Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tiếp thị kỹ thuật số đang thoát dần khỏi Facebook, Google
Tú Ân - 29/10/2022 07:55
 
Trong bối cảnh tiêu dùng trực tuyến tăng mạnh, hàng loạt hình thức tiếp thị trực tuyến mới xuất hiện, giúp các doanh nghiệp tăng doanh thu bán hàng.
Các doanh nghiệp Việt đã đa dạng kênh tiếp thị số, không chỉ phụ thuộc vào Facebook, Google

“Trăm hoa đua nở”

Ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade (nền tảng tiếp thị liên kết) cho biết, tổng chi tiêu cho tiếp thị kỹ thuật số (digital marketing) tại Việt Nam hiện nay khoảng 2,5 tỷ USD/năm, với tốc độ tăng trưởng 19%.

Những năm gần đây, có đến 80-90% chi phí tiếp thị kỹ thuật số của doanh nghiệp Việt Nam đổ vào Facebook và Google, còn tỷ lệ dành cho các kênh khác rất thấp, nhưng xu hướng đó đang nhanh chóng giảm đi.

Nguyên nhân là do các nền tảng như Facebook gặp khó khăn tiếp cận dữ liệu người dùng khi iOS và Android siết quản lý. Ngoài ra, Facebook đang ngày càng thắt chặt chính sách với người dùng quảng cáo chạy các tài khoản không chính thống. Điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp nhận thấy marketing trên kênh này không còn hiệu quả như trước.

“Bên cạnh đó, có quá nhiều doanh nghiệp lên Facebook để quảng cáo. Với số lượng người dùng ở Việt Nam khoảng 50-60 triệu, mảnh đất này càng ngày càng chật chội hơn. Trước xu thế công nghệ thay đổi như hiện nay, các kênh marketing trên Facebook, Google hay Email đã trở nên cũ. Tương ứng với đó là sự bùng nổ từ những kênh marketing mới”, ông Hưng nhận định.

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), sau 2 năm dịch bệnh Covid-19, hành vi mua hàng của người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi, dịch chuyển mua sắm lên trực tuyến tăng nhanh gấp 3 lần so với trước. Doanh nghiệp đối mặt với tình huống bắt buộc phải thay đổi để tiếp cận nhóm khách hàng đã thay đổi hành vi này, đặc biệt cần cập nhật xu hướng tiếp thị trong thời đại mới.

Nhận diện các kênh tiếp thị số mới

Hiện có 3 kênh tiếp thị số mới nổi đang được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm, sử dụng nhiều là: các kênh tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing); tiếp thị qua mạng xã hội (Social Marketing) và các sàn thương mại điện tử.

Theo nghiên cứu, hơn 2.000 doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng, trong đó nhiều đơn vị dành 50%, thậm chí 100% ngân sách chi tiêu cho kênh Affiliate Marketing. Kênh tiếp thị liên kết kiểu mới có nhiều lợi thế lớn về hiệu quả, chi phí, đặc biệt doanh nghiệp có thể quản lý được giá thầu ổn định theo thời gian nên ngày càng hút các đơn vị đầu tư sử dụng để gia tăng lượng người dùng.

Đối với kênh Social Marketing, doanh nghiệp vẫn sử dụng các kênh như Facebook, Google, YouTube, nhưng thông qua hình thức như người dùng lan tỏa nội dung content để tạo nhận diện thương hiệu, thúc đẩy doanh số bán hàng. Các hình thức như livestream, video reviews… cũng khá phổ biến và hút người dùng. Điểm mạnh của Social Marketing là tính giải trí, vui vẻ, thân thiện, gần gũi với người dùng và có tính tương tác.

Nhấn mạnh xu hướng liveshopping và livestreaming, thương mại giải trí… bà Lê Minh Trang, Quản lý cấp cao bán lẻ của NielsenIQ cho biết, trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu và chú trọng hiệu quả đầu tư, việc nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua các ứng dụng sẽ trở thành xu hướng nổi bật thời gian tới. Bên cạnh đó là sự chuyển dịch của các offline store lên online để giúp tăng trải nghiệm khách hàng.

“Ở một số thị trường thương mại điện tử lớn, các doanh nghiệp không chỉ tập trung vào yếu tố giá cả, trải nghiệm khách hàng, mà còn chú trọng vấn đề nội dung, giải trí, người dẫn dắt (KOLs) để giới thiệu sản phẩm đến khách hàng… Với sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử hiện nay, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều xu hướng mới xuất hiện trong thời gian tới", bà Trang nhận định.

Theo khảo sát, Việt Nam đang có khoảng 200.000 người bán hàng trực tuyến (Content Creator) hoạt động trên mạng xã hội, trong đó 50.000 người hoạt động chuyên nghiệp. Tỷ lệ chuyển đổi mua bán hàng, chốt đơn qua các Content Creator có thể đạt tới 13-15%.

Ông Nguyễn Tiến Huy, CEO DigiPencel cho biết, hình thức shoppertainment (mua sắm online kết hợp giải trí) đồng thời đáp ứng được 3 nhu cầu giải trí cơ bản của người tiêu dùng là “tám chuyện”, trò chuyện và mặc cả.

“Tám chuyện” ở đây chính là cái chất, cái duyên của người bán hàng làm sao để thu hút được khách hàng chú ý đến sản phẩm và tiến hành đặt mua. Đáp ứng nhu cầu trò chuyện thể hiện ở tần suất xuất hiện thương hiệu và sản phẩm, đồng thời lượng comment phong phú để người tiêu dùng thích thú vào tìm đọc. Đối với nhu cầu mặc cả, chính là việc người bán hàng phải tạo ra được nhiều đơn hàng giảm giá mới, song vẫn đảm bảo chất lượng”, ông Huy phân tích.

Bên cạnh đó, các phương thức tiếp thị trực tuyến qua sàn thương mại điện tử, qua kênh thiết bị IoT, smartphone cũng đang trở thành kênh mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp. Việc đa dạng hóa các phương thức tiếp thị trực tuyến không chỉ giúp doanh nghiệp chốt đơn hiệu quả, mà còn giúp doanh nghiệp giảm sự phụ thuộc, giảm rủi ro khi tập trung quảng cáo vào các nền tảng như Facebook, Google…

“Để tối ưu doanh số, tối ưu chi phí marketing và nâng cao lợi nhuận doanh nghiệp, cần phải bảo đảm sản phẩm có mức giá tốt, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, liên tục tìm kiếm khách hàng mới và tối ưu chi phí vận hành”, ông Tom Peng, CEO Gosell khuyến nghị.

Theo đó, các vấn đề mà nhà bán hàng phải đối mặt và ưu tiên giải quyết, đó là: cần phải hiểu rõ nhu cầu của khách hàng muốn gì, từ đó đưa ra sản phẩm và xây dựng những chương trình mới thu hút và giữ chân khách hàng.

Theo số liệu từ eMakerter, chi tiêu cho tiếp thị số trên toàn cầu đạt khoảng 571,16 tỷ USD trong năm 2022, với mức tăng trưởng 16,2%. Tiếp thị số chiếm 65,9% tổng số chi tiêu quảng cáo, tiếp thị của thế giới. Dự kiến, con số này sẽ tăng lên 785,08 tỷ USD vào năm 2025, với mức tăng trưởng trên 9% và chiếm tỷ lệ khoảng 70%.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư