thụ với các địa phương có diện tích nuôi và hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật nuôi cho các tổ chức, người dân để hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, cho ra sản phẩm sạch.

Tăng cường hỗ trợ

Hỗ trợ nuôi trồng thủy sản được chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đặc biệt quan tâm. Theo Trung tâm Khuyến nông - lâm - ngư Thừa Thiên Huế, mới đây, tỉnh đã hỗ trợ 2.500 con cá đối mục giống cho các hộ dân nuôi thủy sản tại xã Lộc An (huyện Phú Lộc).

Việc hỗ trợ nhằm thử nghiệm mô hình nuôi cá đối mục xen ghép với tôm sú và các đối tượng nuôi khác. Ngoài xã Lộc An, Trung tâm Khuyến nông - lâm - ngư tỉnh cũng đã hỗ trợ khoảng 12.000 con cá đối mục giống cho các điểm nuôi thử nghiệm ở các huyện Phú Vang và Quảng Điền.

Đại diện Trung tâm cho biết, cá đối mục là đối tượng nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện môi trường ao nuôi tôm bị suy thoái, đồng thời có thể được xem là đối tượng nuôi mới bổ sung cho mô hình nuôi tổng hợp tôm - cua - cá, góp phần tăng hiệu quả kinh tế, đảm bảo tính bền vững trong nuôi trồng thủy sản ở các vùng nuôi trên địa bàn Thừa Thiên Huế.Đây là chương trình triển khai của Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhằm phát triển nguồn lợi cá vược, đối mục và hồng mỹ, đồng thời giải quyết vùng nuôi bị ô nhiễm trên nhiều ao nuôi tôm.

Bình Định hướng tới trung tâm chế biến thủy sản hàng đầu Bình Định hướng tới trung tâm chế biến thủy sản hàng đầu

(Baodautu.vn) Với chiều dài bờ biển trên 134 km, 1.440 km2 diện tích vùng nội thủy và 40.000 km2 diện tích lãnh hải, Bình Định hội đủ điều kiện cơ bản để trở thành địa phương có ngành kinh tế biển phát triển vượt trội.  

Ngoài ra, ngay từ đầu năm 2014, tỉnh Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ 8 tàu đánh bắt thủy sản xa bờ với kinh phí trên 420 triệu đồng, trong đó gói hỗ trợ về nhiên liệu trị giá 197 triệu đồng và gói hỗ trợ máy thông tin liên lạc tầm xa sóng HF có tích hợp định vị vệ tinh trị giá 224 triệu đồng.

Cũng trong thời gian này, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ 9 máy thông tin liên lạc tầm xa sóng HF có tích hợp định vị vệ tinh cho 9 tàu cá đăng ký tham gia hoạt động xa bờ của xã Phú Thuận và thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang).

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế, do đặc điểm kinh tế và vị trí bờ biển có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc, nên địa phương cần có cơ chế hỗ trợ, tháo gỡ về vốn, trong đó có đề nghị ngân hàng cho chủ tàu thế chấp thân tàu để ngư dân đầu tư tàu mới công suất lớn và nâng cấp công suất tàu đánh bắt xa bờ hiện có.Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của Trung ương, nhất là các chính sách khai thác thủy sản đầm phá, phân quyền trong khai thác và quản lý ngư trường, khu bảo vệ thủy sản cho các chi hội nghề cá cơ sở...

Cuối năm 2013, ông Lê Trường Lưu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký Quyết định số 2554/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh sách tàu cá của tỉnh tham gia hoạt động thủy sản trên các vùng biển xa; giao các cơ quan, đơn vị chức năng phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Quyết định này, Sở Nông nghiệp và Phát triên nông thôn chủ trì phối hợp Sở Tài chính và các ban, ngành liên quan xây dựng dự toán kinh phí thực hiện hỗ trợ hàng năm, tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các chủ tàu kế hoạch trang bị đảm bảo an toàn cho tàu cá trước khi tham gia hoạt động thủy sản ở vùng biển xa, đảm bảo hoạt động khai thác thủy sản trên các vùng biển xa an toàn, hiệu quả, đồng thời tham gia tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển Việt Nam.

Phát triển bền vững

Liên quan đến phát triển thủy sản bền vững, ông Lê Trường Lưu cho rằng, để nguồn lợi thủy sản phát triển bền vững, bên cạnh quy hoạch bãi giống, bãi đẻ, thì việc tái tạo nguồn lợi thủy sản cũng đang được quan tâm.

Theo thống kê của ngành thủy sản, qua 3 thập niên, sản lượng khai thác thủy sản trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai giảm gần một nửa, từ 4.500 tấn/năm giai đoạn trước năm 1980, còn khoảng 2.500 tấn/năm hiện nay. Phương thức khai thác thủy sản trên đầm phá hiện nay có thể phân thành 2 nhóm chính là khai thác cố định (sử dụng nò sáo, đáy, rớ giàn, chuôm...) và khai thác lưu động (sử dụng lừ xếp, te máy, giã, lưới rê).

“Các loại hình khai thác này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản. Nguy hiểm hơn, có người còn dùng xung điện và chất nổ để đánh bắt thủy hải sản. Việc này tận diệt mọi sinh vật sống xung quanh, khiến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt”, ông Lưu nhận định.

Theo ông Lưu, trước báo động đỏ về nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản đã được Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đặt lên hàng đầu, nhằm góp phần bổ sung nguồn lợi thủy sản ở đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và ven biển, với kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách của Nhà nước và vốn vận động các tổ chức, cá nhân. Trong những năm qua, Chi cục đã tổ chức nhiều đợt thả tôm, cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản ở thủy vực lợ và mặn.

“Thời gian qua, chính quyền các cấp, các chi hội nghề cá tổ chức nhiều hội nghị tái tạo nguồn lợi thủy sản đến với người dân ở các vùng ven biển và đầm phá, nhằm giúp họ nâng cao nhận thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản”, ông Lưu cho biết thêm.

Chia sẻ vấn đề này, ông Nguyễn Quang Vinh Bình cho biết, tái tạo nguồn lợi thủy sản là vấn đề được tỉnh đặc biệt quan tâm và việc này đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, bà con ngư dân tiếp tục phát huy các sáng kiến, chủ động tái tạo, gìn giữ nguồn lợi thủy sản để khai thác, sử dụng lâu dài.

“Chúng tôi mong muốn bà con ngư dân có các sáng kiến phát triển nguồn lợi cua giống, cá giống… thông qua việc ươm, giữ cua, cá bố mẹ đang ôm trứng tại các khu bảo vệ thủy sản để sinh sản và phát tán nguồn lợi vào môi trường tự nhiên”, ông Bình đề nghị.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư