Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 09 năm 2024,
Tiếng lòng của doanh nghiệp gửi Thủ tướng: Kinh doanh ở Việt Nam đắt hơn Singapore
Khánh Linh - 16/05/2017 17:18
 
Chi phí kinh doanh ở Việt Nam đang rất cao là nỗi lo lớn mà các doanh nghiệp muốn gửi tới Thủ tướng Chính phủ trước giờ diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2017 vào sáng mai (17/5) tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện 2.000 doanh nghiệp.
.
Chi phí vận chuyển một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 lần so với chi phí chuyển một container hàng từ Hàn Quốc về Việt Nam. (Ảnh: ST)

“Khảo sát về Môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2017 đã xếp hạng chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực, hơn cả Singapore hay Malaysia.

Cụ thể, chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines.

Chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singapore.

Tương tự như vậy, chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng ở mức cao nhất, gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippines.

“Đây thực sự là một vấn đề rất đáng quan ngại bởi nó làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói trước thềm Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, VCCI cũng đã phân tích nhiều loại chi phí đang được doanh nghiệp kêu ca nhất.

Chi phí logistics vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam. Chi phí vận chuyển cho một container hàng từ cảng Hải Phòng về Hà Nội hay ở chiều ngược lại (khoảng 100 km), đắt gấp 3 lần so với chi phí vận chuyển một container hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc về Việt Nam.

Đó là chưa kể chi phí phát sinh liên quan đến thủ tục hành chính, nộp phí, thời gian chậm trễ, giá xăng dầu tăng, phụ phí vận tải biển…

Các doanh nghiệp cũng đang kêu ca bị ảnh hưởng của mức thuế nhập khẩu mới đối với nguyên liệu đầu vào sản xuất. Các công ty sản xuất bao bì nhựa phải chịu mức thuế nhập khẩu mới tăng gấp ba lần kể từ đầu tháng 1/2017. Việc áp thuế nhập khẩu hạt nhựa PP lên mức 3% tác động trực tiếp vào cơ cấu giá thành sản phẩm và gián tiếp tác động đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Riêng chi phí vay vốn vẫn luôn đứng đầu trong nhóm khó khăn của doanh nghiệp trong kinh doanh. HIện tại, vấn đề đang nổi lên là rủi ro vay nợ, đặc biệt là nợ ngắn hạn.

Theo góc độ của các ngân hàng cho vay, để đảm bảo cho doanh nghiệp có chính sách giá cạnh tranh hơn, cần có sự chuyển dịch cơ cấu nguồn vốn vay từ nợ ngắn hạn (tài trợ kinh doanh) sang gia tăng tỷ trọng nợ dài hạn nhằm ổn định trần chi phí lãi vay.

Chi phí thuê mặt bằng kinh doanh trong nước cũng được đánh giá là quá cao, gây khó khăn cho các DNNVV. Hầu hết các doanh nghiệp có quy mô trung bình trở xuống tại Việt Nam không thể chi trả những khoản phí cao để thuê mặt bằng tốt, có vị trí thuận lợi, bị lép vế so với các đối thủ quốc tế.

Giá thuê mặt bằng là nguyên nhân dẫn đến các chuỗi nhà hàng, dịch vụ ăn uống và bán lẻ nội địa bị lép vế hơn so với hầu hết các chuỗi bán lẻ của nước ngoài.

“Liên quan đến chi phí không chính thức, theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI-2016 của VCCI, 66% trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận trả loại phí này. Nhìn chung, tình hình không có mấy cải thiện qua các năm”, ông Lộc cho biết.

Các doanh nghiệp thường phải trả các chi phí không chính thức khi làm thủ tục cấp mặt bằng sản xuất kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện.

“VCCI đang tiếp tục triển khai nghiên cứu độc lập và toàn diện để có bức tranh tổng thể hơn về nội dung này”, ông Lộc nói.

Môi trường kinh doanh Việt Nam: Sức mạnh của những câu chuyện thiết thực
Bảng Xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 đang tạo ra niềm vui của người chiến thắng và cả sự ấm ức đâu đó của người...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư