Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Tiêu thụ đường chậm do có tâm lý chờ ATIGA
Thế Hải - 11/11/2017 10:20
 
Thị trường đường trong nước những ngày này đang chuyển động chậm, do nguồn cung dồi dào, tồn kho vẫn ở mức cao, trong khi đó, một bộ phận doanh nghiệp kỳ vọng sẽ được mua đường với giá thấp từ ngày 1/1/2018 theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Tâm lý chờ ATIGA

ATIGA chính thức có hiệu lực chỉ sau hơn 1 tháng nữa (1/1/2018). Từng được ví là “cơn lốc” với ngành mía đường trong nước, khi thuế nhập khẩu đường theo ATIGA về còn 5%, nhưng thật ra, chưa cần chờ đến thời điểm thực thi ATIGA, vị ngọt của đường nội dường như đã giảm đáng kể, bởi một lượng lớn đường nhập lậu tràn vào Việt Nam, kéo giá đường sản xuất trong nước đi xuống, đẩy tồn kho gia tăng kỷ lục.

Thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho hay, những ngày qua, giá đường tinh luyện tại hàng loạt nhà máy đã giảm sâu ở mức chỉ 12.000 đồng/kg, nhưng tiêu thụ rất chậm. Nhà máy thì khó đẩy lượng đường bán ra, khách hàng lớn là các doanh nghiệp dù chuẩn bị cho sản xuất hàng tiêu dùng cuối năm vẫn ngó nghiêng chờ giá đường giảm nữa.

Tiêu thụ đường trong nước đang gặp khó khăn do tâm lý chờ giá rẻ khi ATIGA có hiệu lực. Ảnh: Đức Thanh
Tiêu thụ đường trong nước đang gặp khó khăn do tâm lý chờ giá rẻ khi ATIGA có hiệu lực. Ảnh: Đức Thanh

Lượng đường tồn kho cũng chưa bao giờ tăng cao như hiện tại. Thời điểm cuối quý III/2017, VSSA thông tin, tồn kho đường vẫn còn hơn 700.000 tấn.

Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA thừa nhận, đúng là có tâm lý chờ giá đường xuống thấp hơn nữa của một số doanh nghiệp để mua vào phục vụ sản xuất hàng tiêu dùng, dẫn đến tiêu thụ đường khá chậm. Từ ngày 1/1/2018, Việt Nam chính thức thực hiện lộ trình cam kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, tức là các nước trong khối sẽ không còn bị hạn chế nhập khẩu đường vào Việt Nam, đồng thời giảm thuế suất thuế nhập khẩu xuống 5%.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn chia sẻ, đường nội sẽ khó cạnh tranh trong năm tới, nhưng cấp độ ảnh hưởng của từng doanh nghiệp sẽ không giống nhau. “Với Mía đường Lam Sơn, chúng tôi đã có sự chuẩn bị cho ATIGA từ gần chục năm trước rồi, chứ không chờ “nước tới chân mới nhảy”, quy mô công suất đã được nâng cao, quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng Trung tâm phát triển mía nguyên liệu”, ông Tam cho biết.

Ngành mía đường hiện có 41 nhà máy với tổng công suất 150.000 tấn mía/ngày, sản lượng trên 1 triệu tấn đường/năm, trong đó tới 22 nhà máy đường công suất nhỏ, nguy cơ bị thôn tính hoặc loại khỏi thị trường là rất lớn.

Theo phân tích của một doanh nghiệp lớn trong ngành, thực tế, các nhà máy nhỏ, thiết bị lạc hậu, sản phẩm khó cạnh tranh, chi phí sản xuất cao rất khó tồn tại khi hội nhập. Đó là thực tế khó tránh khỏi và cũng không thể trông chờ vào một giải pháp vĩ mô cụ thể, bởi sẽ không có giải pháp nào khả thi cho tất cả các doanh nghiệp trong ngành.

Về vấn đề tiêu thụ đường quý IV trong bối cảnh thị trường đường trong nước đang trầm lắng như hiện nay, ông Tam cho rằng, với Mía đường Lam Sơn không phải là vấn đề quá lớn. “Giá đường thấp, nhu cầu đường giảm, nhưng thực tế chúng tôi không có đường tồn kho vì Mía đường Lam Sơn có nhiều kênh tiêu thụ. Còn khách hàng có tâm lý chờ ATIGA để được ăn đường rẻ hơn thì cũng chưa chắc”, ông Tam khẳng định.

Chủ tịch Mía đường Lam Sơn còn chỉ ra, thực tế, tồn kho đường tăng cao có nguyên nhân không nhỏ từ một số doanh nghiệp thương mại “ôm hàng” nhập khẩu quá lớn. Cùng với đó, chính sách tạm nhập tái xuất đường cũng khiến cho một lượng đường lớn, khoảng 500.000 tấn đổ bộ vào nội địa, gây khó cho các nhà sản xuất đường trong tiêu thụ. Chưa kể, một số nhà máy chỉ quen bán buôn, không chịu xây dựng mạng lưới bán lẻ đến người tiêu dùng, đa dạng hóa kênh tiêu thụ, thành thử khó lại càng khó.

Đường nhập khẩu tăng tốc vào Việt Nam

Thị trường đường trong nước trong năm 2018 sẽ còn nhiều thay đổi, khi đường nhập khẩu được dự báo tăng tốc vào Việt Nam, gây áp lực hơn nữa lên giá đường sản xuất trong nước.

Theo thống kê của VSSA, thời gian qua, đường nhập lậu từ Thái Lan đổ về nội địa đã lên tới 500.000 tấn/năm, chiếm 1/3 sản lượng đường sản xuất trong nước, thậm chí có thời điểm, đường Thái Lan nhập lậu làm bá chủ thị trường và không ít nhà sản xuất nội lép vế, ngậm ngùi nhìn đường lậu khuynh đảo thị trường.

Bởi vậy, kịch bản được các nhà quản lý cũng như các doanh nghiệp đưa ra cho năm tới là bỏ hạn ngạch thuế quan theo ATIGA, nhiều nhà máy đường có công suất nhỏ, lạc hậu sẽ chuyển sang nhập đường thô tinh luyện và không mua mía của nông dân nữa, tạo vấn đề xã hội cho hàng vạn người trồng mía.

Kịch bản này thật ra đã rất gần và sẽ diễn ra với cả các nhà máy đường quy mô lớn. Bản thân Nhà máy đường Lam Sơn cũng khẳng định sẽ gia tăng lượng đường nhập khẩu trong năm tới.

“Giá đường từ nay đến hết năm mà giữ được như hiện giờ cũng đã là may rồi. Là doanh nghiệp thích ứng với sự biến đổi của thị trường, Công ty Mía đường Lam Sơn xác định sẽ không thể làm mía đường như trước nữa, mà sẽ gia tăng nhập khẩu đường về sản xuất các loại đường organic, không béo, tốt cho sức khỏe, “đánh” trúng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, cạnh tranh tốt hơn”, ông Tam tiết lộ.

Cụ thể, nếu sản lượng đường mà Mía đường Lam Sơn nhập khẩu những năm qua chỉ chiếm 10-20% trong tổng sản lượng, thì năm tới sẽ tăng lên 30-40% và tiến tới nhập khẩu khoảng 50% sản lượng.

Nhập khẩu đường tinh luyện về chế biến đa dạng các sản phẩm đường sẽ là con đường nhanh tới đích hơn cả với các doanh nghiệp, bởi số liệu được một giám đốc nhà máy đường tại Sóc Trăng vừa công bố rất đáng để suy ngẫm: Thái Lan thu mua mía từ nông dân chỉ có 28 USD/tấn, tương đương 600.000 VND, trong khi các nhà máy tại Việt Nam đang thu mua mía với giá 1,1 triệu VND/tấn.

Choáng ngợp với đám cưới xa hoa của Sang Lê và đại gia mía đường
Hơn 800 khách mời choáng ngợp trước sự chịu chơi của cặp đôi.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư