Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thủy sản Việt triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục “thẻ vàng” EC
Phương Anh - 26/04/2019 15:33
 
Dự kiến cuối tháng 5, đầu tháng 6, Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra và nếu kết quả không đáp ứng được các khuyến nghị của EC thì nguy cơ Việt Nam sẽ bị áp dụng biện pháp "Thẻ đỏ" là rất cao.
.
Nếu không giải quyết được các vấn đề về khai thác IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”.

Vi phạm vẫn còn gia tăng

 Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm khai thác hải sản của Việt Nam, cả hệ thống chính trị cùng toàn xã hội, cộng đồng ngư dân và doanh nghiệp thủy sản đã nỗ lực triển khai thực hiện các khuyến nghị.  Tuy nhiên, tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các nước trong khu vực biển Đông vẫn còn tiếp diễn, diễn biến phức tạp.

Theo báo cáo từ Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), trong năm 2018 đã xảy ra 85 vụ/137 tàu/1.162 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, tăng 28 vụ/46 tàu/379 ngư dân so với năm 2017, tập trung tại các nước gồm: Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Indonesia, Brunei.

Từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục xảy ra và diễn biến phức tạp, đã xảy ra 16 vụ/26 tàu/96 ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; các tỉnh có nhiều tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý gồm: Kiên Giang; Bà Rịa Vũng Tàu; Bình Định; Bến Tre; Cà Mau; Bạc Liêu; Bình Thuận.

Liên qua đến vấn đề này, thiếu tướng Bùi Trung Dũng Phó Tư lệnh Cảnh sát biển đánh giá: Thời gian qua, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước đánh bắt trái phép bằng công cụ mang tính huỷ diệt như lưới cào, xung điện… khá nhức nhối. Mới đây, Thái Lan đã tổ chức hội nghị với chủ đề đánh bắt trái phép của các nước. Trong đó, riêng của Việt Nam, vi phạm tàu cá của bà con ngư dân ghi nhận thường xuyên ở các vùng biển Indonesia, Philippines, Thái Lan. Đặc biệt, đáng báo động nhất là tình trạng đánh bắt trái phép của tàu cá Việt Nam tại Indonesia và Malaysia.

Cảnh báo nguy cơ “thẻ đỏ”

Trước tình hình trên, vừa qua Bộ NN&PTNT  đã tổ chức hội nghị “ Triển khai các biên pháp cấp bách khắc phục cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu”. Tại hội nghị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, thông tin tháng 5/2018, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của EC sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC và dự kiến cuối tháng 5, đầu tháng 6/2019 Đoàn tiếp tục vào kiểm tra thực hiện 4 nhóm khuyến nghị đề nghị Việt Nam tiếp tục khắc phục để chống khai thác IUU gồm: Khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật; truy xuất nguồn gốc.

Trường hợp bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ” thì tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU.
Trường hợp bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ” thì tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác của Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU.


 

"Lãnh đạo các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần phải đóng góp ý kiến thẳng thắn nhằm khắc phục tình trạng trên. Với khát khao xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, văn minh thì không thể để tình trạng EC phạt "thẻ vàng" đối với hải sản. Hơn nữa, nếu kết quả kiểm tra trên thực tế không đáp ứng được các khuyến nghị của EC, nguy cơ cao sẽ bị áp dụng biện pháp "thẻ đỏ". Hơn nữa, EU là thị trường tín chỉ, vì vậy các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu Việt Nam", ông Cường cảnh báo.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, về tích cực, chúng ta nhìn nhận đây là cơ hội, các khuyến nghị này trùng với quyết tâm của chúng ta nhằm xây dựng nghề cá bền vững. “EU cũng đã ghi nhận những kết quả của Việt Nam đã đạt được.

Tuy nhiên, còn 4 nội dung mà EC khuyến nghị vẫn chưa đáp ứng, trong đó nổi lên là tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các nước trong khu vực biển Đông vẫn còn tiếp diễn, diễn biến phức tạp; hầu hết các hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản được kiểm tra không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, các lỗi được phát hiện trong quá trình kiểm tra phần lớn đều nằm trong lỗi hệ thống kiểm soát trong chuỗi; cơ sở vật chất hạ tầng chưa đáp ứng; nguồn nhân lực cho quản trị… còn rất nhiều vấn đề. Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị các địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo, tìm ra tồn tại, chỉ rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp để đáp ứng. 

Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là cần tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Luật Thuỷ sản, trong đó tập trung vào các nội dung liên quan tới chống khai thác IUU. Tăng cường tuần tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật; phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm tàu cá, ngư dân có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng bộ hoá cơ sở dữ liệu nghề cá VN-FISHBASE trong tháng 5/2019.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng đề nghị 28 tỉnh, TP ven biển khẩn trương hoàn thành cấp hạn ngạch giấy phép khai thác cho tàu cá xong trước tháng 7/2019; nghiêm túc thu hồi giấy phép tàu cá vi phạm khai thác IUU. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá.

Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (khai thác IUU) và đưa ra các khuyến nghị chính thức để Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện nhằm cải thiện công tác quản lý nghề cá.

Theo dự kiến cuối tháng 5, đầu tháng 6/2019, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của EC (DG-Mare) tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra tình hình triển khai thực hiện 4 nhóm khuyến nghị gồm: (1) Khung pháp lý; (2) Hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; (3) Thực thi pháp luật; (4) Truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác (Công thư số Ares (2018) 3356871 ngày 25/6/2018).
[Infographic] Quý I/2019: Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 8,8 tỷ USD
Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản tháng 3/2019 ước đạt 3,3 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu quý I/2019 đạt 8,8 tỷ USD, giảm 2,9% so...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư