Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Tìm biệt dược cho nền kinh tế
Mạnh Bôn - 20/05/2013 14:45
 
Kỳ họp thứ 5 - kỳ họp bản lề của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII - khai mạc hôm nay (20/5/2013) sẽ dành 26,5 ngày làm việc để quyết định các vấn đề quan trọng, trong đó có quyết sách nhằm vực dậy nền kinh tế.
TIN LIÊN QUAN

Tiếp sau kỳ họp thứ Tư, kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XIII sẽ xem xét nhiều vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội.

Không thể phủ nhận những kết quả đạt được trong 4 tháng đầu năm triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 khi lạm phát được kiểm soát, với chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 2,41%, tỷ giá ngoại tệ ổn định, xuất nhập khẩu duy trì được tốc độ tăng trưởng khá…

Song về tổng thể, nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng thấy.

Trong số những khó khăn, thách thức lớn, đáng chú ý là ngân sách hụt thu, tốc độ tăng trưởng công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp đạt thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây; chỉ số hàng tồn kho ở mức độ báo động; nền kinh tế không hấp thụ được nguồn vốn ngân hàng cho dù lãi suất huy động đã được đưa về mức thấp nhất trong 10 năm qua…

Hệ quả là, số doanh nghiệp thành lập mới cùng vốn đăng ký giảm mạnh; số doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, kinh doanh thua lỗ có chiều hướng tăng lên.

Năm nay, không phải lần đầu tiên, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với khó khăn, thách thức. Trước đó, vào năm 2009 và 2011, nền kinh tế cũng đối diện với nhiều nguy cơ, nhưng cuối cùng đã vượt qua.

Tuy nhiên, “căn bệnh” của nền kinh tế năm nay có nét khác so với năm 2009 và 2011. Kết luận của hàng trăm cuộc hội thảo, tọa đàm tổ chức trong 4 tháng đầu năm cho thấy, gốc rễ của mọi khó khăn là do nền kinh tế không hấp thụ được nguồn vốn: tốc độ tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm chỉ đạt 1,44%.

Nhiều nghiên cứu của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước đã chỉ ra rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam phụ thuộc 60% vào nguồn vốn, trong đó, vốn tín dụng ngân hàng là chủ đạo. Tốc độ tăng trưởng tín dụng đã bắt đầu chững lại và đi xuống kể từ đầu năm 2012 đế nay (năm 2012 tín dụng tăng trưởng 8,91%, bằng với 50% mục tiêu) đã và đang kéo theo hàng loạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác bị tác động xấu, chính là nguyên nhân sâu xa khiến nền kinh tế gặp khó khăn như hiện nay.

Căn bệnh của nền kinh tế đã được các chuyên gia kinh tế “hội chẩn”. Nhiều “phương thuốc”, kể cả miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất... cũng đã được áp dụng, nhưng hiệu quả mang lại chưa như mong muốn. Vấn đề đặt ra là tại Kỳ họp Quốc hội lần này, liệu các đại biểu có mạnh dạn đề xuất, kiến nghị áp dụng “biệt dược” là thực hiện giải pháp khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cho doanh nghiệp vay vốn để đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhằm giải thoát nguồn vốn đầu tư đang nằm trong hệ thống ngân hàng hay không?

Câu hỏi đặt ra là, bảo đảm tốc độ tăng tín dụng năm nay ở mức bao nhiêu để vừa hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, vừa thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% mà không gây áp lực lạm phát? Bài toán này sẽ do các đại biểu Quốc hội quyết định khi thảo luận về tình hình triển khai Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 tại Kỳ họp thứ 5 này.

Nhìn một cách tổng thể, có thể cho rằng, nếu đẩy được tốc độ tăng trưởng tín dụng 14-15%, thì nhiều khả năng sẽ bảo đảm được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5%, đồng thời giữ được mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 8% như Quốc hội đặt ra. Một khi hoàn thành nhiệm vụ trên, thì các mục tiêu quan trọng khác, như cân đối thu - chi ngân sách, giữ tỷ lệ bội chi tối đa 4,8% GDP, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm mới… cũng sẽ thực hiện được.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư