Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 09 năm 2024,
Tìm kiếm môi trường an toàn và cạnh tranh
Nguyên Đức - 24/02/2022 09:21
 
Nhiều khuyến nghị chính sách đã được các nhà đầu tư nước ngoài gửi tới Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), với mong muốn có được một môi trường đầu tư ổn định, an toàn và cạnh tranh.
Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá cao môi trường đầu tư Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Vẫn lấn cấn ưu đãi

Thời gian phát biểu của mỗi diễn giả tại VBF chỉ có 5 phút, nên các ý kiến được ông Kim Han Yong, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham) trình bày tại sự kiện khá ngắn gọn. Tuy nhiên, trong bản tài liệu được gửi tới VBF, có rất nhiều vấn đề được đặt ra, từ chuyện hỗ trợ doanh nghiệp Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đến chuyện thời gian áp dụng APA (phương pháp áp dụng giá tính thuế), rồi chuyện chuyển tiền tăng vốn, xác định thuế hồi tố đối với hàng hóa nhập khẩu của nhà thầu, giữ nguyên tiến độ Dự án LNG Hải Lăng…

Không quá khó hiểu vì sao KorCham luôn là một trong những hiệp hội doanh nghiệp tại nước ngoài tại Việt Nam gửi nhiều kiến nghị nhất tới VBF. Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Và dù hai năm qua, do ảnh hưởng của Covid-19, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam không tăng tốc mạnh mẽ như những năm trước về số vốn, song xét về số lượng dự án, thì vẫn đứng đầu trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Và cũng rất dễ hiểu khi những năm gần đây, khi phát biểu tại các kỳ VBF, KorCham luôn nêu các kiến nghị của doanh nghiệp Hàn Quốc liên quan đến vấn đề ưu đãi đầu tư. Năm nay cũng vậy.

Theo ông Kim Han Yong, rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang gặp vướng mắc liên quan tới chuyện truy thu ưu đãi thuế khi đầu tư vào các khu công nghiệp Tiên Sơn và Quế Võ mở rộng của tỉnh Bắc Ninh. Cụ thể, từ tháng 6/2003, đã có 117 công ty, trong đó 70% là công ty Hàn Quốc, chuyển vào khu công nghiệp do tin tưởng chính sách ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Trong giấy phép đầu tư cũng ghi rõ “dự án nằm trong khu công nghiệp” và các công ty này được xác định là đối tượng được hưởng ưu đãi.

Hiềm một nỗi, các phần đầu tư mở rộng các khu công nghiệp này chưa hoàn thành và vì thế, đến tháng 5/2016, Ban quản lý Khu công nghiệp Bắc Ninh đã có văn bản thông báo, các doanh nghiệp sẽ không được hưởng ưu đãi và bị yêu cầu truy thu thuế. Tổng số tiền mà các doanh nghiệp phải nộp, bao gồm cả khoản truy thu và chậm nộp thuế là khoảng 300 tỷ đồng. Từ đó tới nay, liên tục có các hối thúc về việc phải nộp khoản thuế này. Còn các doanh nghiệp thì cho rằng, yêu cầu này là không hợp lý.

Không chỉ các doanh nghiệp Hàn Quốc, nhiều nhà đầu tư khác cũng lấn cấn về vấn đề ưu đãi đầu tư.

Đại diện Hiệp hội Thành viên Liên kết, ông Seck Yee Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách giúp giảm nhẹ tác động của đại dịch trong khi vẫn duy trì các biện pháp phòng chống Covid -19 và khuyến khích đầu tư. Tuy nhiên, điều không kém phần quan trọng, nếu không nói là quan trọng hơn, đó là đảm bảo những chính sách hỗ trợ và ưu đãi đó được triển khai trên thực tế.

“Trong một số trường hợp, khi nhà đầu tư nước ngoài xin cấp ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật, các cơ quan có thẩm quyền vẫn còn chần chừ trong việc cấp các ưu đãi đó ngay cả cho các công ty hàng đầu trong ngành do thận trọng quá mức trong việc công nhận các điều kiện hưởng ưu đãi”, ông Seck Yee Chung nói.

Ông đề xuất, các luật và quy định về ưu đãi cho nhà đầu tư cần mô tả rõ ràng và chi tiết về các điều kiện hưởng ưu đãi để cơ quan có thẩm quyền không ngần ngại cấp ưu đãi. Và tất nhiên, các ưu đãi này phải không bị hủy bỏ, kể cả khi chính sách bị điều chỉnh.

Cần một môi trường an toàn và cạnh tranh

Thực tế, dù có không ít lấn cấn, song các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào điểm đến Việt Nam. Khi phát biểu tại VBF, các hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh quốc… đều đánh giá cao những nỗ lực và kết quả tích cực mà Việt Nam đạt được trong năm 2021, cũng như có cái nhìn lạc quan về triển vọng mở cửa, phục hồi và phát triển của kinh tế Việt Nam.

Ông Alain Cany, Chủ tịch EuroCham thậm chí còn cho rằng, khi Covid-19 dần được kiểm soát, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) sẽ sớm được thực hiện, Việt Nam có cơ hội thu hút một làn sóng FDI mới từ các nhà đầu tư châu Âu đang tìm kiếm một môi trường đầu tư đầy tiềm năng, an toàn và cạnh tranh.

Phần lớn các doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam với mong muốn đạt được mục tiêu hợp tác cùng tăng trưởng thông qua đầu tư vào Việt Nam và đều có chung nhận định rằng, việc hưởng ưu đãi thuế doanh nghiệp là điều đương nhiên khi chuyển vào kinh doanh trong khu công nghiệp. Việt Nam cần tạo ra một môi trường đầu tư ổn định.

- Ông Kim Han Yong, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KorCham)

Rõ ràng, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá cao môi trường đầu tư Việt Nam, song điều họ quan tâm nhất vẫn là một môi trường đầu tư “an toàn và cạnh tranh”. Chính sách ưu đãi đầu tư không rõ ràng sẽ làm nản lòng nhà đầu tư.

“Các trường hợp như trên xảy ra sẽ tác động xấu đến ý định đầu tư vào Việt Nam của các công ty Hàn Quốc đang nghiên cứu đầu tư vào Việt Nam và chính điều này cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến việc xúc tiến đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong tương lai”, ông Kim Han Yong đã nói như vậy và nhấn mạnh yếu tố “ổn định” của chính sách.

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam vẫn không thôi lo lắng về các chính sách phòng, chống dịch, cách ly, phong tỏa…, bởi có thể làm “giảm sút ý chí” của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Ở một góc độ khác, ông Nitin Kapoor, Thành viên Ban Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BritCham) đã đề xuất việc tạo điều kiện cho các ngân hàng nước ngoài có thể cho vay đối với các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam.

“Đây là điều cần thiết để Việt Nam tận dụng tối đa tiềm năng của tất cả các hiệp định thương mại tự do đã hiệu lực và đang đàm phán”, ông Nitin Kapoor nói và bày tỏ sự tin tưởng vào một quy định linh hoạt hơn từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép các ngân hàng có thể hỗ trợ các công ty với giới hạn cho vay lớn hơn mức họ đã đưa ra trước đây.

Còn bà Tihana Bule, Giám đốc Khu vực châu Á, Trung tâm Ứng xử Kinh doanh có trách nhiệm, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) lại nhấn mạnh việc phải đảm bảo được chuỗi cung ứng, bởi sự gián đoạn cục bộ, hủy đơn hàng đột ngột, không thực hiện hợp đồng…  sẽ để lại những hệ lụy không nhỏ.

Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh công bằng cho mọi thành phần kinh tế
Triển khai Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư