Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
TikTok Shop phả hơi nóng vào các tay chơi trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam
Nhung Bùi - 14/07/2023 11:41
 
Ra mắt hơn 1 năm trước nhưng TikTok Shop đang chứng tỏ vị thế không thể coi thường trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam, trở thành kênh bán hàng online quan trọng của doanh nghiệp.

Bí mật sau mô hình tăng trưởng thần tốc

Triển khai chương trình livestream 72h liên tiếp trên TikTok, thương hiệu mỹ phẩm nam Nerman ghi nhận mức doanh thu gần 6 tỷ đồng trong 3 ngày từ 22 đến 24/6/2023. Đây là chương trình với tên gọi Super Brand Day, được TikTok Shop dành riêng cho một thương hiệu duy nhất trong mỗi tháng. 

“6 tỷ doanh thu trong 3 ngày nghe có vẻ to, nhưng tôi biết nhiều bên livestream trên TikTok 2-3 tiếng đã đạt mốc ấy”, Đặng Thanh Định, một trong 3 nhà sáng lập Nerman chia sẻ cùng Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn.

Ra mắt thị trường Việt Nam vào cuối tháng 4/2022, TikTok Shop chậm chân hơn khá nhiều so với hai đối thủ hàng đầu trong mảng thương mại điện tử là Shopee (vào Việt Nam vào tháng 8/2016) và Lazada (tháng 3/2022). 

Tuy nhiên, TikTok Shop vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc. Theo một thống kê của Metrics, trong quý I/2023, doanh số TikTok Shop tại thị trường Việt Nam đã đạt mức 6.000 tỷ đồng với hơn 42 triệu sản phẩm được bán ra từ 68.400 nhà bán hàng khác nhau. Doanh số của TikTok Shop đã gấp 7 lần sàn thương mại điện tử lâu năm là Tiki (846,5 tỷ đồng) và tương đương 80% doanh thu cùng kỳ của Lazada (7.500 tỷ đồng).

Nhìn trên bình diện khu vực, TikTok Shop cũng là tay chơi không thể coi thường. Báo cáo mới nhất của công ty tư vấn Momentum Works chỉ ra rằng, kể từ khi ra mắt vào năm 2021 cho tới nay, TikTok Shop đã tăng GMV (tổng giá trị giao dịch hàng hóa) ở khu vực Đông Nam Á từ mốc 600 triệu USD năm 2021 lên 4,4 tỷ USD vào năm ngoái - tốc độ tăng trưởng nhanh hơn so với các đối thủ như Shopee của Sea, Lazada của Alibaba và GoTo thuộc Tokopedia.

TikTok Shop là nền tảng thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng thần tốc tại Việt Nam và trong khu vực Đông Nam Á.

Bí mật sau sự tăng tưởng thần tốc của TikTok Shop chính là mô hình được xây dựng theo dạng shoppertainment, sự kết hợp giữa shopping (mua sắm) và entertainment (giải trí). Theo đó, người dùng TikTok Shop không chỉ mua hàng như truyền thống mà còn có thể thưởng thức các nội dung mới mẻ trên nền âm thanh vui nhộn, bắt tai.

Lợi thế của TikTok Shop xuất phát từ việc nền tảng này không tách rời khởi mạng xã hội TikTok. Vì vậy, khi gia nhập TikTok Shop, doanh nghiệp có nhiều cách để chủ động tiếp cận khách hàng hơn là chờ đợi khách hàng tự tìm mua sản phẩm của mình như trên những nền tảng thương mại điện tử khác.

“TikTok Shop là một luồng gió mới mang đến tác động to lớn cho những thương hiệu vừa và nhỏ của Việt Nam”, CEO Nerman Đặng Thanh Định nhận xét. “Như Nerman chỉ trong hơn 1 năm gia nhập TikTok Shop, doanh thu của chúng tôi tăng trưởng từ 0 lên đến 30-35% mỗi tháng. Với TikTok Shop, bán được doanh thu lớn không phải chuyện quá khó khăn”.

Nhà sáng lập tiết lộ thêm rằng nhờ sợ nhanh nhạy nắm bắt được mục đích của nền tảng và nhu cầu của khách hàng, Nerman đã trở thành thương hiệu top 1 trong ngành chăm sóc sức khỏe và có tới 1,3 triệu người theo dõi trên Tiktok Shop.

Cơ hội và thách thức chờ đón doanh nghiệp tại sân chơi TikTok Shop

Báo cáo từ Metric chỉ ra 3 tháng đầu năm nay, thị phần doanh thu của TikTok Shop chiếm khoảng 15% trong 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam; đồng nghĩa nền tảng còn nhiều dư địa để phát triển.

Trong một diễn biến gần đây, CEO TikTok Shou Zi Chew tiết lộ TikTok dự kiến đầu tư hàng tỷ USD để phát triển thương mại điện tử ở Đông Nam Á. Một phần trong đó, gồm 12,2 triệu USD, sẽ được dành để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của khu vực. Với việc gia nhập Việt Nam chỉ hơn 1 năm, TikTok Shop vẫn là mảnh đất tiềm năng cho các doanh nghiệp, đặc biệt những nhóm doanh nghiệp mong muốn tiếp cận khách hàng trẻ thuộc thế hệ Gen Z.

Một phiên livestream của Nerman trên nền tảng TikTok Shop.

Tuy nhiên, việc bán hàng dễ dàng trên TikTok Shop cũng như hàng loạt chính sách được triển khai nhằm thu hút nhà bán hàng, sẽ khiến sự cạnh tranh giữa các thương hiệu trở nên khắc nghiệt hơn. Chưa kể, với số lượng hàng hóa khổng lồ, TikTok Shop vẫn gặp khó khăn trong việc giám sát các trường hợp bày bán hàng giả hàng nhái, gây ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu.

Đây là lúc mỗi doanh nghiệp cần đến một chiến lược căn cơ để đi tiếp trong dài hạn và áp đảo được các đổi thủ mới gia nhập thị trường.

“Theo quan điểm cá nhân tôi, các kênh online như TikTok Shop rất dễ gây dựng thương hiệu trong giai đoạn đầu, nhưng cũng dễ dàng bị xâm chiếm thị phần. Đôi khi chỉ cần bên khác bán rẻ hơn chút là khách hàng đã có thể lựa chọn, vì không thể kiểm chứng được 100% chất lượng sản phẩm. Trong khi đó các kênh offline sẽ giúp khách hàng được trải nghiệm trực tiếp sản phẩm, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn hơn”, nhà sáng lập Nerman nhận xét.

Dù là thương hiệu đi lên từ các kênh online như Shopee hay TikTok Shop, nhưng Nerman đã bắt đầu tích hợp thêm các kênh offline trong chiến lược bán hàng của mình. Hiện tại, sản phẩm Nerman đã xuất hiện tại hơn 1.000 điểm bán trên khắp cả nước, thông qua các chuỗi bán lẻ lớn như nhà thuốc An Khang, Circle K, 7-Eleven, Guardian, Hasaki…

Tất nhiên, để chuyển sang kênh offline, các doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị nguồn lực tài chính vững chắc; một thương hiệu đủ mạnh để thu hút khách hàng trong hàng trăm thương hiệu cùng hiện diện; và hiểu sâu sắc về quy trình pháp lý từ những điều nhỏ nhất như bao bì, đóng gói.

Giải mã Temu: Startup 1 tuổi đang làm rung chuyển thị trường thương mại điện tử toàn cầu
Ra mắt chưa đầy 1 năm, nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới Temu đã vượt qua Amazon, Walmart để trở thành ứng dụng được tải xuống...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư