Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tìm giải pháp thúc đẩy công nghệ thu phí không dừng
Thành Vân - 27/05/2020 11:37
 
Việt Nam đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí tự động đường bộ ETC (Electronic Toll Collection) nhằm minh bạch hóa doanh thu tại các trạm BOT.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào.
Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào.

Tuy nhiên, các phương thức thanh toán vẫn bộc lộ nhiều bất cập như chậm trễ, thiếu tính an toàn bảo mật, minh bạch. Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, chia sẻ về phương thức thanh toán không tiếp xúc bằng thẻ Visa giúp cải thiện tính hiệu quả của hệ thống thu phí không dừng tại Việt Nam.

Theo bà, công nghệ “không tiếp xúc” mang đến những lợi ích gì cho hoạt động thu phí không dừng?

Thanh toán không tiếp xúc là một công nghệ thanh toán mới, nhanh hơn và thuận tiện hơn, cho phép chủ xe chỉ cần chạm thẻ Visa hoặc điện thoại hay thiết bị đeo thông minh vào máy đọc thẻ để thanh toán. Thẻ không tiếp xúc có một ăng ten nhỏ có thể được đọc bởi các máy đọc thẻ với khoảng cách tối đa là 4 cm.

Các máy đọc thẻ thường có thể đọc và xử lý giao dịch thanh toán thẻ hoặc thiết bị không tiếp xúc trong vòng chưa đầy nửa giây. Do đó, thẻ không tiếp xúc đem đến một loạt lợi ích cho cả chủ xe và các trạm thu phí không dừng, đặc biệt là về tính tiện lợi. Thanh toán không tiếp xúc cực kỳ đơn giản, yêu cầu chủ xe chỉ cần chạm thẻ hoặc thiết bị vào máy đọc thẻ để thực hiện thanh toán. Việc giữ thẻ luôn ở trên tay giúp chủ xe kiểm soát và bảo mật giao dịch tốt hơn.

Nhờ vào tính hiệu quả cao, thanh toán không tiếp xúc cho phép chủ xe thanh toán nhanh hơn, trong khi đó các nhân viên tại các trạm thu phí sẽ tiết kiệm thời gian xử lý các máy đọc thẻ từ, thẻ chip truyền thống.

Bên cạnh đó, tính năng “Lưu giữ thông tin thẻ mã hóa” (Card-on-File, COF) cung cấp cho đơn vị phát hành thẻ thông tin về các điểm chấp nhận thẻ mà chủ thẻ đã thực hiện giao dịch, hoặc nơi mà chủ thẻ lưu trữ thông tin tài khoản chính của họ hoặc thông tin thẻ mã hóa. Với tính năng này, người tiêu dùng không cần nhập lại thông tin thẻ mỗi lần giao dịch. Khi thay thẻ, thông tin thẻ mới sẽ được cập nhật thay thế tự động tại các điểm chấp nhận thẻ mà chủ thẻ đã thực hiện giao dịch. Khi hết hạn hoặc bị mất thẻ, thông tin người dùng sẽ tự động xóa, nhờ đó đảm bảo tính bảo mật. Công nghệ này mở ra cơ hội trong lĩnh vực thu phí không dừng khi thông tin thẻ của tài xế được lưu giữ trên hệ thống chấp nhận thẻ của nhà điều hành giao thông, khi đi qua trạm thu phí tài xế không cần dừng lại mà hệ thống sẽ tự động trừ thanh toán từ thẻ.

Xin bà chia sẻ về tầm nhìn của Visa khi tham gia vào lĩnh vực thanh toán cho giao thông thông minh tại Việt Nam?

Người tiêu dùng Việt Nam đang giảm sử dụng tiền mặt do tăng cường thanh toán kỹ thuật số qua các công nghệ thanh toán mới như thanh toán thẻ không tiếp xúc, thanh toán trên các thiết bị di động và thương mại điện tử.

Sự đổ bộ của các công nghệ thanh toán sẽ thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Visa và các đối tác để triển khai thu phí không dừng tại Việt Nam. Visa đang phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng để triển khai mở rộng phát hành thẻ và hạ tầng chấp nhận thanh toán không tiếp xúc, không chỉ tại các điểm bán hàng, mà còn trong các lĩnh vực trọng điểm mà Chính phủ đang quan tâm như giao thông vận tải, với mục tiêu xây dựng hệ sinh thái thanh toán đồng bộ cho xe buýt, tàu điện ngầm và các dịch vụ giao thông công cộng khác.

Bà có thể thông tin thêm về một số dự án giao thông thông minh trên thế giới và bài học cho Việt Nam?

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới cũng bắt đầu ứng dụng công nghệ thanh toán không tiếp xúc cho các hoạt động thu phí không dừng. Tại Ấn Độ, dịch vụ FASTag là bắt buộc đối với mọi phương tiện giao thông từ ngày 15/1/2020. Các phương tiện giao thông không có thẻ FASTag sẽ phải đóng gấp đôi phí thông thường tại các điểm thu phí toàn quốc.

FASTag là các thẻ nạp trả trước, cho phép thu phí bằng cách tự động khấu trừ thanh toán từ thẻ FASTag, chúng thường được dán trên kính chắn gió của xe. Nhờ thẻ FASTag, chủ xe sẽ không phải dừng phương tiện của mình tại các trạm thu phí để trả phí. Ngay khi phương tiện đi qua trạm thu phí, phí cầu đường sẽ được khấu trừ vào tài khoản ngân hàng hoặc ví trả trước được liên kết với FASTag dán trên kính chắn gió của xe. FASTtag hoạt động dựa trên công nghệ nhận dạng Tần số Vô tuyến (RFID).

Công ty nhượng quyền đường cao tốc PLUS của Malaysia có sáng kiến áp dụng công nghệ RFID đường dài đối với các phương tiện giao thông, cho phép triển khai việc thực hiện thu phí không dừng tại Malaysia.Theo đó, các chủ xe sẽ cung cấp giấy tờ để được gắn thẻ định danh RFID đường dài trên xe và được liên kết với thẻ ngân hàng của họ để tiến hành thanh toán. Khi thẻ định danh đã được gắn và thẻ ngân hàng được liên kết thành công, mỗi khi phương tiện đi qua trạm thu phí, thiết bị đọc RFID sẽ tiến hành quét thẻ định danh và kiểm tra danh sách không hợp lệ.

Tại Singapore, cơ quan giao thông đường bộ (LTA) hợp tác với Ngân hàng DBS ra mắt dịch vụ Motorpay cho phép khách hàng thanh toán phí đường bộ điện tử (Electronic Road Pricing, ERP) qua thẻ tín dụng. DBS là ngân hàng đầu tư và là đối tác thanh toán phụ trách dịch vụ này. Chỉ cần lái xe qua bất kỳ cổng thu phí ERP nào thì phí ERP sẽ được tự động trừ vào thẻ tín dụng. Người dùng có thể lên mạng để theo dõi các giao dịch ERP và cách sử dụng.  

Rõ ràng, việc ứng dụng thanh toán không tiếp xúc trong hoạt động thu phí không dừng đang ngày càng trở nên phổ biến trên thế giới. Nếu có thể triển khai mô hình tương tự tại Việt Nam, Visa sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí không dừng, hướng đến xây dựng một nền kinh tế không tiền mặt trong tương lai không xa tại Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải hoàn thành triển khai thu phí không dừng trong năm 2020
Chiều 16/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Dự án thu phí dịch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư