Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tiết kiệm tối đa để giảm bội chi
Mạnh Bôn - 12/07/2013 12:23
 
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 40% dự toán, vì vậy, theo Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh, muốn giữ được mức bội chi không quá 4,8% GDP, một mặt phải chống thất thu, chống nợ đọng thuế, thực hiện quyết liệt các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; mặt khác, phải tiết kiệm tối đa các khoản chi chưa thực sự cần thiết.
TIN LIÊN QUAN

Thưa Phó thủ tướng, tình hình thu NSNN năm nay khó khăn đến cỡ nào?

Bình thường mọi năm, thu NSNN trong 6 tháng đầu năm đạt 45 - 48% dự toán, còn năm nay ước chỉ đạt 40% dự toán. Chính xác là đến ngày 15/6, thu NSNN mới đạt 39,8% dự toán. Đáng lưu ý là, các khoản thu trọng yếu đều đạt tỷ trọng rất thấp. So với dự toán, thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu đạt 32,7%; thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 36,9%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) đạt 45,7%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 39,3%...

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh

Muốn bảo đảm thu đạt dự toán, bình quân mỗi tháng phải thu được 68.000 tỷ đồng, nhưng trên thực tế trong 6 tháng đầu năm, mỗi tháng bình quân chỉ thu được 58.981 tỷ đồng, tức là mỗi tháng hụt thu khoảng 9.000 tỷ đồng. Đây là tín hiệu báo trước thu NSNN năm nay gặp rất nhiều khó khăn và dự báo cả năm khó có thể đạt được kế hoạch (816.000 tỷ đồng).

Ngoài sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, còn có những nguyên nhân gì dẫn đến tình trạng trên, thưa Phó thủ tướng?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến thu NSNN năm nay gặp khó khăn, nhưng tựu trung lại, có 2 nguyên nhân chính. Một là hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn khiến kinh tế tăng trưởng chậm. Và hai là, hàng hóa tồn kho, đặc biệt là hàng hóa bất động sản tồn kho còn ở mức cao hơn bình thường rất nhiều.

Trong khi tỷ lệ hàng tồn kho ở mức khá cao, thì tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm tăng chưa đến 12% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ còn tăng 4,9%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,7% của cùng kỳ năm 2012.

Ngoài ra, việc giảm thu còn có nguyên nhân từ việc áp dụng một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường. Từ đầu năm đến nay, cơ quan quản lý thuế đã thực hiện giảm 50% tiền thuê đất phải nộp cho doanh nghiệp, gia hạn thuế giá trị gia tăng, gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp. Đặc biệt, kể từ ngày 1/7/2013, việc triển khai Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi và Luật thuế Giá trị gia tăng sửa đổi sẽ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 25% xuống 20%, giảm 50% thuế giá trị gia tăng cho hoạt động kinh doanh nhà ở xã hội trong 6 tháng cuối năm. Điều này tiếp tục tác động đến số thu NSNN trong năm nay.

Với tình hình này, việc giữ mức bội chi 4,8% GDP là hết sức khó khăn?

Mức bội chi tối đa năm nay được Quốc hội giới hạn là 101.190 tỷ đồng (4,8% GDP) trong điều kiện tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,5%. Nếu tốc độ tăng trường GDP thấp hơn, thì buộc phải cắt giảm chi tiêu, đồng thời tích cực thu các khoản có khả năng thu như thu từ đất đai, khoáng sản… đồng thời với việc chống thất thu, chống gian lận thuế, chống nợ đọng thuế, chống gian lận thương mại…

Vậy từ nay đến cuối năm, chúng ta phải cắt giảm chi tiêu ở những khoản nào?

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị sử dụng NSNN phải thắt chặt chi tiêu, nhất là chi tiêu ngoài lương, ngoài khoản chi cứng (trả nợ, an sinh xã hội…). Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải rà soát lại kế hoạch chi tiêu từ nay đến cuối năm, trên tinh thần tiết kiệm thêm 10% các khoản chi thường xuyên (không kể chi lương), trong đó, tiết giảm tối đa chi phí điện, nước, văn phòng phẩm, xăng dầu; tiết kiệm tối thiểu 30% kinh phí hội nghị, tiếp khách, lễ hội, khánh tiết, đi nước ngoài công tác, khảo sát, nghiên cứu.

Đối với chi xây dựng cơ bản, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ, biệt các dự án đầu tư xây dựng cơ bản mới chỉ được khởi công khi đã bố trí được nguồn vốn để thực hiện; không đề nghị doanh nghiệp ứng vốn để đầu tư xây dựng công trình dự án xây dựng cơ bản khi chưa cân đối được nguồn vốn khả thi. Riêng khoản dự phòng ngân sách (23,400 tỷ đồng) chỉ được sử dụng 50%, số còn lại phải xem tình hình thu NSNN 6 tháng cuối năm thế nào sẽ cân đối sau.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư