Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Tìm dư địa tăng trưởng 2018
Bảo Duy - 25/10/2017 07:41
 
Chính phủ đã trình Quốc hội mục tiêu tăng trưởng GDP 2018 ở mức 6,5 - 6,7%. Vậy năm 2018, tăng trưởng kinh tế có thể dựa vào những động lực nào và dư địa chính sách nào có thể là chỗ dựa để tối đa hóa hiệu quả các động lực tăng trưởng đó?
TIN LIÊN QUAN

Có thể nhận thấy rõ rằng, cho dù tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 đang trong thế xác lập đỉnh mới sau nhiều năm, nhưng khoảng doãng giữa tăng trưởng GDP và GNI (tổng thu nhập quốc dân) có xu hướng giảm.

Điều này không quá khó hiểu khi những đóng góp tích cực của khu vực đầu tư nước ngoài trong tăng trưởng GDP nổi trội ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Hơn thế, trong các bài tính hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp, gồm cả vốn/doanh thu và tỷ lệ lợi nhuận/vốn, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn ở thế vượt xa khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp nhà nước.

.
.

Thậm chí, nếu so sánh doanh nghiệp tư nhân Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN, thì doanh nghiệp Việt Nam đang ở nhóm có mức thâm dụng vốn cao nhất, năng suất vốn thấp nhất.

Ở góc nhìn này, nếu khu vực FDI tiếp tục phát huy tiềm lực vốn có, tất yếu phần dư địa cho chính sách thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế sẽ phải tập trung vào phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả cải thiện năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp tư nhân và tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước. Khi đó, các nguồn lực tăng trưởng sẽ chảy đều và quan trọng là hội tụ các điều kiện để kết nối và tạo tác động lan tỏa tích cực.

Lúc này, câu hỏi sẽ là các doanh nghiệp tư nhân đang cần gì để phát triển và làm thế nào để cải thiện hiệu quả tài chính của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Câu trả lời thực ra đều được xác định rõ, thậm chí đã có những kế hoạch hành động cụ thể cho từng năm.

Với doanh nghiệp nhà nước, có thể kể tới việc phải tiếp tục cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp nhà nước, công khai, minh bạch hóa thông tin; tăng cường hiệu lực quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công; thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn…

Với khu vực tư nhân, đó là giảm chi phí kinh doanh, tháo bỏ các vướng mắc, rào cản thủ tục hành chính; hoàn thành đúng tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, giảm nợ xấu để giảm lãi suất cho vay; hình thành thị trường quyền dụng đất; xác định rõ các ngành, vùng kinh tế trọng điểm để dành nguồn lực phát triển mang tính đột phá…

Thậm chí, trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện 3 nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (gồm Nghị quyết 11 về Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết 12 về Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và Nghị quyết 10 về Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN), hàng loạt công việc cụ thể được xác định rõ tới từng bộ, ngành, địa phương…

Nhưng dường như phần chưa rõ nét nhất lại nằm ở chính tính khả thi, tính hiệu quả của các kế hoạch hành động, ở tốc độ cải thiện môi trường kinh doanh và khả năng giảm chi phí thực sự cho doanh nghiệp.

Có lẽ, đây chính là điểm tựa chính sách mà các đại biểu Quốc hội cần quan tâm hơn, cần đặt ra các yêu cầu cụ thể hơn, vì gần như mọi giải pháp đều nằm ở các văn bản luật, pháp lệnh và các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Hơn nữa, các nội dung cần thảo luận không chỉ là các giải pháp cụ thể, mà còn là tư duy, phương pháp luận và cả quyết tâm để gỡ các nút thắt này…

Dư địa để tăng trưởng kinh tế năm 2018 không hề nhỏ, thậm chí có thể là động lực tăng trưởng dài hạn cho nền kinh tế. Vấn đề là cần có các quyết định chính sách thích hợp.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư