Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Tiềm năng lớn của ngành học bán dẫn- vi mạch tại các trường đại học
D.Ngân - 09/02/2024 10:50
 
Đón đầu nhu cầu nhân lực ngành bán dẫn - vi mạch, các trường đại học đã sẵn sàng về đội ngũ giảng viên, thiết bị để đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trước cơ hội hấp dẫn của thị trường nhân lực bán dẫn- vi mạch, năm 2024, các trường thành viên Đại học Đà Nẵng mở mã ngành đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này.

Đón đầu nhu cầu nhân lực ngành vi mạch bán dẫn, các trường đại học đã sẵn sàng về đội ngũ giảng viên, thiết bị để mở ngành đào tạo chuyên sâu.

Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng mở mới chuyên ngành Điện tử viễn thông, Vi điện tử - Thiết kế vi mạch. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng mở mới 2 chuyên ngành: Công nghệ ô-tô điện, Thiết kế vi mạch và dự kiến mở ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, nhà trường cũng đang trong quá trình hoàn thành xây dựng đề án đào tạo trình độ thạc sĩ về IoT và Vi mạch bán dẫn.

Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn tuyển sinh mới với 4 mã ngành/chuyên ngành đào tạo gồm Thiết kế vi mạch bán dẫn, Marketing, Công nghệ truyền thông, An toàn thông tin.

Để chuẩn bị tuyển sinh ngành vi mạch bán dẫn, trên cơ sở nền tảng cơ sở vật chất và nguồn nhân lực có sẵn, các trường đại học đã đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp, đầu tư phòng thí nghiệm hiện đại.

Chẳng hạn, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng vừa đưa vào sử dụng Phòng thực hành Thiết kế vi mạch sẵn sàng cho công tác đào tạo chuyên ngành Vi điện tử - Thiết kế vi mạch sẽ bắt đầu tuyển sinh từ năm 2024. Phòng thực hành được đầu tư trang thiết bị với hệ thống máy tính được cài đặt bộ công cụ thiết kế vi mạch chuẩn công nghiệp (Cadence).

Trước mắt, Phòng sẽ được sử dụng cho các khoá đào tạo ngắn hạn Thiết kế vật lý vi mạch bán dẫn (VLSI) dự kiến khai giảng vào cuối tháng 2/2024 và phục vụ đào tạo cho sinh viên các ngành gần có liên quan đến thiết kế vi mạch bán dẫn.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng đang trong quá trình hoàn thiện dự án đầu tư vốn ODA xây dựng phòng thí nghiệm vi mạch bán dẫn và hệ thống Internet vạn vật (IoT) với hệ thống máy chủ, phần mềm bản quyền cho đào tạo thiết kế vi mạch, các thiết bị đo kiểm thử chip bán dẫn; hệ thống phần cứng các nền tảng IoT thế hệ mới.

Theo đại diện Đại học Quốc gia Hà Nội, cơ sở có khoảng 20 ngành đào tạo có liên quan đến bán dẫn và vi mạch, với khoảng 1.500 sinh viên/năm.

Nhà trường đã phát triển các nhóm nghiên cứu bán dẫn và vi mạch gồm thiết kế, chế tạo chip, phát triển sản phẩm ứng dụng, đồng thời đầu tư các trang thiết bị, phòng thí nghiệm như thiết kế vi mạch SISlab (hơn 40 tỷ đồng từ năm 2006); Phòng sạch, vi chế tạo, vật liệu (hơn 100 tỷ đồng), trong đó có Trung tâm Nano và năng lượng (từ năm 2011) và Phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ micro và nano (năm 2016).

Với thế mạnh đào tạo các lĩnh vực khoa học kỹ thuật - công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có 7 ngành đào tạo gần và 2 chuyên ngành đào tạo đúng về vi mạch, với hơn 3.000 chỉ tiêu mỗi năm.

Trường triển khai đào tạo và nghiên cứu trong các khâu thiết kế, sản xuất và phát triển ứng dụng. Phòng thí nghiệm đã được đầu tư đầy đủ trang thiết bị phục vụ sản xuất và kiểm chuẩn linh kiện bán dẫn.

Nắm bắt nhu cầu nhân lực của ngành bán dẫn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Kế hoạch hành động toàn ngành thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng, chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch. Bên cạnh đó, Bộ cũng liên kết, hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn công nghệ thông tin toàn cầu để nắm bắt chính xác con số nhân lực cần thiết cho ngành bán dẫn.

Năm 2024 sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển trên 7.000 học viên. Các con số tuyển sinh sẽ tăng dần theo từng năm để đáp ứng yêu cầu nhân lực ngành bán dẫn theo đúng kế hoạch đề ra.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đề xuất giải pháp chuyển sinh viên các ngành học gần như điện tử, kỹ thuật điện, tự động hóa, cơ điện tử sang đào tạo ngành bán dẫn để tăng tỷ lệ tốt nghiệp mỗi năm lên 3.000 - 4.000 người.

Về thực trạng và định hướng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp chip bán dẫn trong hệ thống cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, trong 5 năm tới, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này khoảng 20.000 người, 10 năm tới khoảng 50.000 người từ trình độ đại học trở lên. Nhưng hiện tại, số nhân lực thiết kế vi mạch chỉ khoảng 5.000 người đến từ các trường đại học kỹ thuật.

Nhiều trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu Việt Nam đã chuẩn bị chuyên ngành đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn - vi mạch gồm nhân lực về nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn (các ngành đào tạo về hóa học, vật lý, vật liệu…); nhân lực về thiết kế và sản xuất vi mạch (các ngành đào tạo phù hợp nhất là kỹ thuật điện tử, điện tử - viễn thông); các ngành gần bao gồm kỹ thuật điện, điều khiển và tự động hóa, cơ điện tử…

Việc đào tạo có thể tuyển mới từ đầu, hoặc sinh viên học các ngành gần chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối. Kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần cũng có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 1-2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn - vi mạch.

Tuy nhiên, do thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn - vi mạch mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng, thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp Mỹ. Điều này rất cần chính sách hỗ trợ đồng bộ, dẫn dắt từ phía Nhà nước.

Theo các chuyên gia giáo dục, vi mạch bán dẫn là ngành học dự kiến có nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn trong thời gian sắp tới và sinh viên học ngành này sẽ có cơ hội nhận được các chính sách như học bổng từ doanh nghiệp…”.

Tuy nhiên đây cũng là lĩnh vực đòi hỏi người làm việc bên cạnh kiến thức chuyên môn sâu rộng thì phải có niềm yêu thích đặc biệt với công việc thiết kế chi tiết, luôn có tinh thần ham học hỏi, cập nhật kiến thức, xu hướng công nghệ.

Ngoài ra, phải có kỹ năng làm việc độc lập và làm việc nhóm hiệu quả. Có trình độ ngoại ngữ để tiếp thu được kiến thức, công nghệ và làm việc trong môi trường quốc tế. Chính vì vậy, đầu vào tuyển sinh cần tuyển được các em thí sinh có nền tảng toán học, vật lý, ngoại ngữ,…

Nói về tiềm năng của ngành này tại Việt Nam ở Tọa đàm: Xu hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và cơ hội cho Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Việt Nam (NIC) và Tập đoàn Nvidia (Hoa Kỳ) tổ chức đầu tuần này, ông Jensen Huang, Chủ tịch Nvidia đã đánh giá cao tiềm năng lớn và cơ hội của Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Theo Chủ tịch Nvidia, Việt Nam có nền giáo dục, hạ tầng tốt và chỉ cần khích lệ các thế hệ mới để bước vào thế giới AI, khích lệ các chuyên gia, kỹ sư Việt Nam ở nước ngoài về quê hương sẽ có nhiều lợi thế. Vấn đề hiện nay là cần nâng cao kỹ năng và xây dựng được đội ngũ 1 triệu chuyên gia AI. Nvidia sẵn sàng hợp tác với Việt Nam để nâng cao kỹ năng và hạ tầng AI.

Còn theo số liệu từ Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (VFTE 2023), doanh số toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn năm 2022 đạt gần 600 tỷ USD. Đến năm 2024, nhu cầu chip trên toàn thế giới dự báo tăng đáng kể, một số mảng như chip nhớ tăng 25%. Doanh số vi mạch bán dẫn ước đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Chia sẻ về tiềm năng ngành công nghiệp này, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, năm 2024 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Công nghiệp bán dẫn không chỉ là ngành công nghiệp nền tảng, mà còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30-50 năm tới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, phát triển công nghiệp bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà (như thiết bị điện tử tiêu dùng, thiết bị điện tử y tế, thiết bị điện tử công nghiệp...), nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử AI, thiết bị IoT.

Dưới góc độ doanh nghiệp, FPT tiết lộ, tổng đơn đặt hàng của FPT lên tới 67 triệu chip đến năm 2025, đến từ các khách hàng ở Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ông Nguyễn Văn Khoa, CEO FPT đánh giá, từ đầu năm 2023 đến nay, các hãng điện tử lớn có nhiều hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam.

Ngành công nghiệp điện tử đang phát triển lớn mạnh chính là đầu ra cho con chip. Các nước đang thúc đẩy liên kết kinh tế song phương và đa phương với Việt Nam, phê chuẩn nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA), tạo thuận lợi hơn cho thương mại, đầu tư lĩnh vực điện tử.

Hơn nữa, Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số. Quá trình chuyển đổi số cần đi song song phát triển phần cứng và phần mềm, làm chủ công nghệ lõi, trong đó có chip bán dẫn…

“Chính phủ dành sự quan tâm lớn cho mảng bán dẫn, với chủ trương đào tạo 50.000 nhân sự. FPT có lộ trình trong ngắn hạn là thiết kế, đóng gói, kiểm thử; trung hạn là sản xuất; dài hạn là làm chủ công nghệ lõi. Tầm nhìn dài hơi, đưa AI vào mọi con chip, trải dài các lĩnh vực viễn thông, xe điện, điện toán, năng lượng... Để chuẩn bị cho tương lai, FPT mở ngành đào tạo bán dẫn chương trình cao đẳng, đại học; cam kết đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn theo chủ chương của Chính phủ đến năm 2030”, ông Khoa cho biết.

CEO Nguyễn Văn Khoa cũng bày tỏ hy vọng các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam sẽ cùng đầu tư, hợp tác để đẩy mạnh chủ trương làm chip, cùng nhau dấn thân tạo nên những kỳ tích mới.

Thái Nguyên kỳ vọng “hút” nhà đầu tư bán dẫn từ Mỹ
Thái Nguyên đặc biệt muốn thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, nhất là các nhà đầu tư từ Mỹ. Bởi đây là lĩnh vực tỉnh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư